28/01/2012 06:48 GMT+7

Cuộc chiến không tuyên bố chống Iran

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Liên minh châu Âu (EU) đã lâm chiến với Iran dù chẳng có một lời tuyên chiến chính thức nào, cũng chẳng sử dụng vũ lực hay vũ khí nào.

lHnblWRI.jpgPhóng to

Một người Iran đi qua một điểm đổi tiền ở Tehran. Đồng rial của nước này tụt giá kỷ lục do sức ép của cấm vận quốc tế - Ảnh: Reuters

Nhưng việc EU quyết định cấm vận xuất khẩu dầu và tài chính của Iran trên thực tế đã là một hành động tuyên chiến, mà nhiều khả năng sẽ dẫn đến đối đầu quân sự.

Hồi đầu tuần, các ngoại trưởng EU trong cuộc họp ở Brussels (Bỉ) đã thông qua các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Tehran. “Sự trừng phạt thể hiện quan ngại ngày một tăng của EU về chương trình hạt nhân của Iran cùng quyết tâm của chúng tôi nhằm gia tăng sức ép một cách hợp pháp và hòa bình nhằm buộc Iran trở lại bàn đàm phán” - CNN dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Anh William Hague.

Ngoài cấm nhập khẩu dầu và đóng băng các hợp đồng dầu mỏ hiện tại hoặc sắp ký kết với Iran, các thành viên EU sẽ phong tỏa toàn bộ tài sản Ngân hàng Trung ương nước này tại châu Âu. Lệnh cấm vận cũng ngăn các nước EU không được phép xuất khẩu công nghệ và thiết bị hóa dầu cho Iran hoặc mua bán kim cương và các loại kim loại quý với quốc gia Trung Đông này.

Động thái của châu Âu là một phần chiến dịch vận động của Mỹ chống Iran đến nay đã gây nhiều sức ép lên kinh tế Iran, nước sống chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu. EU là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai của Iran, chiếm 1/4 lượng dầu xuất khẩu của Iran, nên việc tổ chức này ngừng nhập khẩu dầu được coi là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế của Tehran.

Để bảo đảm nguồn cung cấp dầu, EU đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm nhập khẩu dầu từ các nhà cung cấp khác. Saudi Arabia, nước có sản lượng dầu lớn nhất thế giới, khẳng định sẽ tăng sản lượng khai thác thêm khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, bù đắp số lượng 2,6 triệu thùng/ngày mà Iran cung cấp cho các thị trường quốc tế.

“Iran không cần bán dầu cho châu Âu”

Tin tặc Israel tấn công Iran

Một nhóm tin tặc Israel ngày 26-1 tuyên bố đã tấn công một số trang mạng của Iran để trả đũa việc các trang mạng của các bệnh viện, báo chí Israel bị đánh sập một ngày trước đó. Theo AFP, nhóm tin tặc tự xưng “Nhóm phòng vệ Israel” khẳng định đã làm tê liệt trang web của Bộ Y tế và kênh Press TV của Iran. “Nếu các tin tặc Ả Rập nghĩ rằng tấn công các trang web Israel sẽ được bỏ qua thì các người đã nhầm to”.

Đây là một trong số các vụ tấn công qua lại giữa tin tặc Israel và Saudi Arabia vài tuần qua nhắm vào thông tin thẻ tín dụng và các trang mạng.

Sự hợp tác của tất cả thành viên EU với lệnh cấm vận của EU cùng các đối tác khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc khi ngừng nhập khẩu dầu của Iran có thể sẽ khiến Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân do việc xuất khẩu dầu đem lại nguồn thu chiếm hơn 50% cho Tehran. Tuy nhiên, lệnh cấm vận cũng có thể khiến Iran cảm thấy tức giận vì bị dồn vào đường cùng và phản pháo châu Âu hoặc kích động tăng giá dầu mỏ để bù đắp thu nhập.

Cũng có khả năng Tehran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz như từng nhiều lần dọa dẫm. Nhưng giới phân tích đánh giá Iran vẫn chưa đủ khả năng để thực hiện. Ngoài ra, sự trừng phạt của EU có thể đẩy Iran lao vào các vụ tấn công phá hoại các nhà máy lọc dầu, đường ống dẫn và các cơ sở khác ở Abqaiq hay Ras Tanura phía đông Saudi Arabia. Kịch bản này có thể dẫn đến sự đối đầu quân sự mà châu Âu vẫn đang tìm cách né tránh, song đã có sự chuẩn bị khi đưa hai tàu chiến của Anh và Pháp có mặt cùng hàng không mẫu hạm Mỹ Abraham Lincoln tiến về eo biển Hormuz.

Lãnh đạo NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 26-1 tuyên bố NATO sẽ không can thiệp vào vấn đề Iran mặc dù hối thúc “chính quyền Iran cần tuân thủ các cam kết quốc tế, gồm ngừng chương trình làm giàu uranium và đảm bảo lưu thông hàng hải tại eo biển Hormuz”. Cùng ngày, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey nhận định còn sớm để can thiệp quân sự vào Tehran bởi các biện pháp cấm vận mà Mỹ và phương Tây theo đuổi đang phát huy hiệu quả.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 26-1 tuyên bố Tehran “không cần bán dầu cho châu Âu” và khẳng định lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến Iran. Trong khi đó ông Nasser Soudani, thành viên Ủy ban Năng lượng thuộc Quốc hội Iran, còn đe dọa châu Âu sẽ bị đốt cháy bởi ngọn lửa từ các giếng dầu của Iran. “Quốc hội đang thúc đẩy một kế hoạch nhằm cấm tất cả các nước châu Âu tham gia lệnh trừng phạt không thể mua được một giọt dầu nào của Iran”.

Ông Ahmadinejad cho biết sẵn sàng trở lại bàn đàm phán hạt nhân với các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ nhấn mạnh Tehran cần phản hồi chính thức bức thư kêu gọi đàm phán của cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton.

Người dân bị ảnh hưởng

Sự tụt giảm đồng USD và quan ngại EU sẽ không thể tìm nguồn dầu bù đắp cho dầu nhập khẩu từ Iran khiến giá dầu thô ở thị trường châu Á lơ lửng ở mức gần 100 USD/thùng ngày 27-1. Theo Bloomberg, giá dầu giao tháng 3-2012 trên sàn giao dịch New York (Mỹ) khoảng 99,86 USD/thùng, tăng 18 cent. Tuy nhiên, 70% nhà đầu tư tham gia khảo sát của Bloomberg nhận định có ít khả năng việc tấn công Iran sẽ gây ra cuộc khủng hoảng dầu nghiêm trọng mà chỉ khiến thị trường gián đoạn một thời gian ngắn.

Trong khi đó, lệnh trừng phạt đã khiến đồng tiền của Iran tụt giá thảm hại, gây nên cơn sốt mua vàng và USD ở nước này. “Thật là một lời nói dối trắng trợn rằng họ (châu Âu) không nhắm vào người dân. Họ là những kẻ thù thật sự của người dân và đang tạo sức ép cho dân” - ông Ahmadinejad chỉ trích. Cảnh sát thậm chí đã phải dùng hơi cay để giải tỏa các đám đông trước các ngân hàng. “Một số ngân hàng bị vây hãm hôm nay. Người ta đang rất sợ rằng tiền lương và của cải dành dụm của họ sẽ trở nên vô giá trị” - nguồn tin từ một ngân hàng địa phương cho biết.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên