Đối thoại Shangri-La:
Phóng to |
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta (giữa) bắt tay Thứ trưởng quốc phòng Nhật Shu Watanabe tại hội nghị - Ảnh: Reuters |
Ngày 2-6, biển Đông trở thành chủ đề nóng bỏng tại Đối thoại Shangri-La khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta mô tả chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Quan chức quốc phòng các nước Ấn Độ, Nhật và Indonesia cũng phát biểu mạnh mẽ về vấn đề bảo vệ an ninh hàng hải và bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc đầu tư lớn vào quốc phòng.
“Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền trên biển Đông - ông Panetta tuyên bố - Mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua cơ chế đồng thuận giữa các quốc gia và dựa trên luật pháp quốc tế”. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết Washington “đặc biệt chú ý” đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough trên biển Đông.
Tự do hàng hải không là đặc quyền riêng
“Tự do hàng hải không phải là đặc quyền dành riêng cho một số quốc gia - Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony phát biểu tại hội nghị - Chúng ta phải tìm sự cân bằng giữa quyền lợi quốc gia và quyền tự do của cộng đồng thế giới”. Báo Ấn Độ Hindustan Times bình luận đây là thông điệp ông Antony đưa ra để phản ứng việc Trung Quốc liên tục gây hấn trên biển Đông.
Ông Antony cho rằng Trung Quốc phải đàm phán với ASEAN, chứ không phải từng quốc gia khu vực, về tranh chấp trên biển Đông. Trong khi đó, Thứ trưởng quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe nhấn mạnh tự do và an ninh hàng hải là “nguyên tắc bất khả xâm phạm” và vai trò của Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) là “không thể tranh cãi”. Ông Watanabe cảnh báo cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận bất kỳ hành vi nào đe dọa tự do hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Watanabe cũng cho rằng các hành vi vi phạm tự do hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương là “mối quan ngại chung” không chỉ của các quốc gia có liên quan trực tiếp, mà của cả cộng đồng quốc tế và nhắc đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough. Ông kêu gọi các bên tránh những “hành vi khinh suất” và cho biết Nhật ủng hộ nỗ lực đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Theo ông Watanabe, để đảm bảo an ninh hàng hải, các quốc gia khu vực cần tăng cường hợp tác. Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho rằng các nước đòi chủ quyền trên biển Đông cần thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, nhanh chóng đưa ra COC.
Tại hội nghị, ông Watanabe một lần nữa bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng. Năm 2012, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 11,2% lên 106 tỉ USD. “Tăng trưởng ngân sách quốc phòng Trung Quốc, các năng lực họ đang mở rộng và mục tiêu họ theo đuổi đều không rõ ràng. Đó là một mối đe dọa” - ông Watanabe nhấn mạnh. Bộ trưởng Antony cũng bày tỏ sự lo ngại đó. Theo AFP, bên lề hội nghị, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn trong chi tiêu quốc phòng.
Mỹ tăng số lượng tàu chiến ở châu Á
Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta tiết lộ Mỹ sẽ đưa phần lớn hạm đội hải quân đến Thái Bình Dương vào năm 2020. “Tỉ lệ tàu chiến của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sẽ được điều chỉnh từ 50-50 hiện nay sang 60-40 vào năm 2020 - ông Panetta cho biết - Ở khu vực châu Á chúng tôi sẽ triển khai sáu tàu sân bay và một số lượng lớn tàu tuần dương, khu trục, tàu chiến gần bờ, tàu ngầm...”.
Theo Reuters, hiện hải quân Mỹ đang sở hữu tổng cộng 282 tàu chiến các loại. Con số này sẽ giảm còn 276 tàu trong hai năm tới, nhưng sau đó sẽ tăng lên 300 tàu. Ông Panetta cho biết Washington sẽ triển khai thêm máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay ném bom đường dài, các hệ thống phòng thủ tên lửa và thiết bị chiến tranh điện tử đến châu Á - Thái Bình Dương. “Các tư lệnh quân sự đang điều chỉnh lại học thuyết chiến tranh và tính đến các loại vũ khí có khả năng ngăn chặn lực lượng Mỹ tiếp cận các vùng biển quan trọng”.
Ông Panetta cũng nói quân đội Mỹ sẽ tăng cường số lượng và quy mô các cuộc tập trận song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Năm 2011 Mỹ thực hiện khoảng 172 cuộc tập trận tại châu Á. AFP dẫn lời một số quan chức Mỹ xác nhận Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự ở châu Á nhằm củng cố sức mạnh ngoại giao khi đối phó với việc Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông. Tuy nhiên ông Panetta khẳng định Mỹ không có chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
Phản ứng lại phát biểu của ông Panetta ở Đối thoại Shangri-La, hôm qua Tân Hoa xã cảnh báo Washington “không nên tạo sóng trên biển Đông”. Hãng tin này tiếp tục đổ lỗi cho các nước khác “châm mồi lửa” trên biển Đông, còn Trung Quốc “muốn biến biển Đông này thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”. Trung Quốc Nhật Báo cho rằng “một số nước muốn lợi dụng Đối thoại Shangri-La để cường điệu hóa tranh chấp trên biển Đông”.
Philippines, Trung Quốc tiếp tục khẩu chiến Ngày 2-6, truyền thông Trung Quốc, gồm tờ Trung Quốc Nhật Báo và Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, tiếp tục chỉ trích Philippines “xâm lược” bãi cạn Scarborough và tiếp tục gây hấn bằng cách điều thêm tàu ra khu vực này. Hai báo này đòi Philippines phải kiềm chế. Phản ứng lại, báo Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn Văn phòng tổng thống Philippines khẳng định Manila luôn ôn hòa và mỉa mai: “Chính quyền Trung Quốc cần hỗ trợ giới truyền thông nước này cách không gây thêm căng thẳng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận