25/03/2012 07:50 GMT+7

Cuộc đua giành ghế lãnh đạo Ngân hàng Thế giới

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gây bất ngờ khi đề xuất hiệu trưởng Đại học Dartmouth Jim Yong Kim làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB). Đây sẽ là cuộc đua tam mã chưa từng có trong lịch sử WB.

GODOAamJ.jpgPhóng to
Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Jim Yong Kim (giữa) - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, châu Phi ủng hộ Bộ trưởng tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala, cựu giám đốc điều hành WB. Trong khi đó, Mỹ Latin giới thiệu ứng viên Jose Antonio Ocampo, cựu bộ trưởng tài chính Colombia. Các thành viên WB dự kiến sẽ bỏ phiếu bầu tại các cuộc họp định kỳ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào giữa tháng 4-2012. Người đắc cử sẽ thay thế đương kim chủ tịch Robert Zoellick, mãn nhiệm cuối tháng 6-2012.

Kể từ khi thành lập năm 1944, chủ tịch WB luôn là một công dân Mỹ. Tuy nhiên các nền kinh tế mới nổi, với ảnh hưởng ngày càng rộng mở, khẳng định đã đến lúc phải thay đổi. “Sẽ có sự đánh giá dựa trên các phẩm chất của những ứng viên và định hướng của WB” - Reuters dẫn lời cựu quan chức IMF Arvind Subramanian. Ông nhận định ông Kim chưa hẳn là một “lựa chọn hiển nhiên”.

Lựa chọn táo bạo

Theo báo Wall Street Journal, Tổng thống Obama khẳng định ông Kim có kinh nghiệm quốc tế dày dặn. “Đây là lúc để một chuyên gia phát triển lãnh đạo cơ quan về phát triển lớn nhất thế giới. Ông Kim đã làm việc ở châu Á, châu Phi đến châu Mỹ, từ thủ đô đến các làng mạc nhỏ. Kinh nghiệm khiến ông phù hợp với việc thúc đẩy sự hợp tác trên toàn thế giới” - ông Obama nhấn mạnh.

Điều khiến nhiều người bất ngờ là ông Kim, gốc Hàn Quốc, không phải là một chính trị gia hay chuyên gia kinh tế như những lựa chọn trước của Mỹ. Ông xuất thân từ lĩnh vực y tế. Cái tên Jim Yong Kim cũng không được nhắc nhiều đến trong thời gian qua. Ban đầu, giới quan sát Mỹ nhận định những tên tuổi được đánh giá cao là đặc sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice, cố vấn Nhà Trắng Larry Summers hay lãnh đạo Hãng Pepsi Indra Nooyi.

Nếu được lựa chọn, ông Kim sẽ là lãnh đạo người Mỹ gốc Á đầu tiên của WB. Sinh ra ở Seoul và đến Mỹ từ năm 5 tuổi, ông Kim hiện là một chuyên gia về y tế cộng đồng. Ông từng lãnh đạo cơ quan chống HIV/AIDS của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2004-2006. Ông là người đồng sáng lập Tổ chức Partners in Health hỗ trợ y tế các nước nghèo. Ông Kim giữ chức hiệu trưởng Đại học Dartmouth từ năm 2009.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ông Kim không phải là lựa chọn thích hợp do thiếu “nền tảng về phát triển kinh tế” để đáp ứng những yêu cầu của vị trí chủ tịch WB. “Chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, giá dầu... nên cần một người am hiểu” - Bloomberg dẫn lời chuyên gia Kevin Gallagher thuộc Đại học Boston nhận định.

Một cuộc đối đầu

Theo Wall Street Journal, ông Kim sẽ đi vận động ở nhiều quốc gia. Ông có lợi thế lớn bởi Mỹ là nước có cổ phần lớn nhất trong hội đồng 25 thành viên của WB. Ông Kim cũng nhận sự ủng hộ từ các đồng minh của Washington là châu Âu và Nhật. Chính phủ Canada và Hàn Quốc cho biết sẽ ủng hộ ứng viên Mỹ.

Tuy nhiên các nước lớn của châu Phi như Angola, Nigeria và Nam Phi khẳng định đứng sau bà Okonjo-Iweala. Còn ông Ocampo nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Brazil. Theo báo Times of India, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ đưa ra quyết định sau khi tham khảo ý kiến các cường quốc mới nổi thuộc nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Sự trỗi dậy của các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil và ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu đã gây sức ép buộc WB và IMF phải “nới rộng” việc lựa chọn lãnh đạo. Năm ngoái, 187 thành viên của WB đã đồng ý sẽ bầu lãnh đạo một cách minh bạch và căn cứ vào phẩm chất của các ứng viên.

“Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc cạnh tranh, hoặc ít nhất là nhận thức đầu tiên về một cuộc cạnh tranh nghiêm túc. Chỉ có cạnh tranh mới có được sự minh bạch, cởi mở và đánh giá dựa trên phẩm chất - Bloomberg dẫn lời bà Nancy Birdsall, giám đốc Trung tâm Phát triển toàn cầu tại Washington - Nó là dấu hiệu cho thấy toàn cảnh địa chính trị thế giới đang thay đổi và Mỹ không thể tự mình làm mọi việc”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên