30/11/2011 07:52 GMT+7

Châu Âu có thể ngăn "ngày tận thế"?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Bộ trưởng tài chính 17 nước khối đồng euro đã họp khẩn tại Brussels (Bỉ) để tìm cách ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ bùng nổ và làm sụp đổ đồng tiền chung châu Âu. Một thảm họa được mô tả như “ngày tận thế”!

Z7PEdP7A.jpgPhóng to

Sự sụp đổ của đồng euro. Minh họa của Tom Janssen, đăng trên Presseurop

Theo Reuters ngày 29-11, các quan chức châu Âu đã thảo luận và dự kiến sẽ thông qua các quy định hướng dẫn việc mở rộng Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), mở đường cho EFSF thu hút vốn từ các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân để có đủ nguồn tài chính mua trái phiếu chính phủ của các nước châu Âu đang khủng hoảng. Vào tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tăng nguồn lực cho EFSF từ 440 tỉ euro (587 tỉ USD) lên 1.000 tỉ euro (1.300 tỉ USD).

Các bộ trưởng tài chính cũng thảo luận việc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) in tiền để mua ồ ạt trái phiếu chính phủ của các nước nhằm giảm lãi suất trái phiếu cũng như việc phát hành trái phiếu chung châu Âu (eurobond). Nhưng Đức vẫn quyết liệt phản đối hai biện pháp này. Trong khi đó theo báo Die Welt, Đức lại muốn phát hành một loại trái phiếu được gọi là “trái phiếu của các nước ưu tú” (tức có mức tín nhiệm AAA) bao gồm Đức, Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Luxembourg và Áo với lãi suất 2-2,25%.

Giới quan sát nhận định châu Âu còn rất ít thời gian và nếu các biện pháp giải cứu không có hiệu quả, khối đồng euro sẽ tan vỡ. Báo chí châu Âu ngày 29-11 đều bày tỏ một mối lo ngại chung là “không có thời gian dừng cho đồng euro nữa”! Báo Le Journal du Dimanche của Pháp chạy tít: “Liệu đồng euro có qua khỏi Giáng sinh?”. Báo Corriere della Sera của Tây Ban Nha viết: “Cuộc khủng hoảng của đồng euro và khủng hoảng nợ đã đi đến một khúc quanh tác động đến nền kinh tế châu Âu, thậm chí cả những thiết chế chính trị”. Còn báo La Tribune chạy tít “Tích tắc, Tích tắc” với hình ảnh đồng hồ đang đếm ngược cơ may sống sót của đồng euro.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s lại vừa đe dọa sẽ hạ định mức tín nhiệm 87 ngân hàng thuộc 15 nước châu Âu. Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s, như báo La Tribune cho biết, có thể sẽ hạ định mức tín nhiệm Pháp xuống dưới mức AAA trong vòng 10 ngày tới. S&P cũng sẽ tiếp tục xem xét định mức tín nhiệm của các nước như Tây Ban Nha, Ý và Áo.

Cuộc sụp đổ “thảm họa”

Báo Financial Times dự báo châu Âu chỉ có 10 ngày để cứu đồng euro. AP dẫn lời các chuyên gia tài chính nhận định đó sẽ là một thảm họa tài chính toàn cầu, một “ngày tận thế”. Và cái giá phải trả sẽ rất đắt. Ví dụ, nếu Đức từ bỏ đồng euro, đồng mác Đức sẽ lập tức tăng giá bởi nền kinh tế Đức mạnh hơn các nước khu vực. Nhưng đồng mác Đức mạnh sẽ đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế Đức do giá cả hàng hóa sẽ tăng vọt trong khi Đức dựa chủ yếu vào xuất khẩu. Với các nền kinh tế yếu hơn, đồng tiền của họ sẽ sụt giá thảm hại.

Người dân Hi Lạp chắc chắn không muốn những đồng euro trong tài khoản của họ được thay bằng đồng drachma yếu ớt. Khi trả nợ tính trên đồng euro bằng đồng tiền quốc gia, các nước khủng hoảng nhiều khả năng sẽ vỡ nợ và không thể bán trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế. Ngân hàng UBS ước tính một nền kinh tế yếu khi rời khu vực đồng euro lập tức sẽ sụt giảm 50%. Đồng thời các ngân hàng châu Âu sẽ suy yếu và ngừng cho vay liên ngân hàng.

Do các ngân hàng thế giới liên kết chặt chẽ với nhau, tình trạng đóng băng tín dụng sẽ lan sang Mỹ và châu Á. Xuất khẩu của Mỹ và châu Á sang châu Âu sẽ tê liệt. Viễn cảnh đó còn tồi tệ hơn nhiều so với cú sốc thị trường địa ốc Mỹ hồi năm 2008 mà hậu quả là dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Sẽ không có ai chiến thắng mà chỉ có những kẻ thất bại” - Bộ trưởng tài chính Phần Lan Jutta Urpilainen cảnh báo.

Giải pháp cuối cùng

Trên báo Financial Times, chuyên gia tài chính Wolfgang Munchau cho rằng giải pháp tối hậu đối với khu vực đồng euro là thành lập “Hiệp chủng quốc châu Âu”. Có nghĩa là các nước khu vực thiết lập một cơ quan trung ương có quyền kiểm soát chính sách tài khóa và ngân sách các nước thành viên. Khi đó, một số nước châu Âu sẽ phải từ bỏ thể diện quốc gia và đánh mất một phần chủ quyền.

EU gồm 17 nước dùng đồng euro (và 10 nước dùng đồng tiền riêng) chưa bao giờ có chính sách chung về thuế và chi tiêu.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền một số nước châu Âu có chấp nhận từ bỏ một phần chủ quyền hay không, và liệu EU có kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn châu Âu rơi vào thảm họa hay không. Theo Reuters, EFSF mở rộng sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng 1-2012, mà như vậy theo giới chuyên gia, khi đó mọi chuyện đã quá muộn!

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên