Phương Tây lên án vụ thảm sát dã man ở Syria
Phóng to |
Cảnh sát tuần tra bên ngoài Đại sứ quán Syria ở London ngày 29-5. Bên ngoài là người biểu tình Anh tập trung để phản đối chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ trục xuất đại biện lâm thời của Syria ở Washington, theo nguồn tin từ một quan chức giấu tên. Nhà ngoại giao này sẽ có 72 giờ để rời khỏi Mỹ. Đại sứ lâu năm của Syria tại Mỹ Imad Moustapha đã được triệu hồi về Damascus từ năm ngoái.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird cho biết sẽ trục xuất ba quan chức Syria còn lại ở nước này, gồm một đại biện lâm thời và hai người khác.
“Hôm nay Canada sẽ trục xuất tất cả nhà ngoại ngoại giao của Syria đang ở Ottawa. Họ cùng gia đình có năm ngày để rời khỏi Canada” - Bộ trưởng Baird tuyên bố. Một nhà ngoại giao Syria chuẩn bị đến Ottawa đã bị từ chối nhập cảnh.
Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande trả lời phóng viên rằng đại sứ Lamia Shakkour đã được thông báo cô sẽ phải rời khỏi Pháp hôm nay hoặc ngày mai. Ông Holland cho biết sau cuộc đối thoại cấp cao với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, nước này đã quyết định triển khai “nhiều chiến thuật gây áp lực” chống lại Syria, gồm cả hành động trục xuất đại sứ.
Tổng thống Hollande cũng cho biết sẽ sớm tổ chức cuộc họp Những người bạn của Syria vào đầu tháng 7 để tìm một giải pháp ngoại giao cho tình hình xung đột ở Syria.
Đại sứ Syria ở Đức Radwan Loutfi đã được yêu cầu phải rời khỏi Đức trong vòng 72 giờ. Ngoại trưởng Đức Westerwelle nói Đức và các đồng minh hi vọng “thông điệp rất rõ ràng này sẽ không nằm ngoài tai chính quyền Damascus”.
Ngoại trưởng Westerwell tuyên bố Đức sẽ thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét lại tình hình ở Syria.
Bộ Ngoại giao Ý cho biết cơ quan này đã triệu tập đại sứ Syria Khaddour Hassan để thông báo ràng ông phải rời khỏi Ý ngay.
Chính quyền Tây Ban Nha đã yêu cầu đại sứ Syria Hussam Edin Aala cùng bốn nhà ngoại giao khác làm việc ở Madrid phải rời khỏi Tây Ban Nha trong ba ngày.
Các quan chức Anh thông báo nước này đang tiến hành trục xuất ba nhà ngoại giao Syria để phản đối cuộc thảm sát. Những quan chức ngoại giao bị trục xuất gồm cả đại biện lâm thời Ghassan Dalla - nhà ngoại giao cấp cao nhất của Syria ở London.
Tại Vienna, Áo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nikolaus Lutterotti đã triệu tập đại sứ Syria đến đây và các quan chức Áo sẽ thẳng thắn phản đối, lên án cuộc thảm sát ở Houla. Khi được hỏi liệu Áo có đi theo làn sóng trục xuất của châu Âu hay không, ông Lutterotti nói điều này vẫn chưa được quyết định, vì nhà ngoại giao Syria này còn đảm nhận một sứ mệnh khác tại một tổ chức của Liên Hiệp Quốc ở Áo.
Chính phủ Hà Lan tuyên bố đại sứ Syria sẽ không được chào đón tại nước này. “Hà Lan đã quyết định điều này sau khi tham vấn với các đối tác Liên minh châu Âu” - thông báo từ Bộ Ngoại giao Hà Lan viết. Tuy nhiên, Hà Lan không thể trục xuất đại sứ Syria, vì ông này đang cư trú ở Brussels và đảm nhận vai trò đại sứ ở cả hai nước Hà Lan và Bỉ.
Chính quyền Úc cũng đã tuyên bố trục xuất hai nhà ngoại giao Syria. Phát biểu trước các phóng viên ngày 29-5, Ngoại trưởng Úc Bob Carr cho hay đại diện Jawdat Ali - quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Syria tại Úc - và một nhà ngoại giao khác ở Đại sứ quán Syria đã được lệnh rời khỏi nước này trong vòng 72 giờ tới.
Trong một diễn biến có liên quan, ông Kofi Annan - đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập - đã đến thủ đô Damascus của Syria ngày 28-5 và dự kiến có buổi hội đàm “thẳng thắn” với Tổng thống Assad ngày 29-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận