Phóng to |
Người dân Bang Bua Thong di chuyển trong nước ngập trên đường phố - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Từ trung tâm chỉ huy chống lũ lụt của Chính phủ Thái Lan tại sân bay Don Muang, sau một chặng xe hơi hơn 20km, cuối cùng chúng tôi đã phải trung chuyển bằng xe Dodge và canô của quân đội Thái Lan mới vào được Bang Bua Thong sau hơn ba giờ. Hứng một phần lớn dòng lũ lẽ ra đã đổ về Bangkok, cả quận Bang Bua Thong chìm sâu 2-3m nước, nhiều nơi đến 5m.
Phóng to |
Một phụ nữ ở Bang Bua Thong cõng con đi tránh lũ |
“Thành phố chết”
Anh Chonpraset - người lái canô của quân đội hoàng gia Thái Lan đưa chúng tôi vào Bang Bua Thong - nói đô thị này có gần 200.000 dân nhưng giờ hơn một nửa đã di tản, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Những người còn ở lại là để trông coi tài sản nhưng hầu như họ không có bất cứ một hoạt động nào khác là ngày vài lượt bơi xuồng, bám can nhựa hoặc tự bơi hàng kilômet ra những trạm xăng, trụ sở ít ngập nhất để nhận lương thực cứu trợ từ quân đội hoàng gia Thái Lan.
Phóng to |
Ôtô được đặt trên bè và kéo đi bằng ghe trên đường phố ở Bang Bua Thong |
Không điện, không nước sạch và tất cả công sở đều đóng cửa. Trên nóc của nhiều trụ ATM, các cửa hàng, tiếng chó mèo đói khát kêu vang cả phố. Dọc đường vào trung tâm Bang Bua Thong, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp vài nhóm người đang cố kéo những chiếc xe hơi đã được kè bằng các phao nhựa bơi ra khỏi thành phố. Nhưng những nỗ lực ấy chắc chỉ cứu không tới 1/1.000 số xe hơi ở Bang Bua Thong.
Càng vào sâu bên trong, xe hơi ngập nóc, xe buýt ngập hai phần xe trôi la liệt trên đại lộ chính giờ đã biến thành...sông. Canô và thuyền cứu nạn liên tục phải bẻ lái để tránh hàng ngàn “phao” ôtô nổi lềnh bềnh khắp nơi. Sự bất lực trước dòng lũ càng rõ rệt hơn khi ngay cả xe cứu hỏa, xe cảnh sát và xe cứu thương cũng chịu chung số phận.
Phóng to |
Bữa ăn trưa vội vã trong lũ |
Hai bên đường phố, các khu nhà đã ngập nước đến hai phần cửa chính, đóng im ỉm và gần như không còn người trú ngụ. Anh Jaruwan - một người dân đi nhờ canô cùng chúng tôi - vén quần và lật áo lên cho các y sĩ quân đội xem những vết lở loét vì nước lũ. Anh cho biết đây đã là ngày thứ 7 liên tiếp Bang Bua Thong chìm trong mức nước khủng khiếp như chúng tôi đang thấy. Và không chỉ thiếu lương thực, dòng nước lũ còn cuốn tất cả nước thải từ các khu công nghiệp lân cận khiến người dân phải đối chọi với điều kiện vệ sinh rất tồi tệ. “Thứ sống sót mạnh mẽ nhất trong dòng nước lũ này là cá sấu. Dân chúng ở đây đã bắt được hơn 20 con rồi, may mà chưa có ai bị chúng táp” - anh Jaruwan âu lo.
Nơi cao nhất của Bang Bua Thong còn lại có thể đặt chân chính là mỏm đất cao nhất của chợ trung tâm. Tuy nhiên, ở đó cũng không còn ai mua bán gì. Khi chúng tôi đến đây vào chiều tối 27-10, quân đội đang cố đắp thêm những bao cát và các vật dụng khác nhằm mở rộng vùng cao ráo này tạo mặt bằng cho công tác cứu trợ. Nhưng việc đó cũng rất mong manh khi anh Chonpraset chỉ cho chúng tôi một lớp bao cát vừa tiếp tục chìm trong nước.
Phóng to |
Quân đội Thái Lan giúp người dân đi lại bằng canô trên đường phố |
Vùng vẫy tìm cái ăn
Chìm sâu trong nước lũ nhưng nhiều người dân Bang Bua Thong vẫn cố ở lại để giữ tài sản, điều đó đã làm hàng ngàn suất ăn mà quân đội hoàng gia Thái Lan đưa đến mỗi ngày trở nên ít ỏi. Lực lượng cứu hộ cho biết mỗi ngày họ chỉ có thể đưa đến Bang Bua Thong tối đa 10.000 suất ăn, ưu tiên cho những vùng ngập sâu và xa. Còn lại tất cả người dân ở các trục phố chính đều phải tự lực cánh sinh, cố gắng bằng mọi cách bơi ra khỏi vùng ngập để tìm thực phẩm.
Cùng lội lũ chờ canô để vào Bang Bua Thong, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người tay ôm phao, tay kia ôm bọc nilông trong đó đựng mì gói, bắp cải, rau muống và đồ hộp nhưng không ai có nhiều. Những thứ ấy ngày thường có thể bán đầy ở các siêu thị và cửa hàng tiện dụng tại Thái Lan nhưng họ phải liều mình bơi khỏi Bang Bua Thong rồi đi vài chục kilômet mới mua được. Anh Surachai, một người vừa vào Bangkok mua đồ ăn về, cho biết một tuần trước khi Bang Bua Thong bắt đầu ngập sâu, những người khỏe mạnh bám trụ lại vẫn tin là sẽ được cung cấp lương thực, bởi Bang Bua Thong kề ngay cạnh Bangkok. Nhưng nước lên quá nhanh, Bangkok cũng lâm vào cảnh thiếu thốn đã khiến tình cảnh của những người ở lại tại Bang Bua Thong ngày càng tệ.
Trên đường vào trung tâm Bang Bua Thong, chúng tôi chứng kiến những cảnh đói rét không khác gì hình ảnh đã từng thấy ở những làng quê miền Trung Việt Nam trong những trận lũ lớn. Trên nóc trụ ATM, trên những chiếc bè tự kết, nhiều gia đình co ro chia nhau số phần ăn ít ỏi. Còn giữa dòng lũ lút đầu người, nhiều đàn ông lẫn phụ nữ đang cố bơi và ôm trong người bọc thức ăn mà họ liều mình cắt lũ mua về...
Nhiều người dân Bangkok đã trốn chạy khỏi thủ đô do lo ngại lũ lụt tiếp tục dâng cao ở hàng loạt quận nội ô, nhất là sau khi chính phủ cảnh báo một lượng nước khổng lồ đang tràn về mà đỉnh lũ là vào những ngày cuối tuần. Nhiều quận ở nội ô Bangkok dọc hai bờ sông Chao Phraya đã bị ngập. Nước bắt đầu tràn vào bên trong hoàng cung, một phóng viên AFP cho biết. “Đây là một cuộc khủng hoảng, bởi vì nếu chống lại khối nước khổng lồ này, một sức mạnh của thiên nhiên, chúng ta sẽ không thắng nổi” - Thủ tướng Thái Lan Yingluck lại rơi nước mắt khi tuyên bố. Các chuyến bay nội địa đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi hiện đang hoạt động bình thường cũng đông nghẹt. “Nạn kẹt xe về hướng Pattaya đã bắt đầu diễn ra từ tối 26-10” - Norraboon Nanna, chỉ huy cảnh sát đường cao tốc, cho biết. Bangkok, đô thị 12 triệu dân và chiếm 41% GDP của cả Thái Lan, đang trong tình cảnh nguy kịch trước khối nước khổng lồ 1,2 tỉ m3, từ phía bắc tràn về cộng với triều cường dâng cao ở sông Chao Phraya đã lên đến 2,65m vào tối 26-10. |
Sáng 27-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến sân bay Don Muang, nơi được chọn làm trung tâm giảm nhẹ lũ lụt (FROC) Chính phủ Thái Lan từ đầu tháng 10 đến nay. Tuy nhiên, đường vào Don Muang đã bị ngập nước nhiều đoạn. Ngoài đường băng, nước lũ bắt đầu ngập đến bánh máy bay. Phía trong sân bay, lo sợ nước dâng cao nên hàng ngàn người lánh nạn đã chuyển qua sân vận động quốc gia để trú ngụ, nơi đây chỉ còn khoảng 2.000 người. Dù trung tâm chỉ huy chống lũ vẫn đặt tại đây nhưng bên cạnh việc tiếp tế lương thực, tiếp nhận thông tin cấp cứu..., các tình nguyện viên tại Don Muang còn thực hiện thêm một nhiệm vụ khá mới đó là kết bè bằng tre và chai nhựa. Cùng ngày, vào buổi sáng nước tiếp tục lên cao tại 13 quận phía bắc, tây Bangkok, tăng thêm hai quận so với ngày trước, khiến người dân các quận Don Muang, Bang Phlad, Thawi Wattana đổ xô đi sơ tán. Buổi trưa, đến lượt quận Sai Mai được lệnh di tản khẩn cấp vì nước dâng cao trên 1m. Đồng thời hai quận Wang Thong Lang và Lat Phrao cũng được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng sơ tán. Sơ tán cũng là từ mà thị trưởng Sumkhumbhand Paribatra nhắc tới nhiều lần trong bài phát biểu trên truyền hình tối qua. Ông Sumkhumbhand cho biết: “Chính quyền đã làm hết sức để ngăn dòng lũ tràn vào thủ đô. Tuy nhiên, do nước từ thượng nguồn phía miền trung đổ xuống quá lớn, khả năng thoát nước và đê điều chống lụt có hạn, giờ đây người dân Bangkok phải chuẩn bị sẵn sàng, sơ tán ngay khi mức nước đã trên 1m”. |
Toyota đóng cửa bốn nhà máy tại Bắc Mỹ do thiếu linh kiện từ Thái Lan. Ít nhất bảy khu công nghiệp lớn ở Thái Lan đã đóng cửa do lũ lụt, thiệt hại kinh tế có thể lên đến 4,6 tỉ USD. Các doanh nghiệp nước ngoài đang bị ảnh hưởng nặng nề do sản xuất ngưng trệ, các nhà máy đóng cửa. Tập đoàn sản xuất xe Toyota của Nhật Bản đã tạm ngừng sản xuất ở bốn nhà máy tại Mỹ và Canada do thiếu các linh kiện từ ba nhà máy của hãng này tại Thái Lan hiện đã bị ngập nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận