Phóng to |
Vụ Ô Khảm, huyện Lục Phong, thành phố Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông như một giọt nước tràn ly.
Khi nông dân nổi dậy
Hàng ngàn dân làng Ô Khảm đã giận dữ kéo đến bao vây trụ sở chính quyền do bức xúc trước việc chính quyền địa phương tịch thu đất của họ cho các dự án phát triển kinh doanh mà không đền bù thỏa đáng. Người làng Ô Khảm cáo buộc những “công bộc” ở Ô Khảm là những người vô cảm và chỉ biết tham nhũng.
Họ đã biểu tình suốt ba tháng, cuối cùng chính quyền địa phương mới chịu nhượng bộ. Chính phủ và truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng nhìn nhận cuộc biểu tình là “phù hợp với luật pháp” cũng như các yêu sách của dân làng là chính đáng. Đây là địa phương đầu tiên ở Trung Quốc mà tiếng nói đấu tranh của họ trước những hành xử bất hợp lý của quan quyền địa phương được nhìn nhận.
Đoàn thanh tra tỉnh Quảng Đông, đứng đầu là phó bí thư tỉnh ủy Chu Minh Quốc đã đến Ô Khảm từ ngày 14-12-2011. Sau các cuộc gặp gỡ, ông Chu Minh Quốc đã ra lệnh cho chính quyền thành phố Sán Vĩ ngưng dự án phát triển kinh doanh ở Ô Khảm và ra lệnh bắt giữ một số quan chức địa phương.
“Hiện nay, một số cán bộ nhà nước không hề nghĩ đến người dân đang cần ăn gì. Họ không còn đất làm sao có gạo để ăn? Họ không làm ruộng thì lấy gì để ăn? Cho nên đòi đất của dân là bất hợp lý và nhẫn tâm. Công bộc mà không quan tâm đến dân đang phải sống khốn khổ ra sao” - ông Chu nói.
Thế nhưng, vụ Ô Khảm của tỉnh Quảng Đông không là trường hợp cá biệt. Theo Tân Hoa xã, có khoảng 90.000 vụ biểu tình quy mô lớn nhỏ khác nhau đã diễn ra ở các địa phương của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Thủ tướng vào cuộc
Sau những bất ổn xã hội tiềm ẩn liên quan đến đất đai ở Quảng Đông và nhiều địa phương khác, chính quyền Trung Quốc đã có một loạt động thái nhằm làm dịu lòng dân.
Nhân Dân Nhật Báo cho biết trong buổi gặp gỡ với nông dân tại thị trấn Giang Cao, Quảng Châu, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã báo động về tình trạng loạn chiếm đất nông nghiệp, và cái loạn này đã khiến người dân bất bình, biểu tình phản đối diễn ra thường xuyên. Nguồn gốc của vấn đề là do quyền về tài sản ruộng đất của nông dân không được bảo vệ.
Trước đó ngày 15-1-2011, trên tạp chí Cầu Thị của Ủy ban thường vụ trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã đề cập vấn đề cần “bảo vệ quyền đất đai của nông dân”. Ông là quan chức cao cấp thứ hai tại Trung Quốc chính thức lên tiếng về sự bất ổn xuất phát từ việc chính quyền địa phương tùy tiện lấy đất của dân, gây ra những cuộc biểu tình “đòi đất”đầy bạo động.
Trả lời nông dân, như Tân Hoa xã cho biết, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định nông dân có quyền hợp pháp về các hợp đồng đất đai, quyền sử dụng đất một cách đàng hoàng.
“Quyền quản lý hợp đồng về đất, sử dụng hiện trạng nhà cửa và chia sẻ những nguồn thu nhập của nông dân phải được luật pháp bảo vệ. Không ai được quyền lấy đi các quyền đó của người nông dân. Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản của nông dân trong những cải cách liên quan đến việc sung công đất đai ở nông thôn” - Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh.
Bảo vệ các quyền của nông dân
Ngày 1-2-2012, lần đầu tiên Trung Quốc đã ban hành tài liệu về chính sách đất đai liên quan đến đất nông nghiệp ở nông thôn. Chính quyền Bắc Kinh cam kết sẽ nhanh chóng xem xét lại các luật có liên quan nhằm cải thiện các chính sách về đất đai ở nông thôn. Theo đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai phải dựa trên cơ sở đền bù thỏa đáng và sự tự nguyện của người dân theo đúng luật pháp quy định.
Chính phủ sẽ từng bước hoàn thiện luật về phân xử và hòa giải trong tranh chấp đất đai. “Dù có những thành tựu nhất định trong vấn đề cải cách nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn Trung Quốc, song đất nước hơn 1,3 tỉ dân này vẫn đang đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng và những bất ổn trong việc phát triển các khu vực nông thôn” - tài liệu này viết.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng chính phủ cần phải nhanh chóng đầu tư mạnh cho nông thôn. Thời gian qua, việc tái đầu tư không hiệu quả ở nông thôn đã khiến lòng dân bất bình. Theo thống kê tại hội nghị tổng kết các vấn đề nông thôn Trung Quốc, tổng thu nhập từ bán đất của chính phủ đã tăng 51,4 tỉ nhân dân tệ trong năm 1999 lên 2.900 tỉ nhân dân tệ (460,1 tỉ USD) năm 2010 và 2.590 tỉ nhân dân tệ (410,9 tỉ USD) trong mười tháng đầu năm 2011. Song chỉ có rất ít trong số đó được đầu tư vào các dự án nông nghiệp ở nông thôn.
Ô Khảm bầu trực tiếp chính quyền địa phương Ngày 2-1, hàng ngàn người dân thôn Ô Khảm thuộc huyện Lục Phong, tỉnh Quảng Đông đã bỏ phiếu bầu chọn ủy ban bầu cử độc lập nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử chính quyền cấp thôn theo hình thức dân chủ trực tiếp. Theo Tân Hoa xã, ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm giám sát các vòng bầu cử nhằm đảm bảo việc chọn ra trưởng thôn và một ủy ban cấp thôn theo đúng thủ tục bầu cử. 11 thành viên ủy ban sẽ không được phép ứng cử vào các chức vụ trong chính quyền thôn nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch trong tiến trình bầu cử. Đây là lần đầu tiên người dân Ô Khảm được cầm trên tay lá phiếu bầu chọn trực tiếp người đại diện quyền lợi của mình. HOÀNG NGỌC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận