Phóng to |
Cảnh tượng thường thấy trong các cuộc họp lớn nhỏ ở Trung Quốc - Ảnh: Nhân Dân Nhật Báo |
Nhật Báo Quảng Châu cho biết Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương vừa đề nghị các lãnh đạo thành ủy và chính quyền thành phố chỉ được phát biểu tối đa 60 phút trong các cuộc họp quan trọng, 30 phút với các sự kiện thông thường và chỉ 3 phút ở các hoạt động mang tính chất lễ hội, kỷ niệm. Ông Vạn Khánh Lương nhấn mạnh Quảng Châu đang thực hiện chính sách giảm bớt hội họp, chi phí in tài liệu, rút ngắn thời gian họp hành.
“Bản thân tôi đã làm gương bằng việc kết thúc bài phát biểu của mình trong... 58 phút” - Nhật Báo Quảng Châu dẫn lời ông Vạn Khánh Lương.
Ông Đường Kim Hoa, lãnh đạo Cục Nông nghiệp Quảng Châu, thừa nhận trong nhiều cuộc họp, các lãnh đạo phát biểu tràng giang đại hải kéo dài hàng giờ, với giọng nói đều đều dễ gây buồn ngủ, và các đại biểu chẳng còn thời gian thảo luận những vấn đề quan trọng. Đài truyền hình, khi tường thuật, cũng “bê nguyên xi” tình trạng lê thê ấy. “Một số tài liệu chẳng đáng nhắc đến, và chúng ta nên bỏ kiểu kính thưa hàng loạt lãnh đạo cấp cao” - ông Đường Kim Hoa khẳng định.
Một số quan chức chính quyền trung ương đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Quảng Châu. Theo Tân Hoa xã, mới đây ủy viên Bộ Chính trị Lý Nguyên Triều cho biết ông đã tập phát biểu ngắn gọn, chỉ khoảng 10 phút, trong các cuộc họp. Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình mới đây cũng lên tiếng phê bình các quan chức vì phát biểu lung tung. Ông cho rằng tệ trạng “nói dài, nói dai, nói lê thê” đã khiến các cuộc họp bị kéo dài mà chẳng thấy hiệu quả.
Các quan chức Trung Quốc có “truyền thống” phát biểu dài dòng, có khi đến hàng nhiều giờ liền. Kênh truyền hình trung ương CCTV rất nhiều lần phát hình ảnh các đại biểu ngáy khò khò trong các cuộc họp lớn, quan trọng trong lúc người phát biểu trên lễ đài vẫn thản nhiên thao thao bất tuyệt.
Giáo sư Lương Mộc Thắng thuộc Đại học Khoa học công nghệ Hoa Trung so sánh: “Các phát biểu dù là dài dòng nhất của các quan chức Mỹ cũng ngắn gọn, nhẹ nhàng như thơ haiku của Nhật”.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các lãnh đạo Trung Quốc than phiền và tuyên chiến với tệ “nói dài, nói dai” của các quan chức. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, năm 1992 ông Đặng Tiểu Bình từng chỉ trích tệ trạng này. Khi đó, giới quan chức Trung Quốc có cải thiện kỹ năng phát biểu nhưng chỉ sau vài tháng mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Năm 2009, Thời Báo Hoàn Cầu từng đăng bài xã luận với tựa đề: “Tại sao các bài phát biểu ở Trung Quốc ta lại buồn tẻ đến thế?”. Tác giả phân tích nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nhấn mạnh: các quan chức của ta chẳng bao giờ phải đi diễn thuyết để tranh cử, do đó họ chẳng biết cách phát biểu sao cho lôi cuốn. Hơn nữa, các quan chức ta không muốn phải chịu trách nhiệm với những lời lẽ phát ra từ mồm họ. Do đó họ chọn cách an toàn.
“An toàn đến mức nội dung các bài phát biểu chẳng có gì đáng nghe - Thời Báo Hoàn Cầu kết luận, và báo động - Đáng ngại hơn là ngay cả giới trẻ của ta hiện nay cũng bị nhiễm lối phát biểu chán ngấy này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận