27/11/2011 12:09 GMT+7

Pakistan nổi giận sau vụ 24 người chết

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Ngày 26-11, chính quyền Pakistan đã xem xét lại toàn bộ những hợp tác với Mỹ và NATO sau khi các lực lượng phương Tây bắn vào một điểm kiểm soát của quân đội nước này, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, theo Hãng tin Anh BBC.

pGbv3ZWM.jpgPhóng to
Lực lượng bán vũ trang Pakistan ở cửa khẩu biên giới Torkham với Afghanistan ngày 26-11. Cửa khẩu này nay đã đóng cửa sau vụ không kích - Ảnh: AP

Một ủy ban do chính Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đứng đầu cũng đã quyết định cắt các đường tiếp vận của NATO sang Afghanistan qua đường Pakistan. Một người phát ngôn của NATO thừa nhận “rất có thể” máy bay của NATO phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công nói trên, ở khu vực ngay gần biên giới với Afghanistan.

Mỹ tuyên bố họ ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ với Pakistan và ủng hộ NATO tiến hành điều tra đầy đủ vụ bắn nhầm. Thiếu tướng NATO Carsten Jacobson đã gửi lời chia buồn với Pakistan và cam kết sẽ làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên, ông Gilani rất giận dữ và nói cuộc tấn công là “sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Pakistan”. BBC bình luận vụ việc này có thể khiến NATO “trả giá đắt” do tổ chức quân sự này phụ thuộc rất lớn vào đường tiếp vận qua Pakistan cho lực lượng đồn trú ở Afghanistan.

Một cuộc gặp của Hội đồng quốc phòng Pakistan ngày 26-12 do ông Gilani chủ trì đã quyết định sẽ “xem xét lại toàn bộ các chương trình, hoạt động và thỏa thuận hợp tác với Mỹ, NATO, Isaf (Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế, thuộc NATO) trên các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo”.

Hội đồng cũng quyết định “đóng ngay lập tức các đường vận chuyển hậu cần của NATO/Isaf” qua lãnh thổ Pakistan. Cuộc họp khẳng định Mỹ sẽ được yêu cầu giải tán căn cứ không quân Shamsi trong vòng 15 ngày. Đây là căn cứ quân sự trên lãnh thổ Pakistan mà Mỹ sử dụng để tiến hành các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái.

Chính quyền Pakistan còn triệu tập đại sứ Mỹ ở Islamabad yêu cầu giải thích về vụ việc. Cuối ngày 26-11, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton ra một tuyên bố nói họ bày tỏ “sự tiếc thương sâu sắc cho những người thiệt mạng và hoàn toàn ủng hộ quan điểm điều tra ngay lập tức của NATO”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác Mỹ - Pakistan, vì lợi ích của người dân hai nước”, theo Hãng tin AFP.

Cuộc tấn công nói trên diễn ra vào ban đêm ở điểm kiểm tra an ninh Salala, cách biên giới Afghanistan chỉ khoảng 2,5 km, lúc 2g sáng 26-11, giờ địa phương. Quân đội Pakistan nói trực thăng và máy bay tiêm kích đã bắn phá hai điểm kiểm soát ở biên giới cách nhau khoảng 300m trên một đỉnh núi, làm 24 người thiệt mạng và 13 người bị thương. Các quan chức Pakistan khẳng định vào thời điểm cuộc không kích, không có hoạt động quân sự nào diễn ra trong vùng và hầu hết binh sĩ Pakistan đang ngủ say.

Tướng Jacobson giải thích liên quân của chính phủ Afghanistan và NATO đang hoạt động trong khu vực này khi “có diễn biến chiến thuật trên mặt đất” xảy ra, nhưng ông không nói chi tiết điều gì đã xảy ra. BBC dẫn các nguồn tin quân đội nói các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Afghanistan đang tiến hành một chiến dịch trong khu vực này, nơi mà họ cho là Taliban đang duy trì một trại huấn luyện.

Sự kiện này là một đòn nữa giáng vào quan hệ Mỹ - Pakistan, vẫn chưa kịp hồi phục sau khi Mỹ đơn phương có hành động quân sự tiêu diệt Osama bin Laden trên lãnh thổ Pakistan hồi tháng 5.

30-9-2010: Máy bay trực thăng của NATO bắn chết hai binh sĩ Pakistan, dẫn đến hai tuần lễ đóng cửa biên giới Af-Pak.

22-4-2011: Tiếp vận của lực lượng NATO sang Afghanistan bị ngưng ba ngày để phản đối các cuộc không kích bằng máy bay không người lái.

2-5-2011: Mỹ tuyên bố cái chết của Bin Laden và khẳng định đã không báo trước cho Pakistan về cuộc đột kích trên lãnh thổ nước này.

2-6-2011: Đô đốc Mike Mullen thừa nhận đã cắt giảm đáng kể quân Mỹ ở Pakistan.

10-7-2011: Mỹ tạm hoãn gói viện trợ quân sự 800 triệu USD cho Pakistan.

22-9-2011: Đô đốc Mullen cáo buộc chính quyền Pakistan ủng hộ nhóm vũ trang chống Mỹ Haqqani ở Afghanistan, nhưng Islamabad phủ nhận.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mỹ Pakistan quan hệ