17/10/2011 08:12 GMT+7

"Giấc mơ Mỹ" tan vỡ

HOÀNG NGỌC
HOÀNG NGỌC

TT - Đối với rất nhiều người Mỹ, chủ đề 99% không chỉ dừng lại ở cuộc biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall”. Đó là cách họ nhìn nhận chính mình và điều đó càng làm cho cuộc biểu tình có ý nghĩa.

5rFH82Tq.jpgPhóng to
Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu trước quảng trường Thời đại ngày 15-10 - Ảnh: Reuters

Khi còn nhỏ, người Mỹ chúng tôi luôn được dạy về khái niệm “giấc mơ Mỹ”: chúng tôi sống trong một đất nước nơi bất cứ ai dù xuất thân giàu có hay nghèo hèn cũng đều có thể mua nhà, đến trường, nuôi sống gia đình nếu làm việc chăm chỉ.

Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã luôn ghi nhớ câu nói nổi tiếng trong bản Tuyên ngôn độc lập 1776: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Thay vì thống nhất bằng điều kiện địa lý hay sắc tộc chung, người Mỹ chúng tôi thống nhất, hòa hợp bằng tinh thần “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Một “thập kỷ lạc lối”!

Phần lớn người Mỹ đều xác định họ thuộc tầng lớp trung lưu 99% và khinh bỉ những thứ thuộc về tầng lớp 1%. Vì lý do này, nếu bạn hỏi bất cứ người Mỹ nào về xuất thân, nền tảng kinh tế, họ sẽ trả lời là “tầng lớp trung lưu”. Nhưng thời thế đã thay đổi. Nhiều người trẻ ở Mỹ than thở nền kinh tế ì ạch đang giết chết “giấc mơ Mỹ”, bởi công việc hiếm hoi mà chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ.

Họ than phiền dù học hành và làm việc chăm chỉ đến mấy cũng không tiết kiệm đủ tiền để mua nhà, học đại học, hưởng các dịch vụ y tế. Để có được những thứ đó, họ sẽ phải ôm nợ đầm đìa. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi được dạy từ nhỏ: “Là một người Mỹ có nghĩa là có quyền tiếp cận với sự thịnh vượng”.

Ở Mỹ ngày nay, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng khiến việc từ nghèo trở thành giàu càng lúc càng khó khăn. Nhiều người Mỹ thất nghiệp bức xúc và lo lắng. Tạp chí kinh tế Anh The Economist cho rằng nước Mỹ đang ở giữa một “thập kỷ lạc lối”, có khả năng tạo ra một thế hệ trẻ thất nghiệp, vỡ mộng, chán chường.

Tôi tốt nghiệp năm 2008, khi cuộc suy thoái bắt đầu. Điều đó có nghĩa tôi cũng thuộc “thế hệ lạc lối”. Để trả tiền học tại các trường đại học tốt, các bạn của tôi đã phải vay tới 100.000 USD. Ban đầu họ được đảm bảo rằng khi ra trường, họ sẽ dễ dàng trả khoản vay này, bởi một tấm bằng đẹp từ một trường lớn sẽ đem lại công việc tốt, có mức lương cao. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược và vô cùng cay đắng.

Rất nhiều bạn của tôi vẫn đang thất nghiệp dù đã có bằng thạc sĩ ở các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Thậm chí một số đang có nguy cơ vỡ nợ. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ đánh mất “định mức tín nhiệm” cả đời và sẽ rất khó có thể vay tiền mua nhà ở Mỹ. Họ trở nên bế tắc, cay đắng và thất vọng. Họ làm việc chăm chỉ đúng như cách cha mẹ và thầy cô dạy bảo, nhưng tầng lớp 1% đã đánh cắp “giấc mơ Mỹ” của họ.

“Giúp Phố Main, đừng giúp Phố Wall”

Khi nói về tầng lớp 1%, những người biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” đặc biệt căm giận các ngân hàng lớn. Vào giữa thập niên 2000, các ngân hàng đã đánh bạc bằng tiền của khách hàng với những khoản đầu tư mạo hiểm. Khi họ thua lỗ trầm trọng, Chính phủ Mỹ lại cứu trợ họ bằng tiền thuế của người dân. Các nhà lãnh đạo nói rằng những ngân hàng và tập đoàn tài chính này “quá lớn nên không được phép đổ vỡ”. Có nghĩa là không có các ngân hàng này, nền kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ. Thị trưởng New York Michael Bloomberg có chung quan điểm đó.

Đó là một trong những nỗi thất vọng và bức xúc lớn nhất đối với người biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall”. Họ đã chờ ba năm để chính quyền của Tổng thống Obama tìm ra giải pháp, nhưng ngược lại các tập đoàn lớn vẫn nguyên vẹn bởi họ quá hùng mạnh cả về tài chính lẫn chính trị. Người biểu tình chọn Phố Wall bởi nó mang ý nghĩa biểu tượng đối với người Mỹ. Đó là nơi rất nhiều người trong tầng lớp 1% đang làm việc, ví dụ như các chủ ngân hàng, nhà đầu tư.

Người Mỹ có câu: “Hãy giúp Phố Main, đừng giúp Phố Wall”. Phố Main là tên phố thông thường ở các thị trấn trung lưu tại Mỹ, đối ngược với Phố Wall giàu có. Câu tục ngữ này có ý nghĩa các nhà lãnh đạo đất nước cần giúp người dân bình thường thay vì giới nhà giàu. Đó là lý do vì sao cuộc biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” thu hút nhiều người đến thế, đặc biệt là những người tin rằng tầng lớp 1% giàu nhất đã làm giàu từ cuộc suy thoái, trong khi tầng lớp trung lưu phải chịu đựng. Đó cũng là lý do vì sao Tổng thống Obama bày tỏ sự thông cảm đối với cuộc biểu tình. Nếu ông ấy chống lại một phong trào của tầng lớp trung lưu 99%, chắc chắn ông ấy sẽ thất cử.

“Chiếm lấy Phố Wall” khó có thể thay đổi nền chính trị Mỹ. Nhưng điều quan trọng là 99% người Mỹ đã đứng lên chống lại Phố Wall, nơi tạo ra cuộc suy thoái kinh tế và là nơi hủy diệt “giấc mơ Mỹ”, hủy diệt tầng lớp trung lưu Phố Main.

Quảng trường Thời đại ngập trong dòng người

“Ngã tư của thế giới” ngày 15-10 kẹt cứng khi ít nhất 6.000 người “Chiếm lấy Phố Wall” tập trung tại quảng trường Thời đại.

Báo Wall Street Jounal mô tả từ quảng trường Washington, người biểu tình tuần hành dọc theo đại lộ số 6 và hướng về phía quảng trường Thời đại. Tiếng trống hòa cùng với những tiếng hô vang: “Dân chủ là như thế này đây!”, “Chúng tôi biểu tình vì hi vọng, không phải vì thù hận”, “Chúng tôi không phải là những người vô danh”.“Đất nước này đang bị điều khiển bởi các công ty và tập đoàn” - một người đàn ông 68 tuổi cho biết ông cùng vợ tham gia cuộc biểu tình nhằm đòi lại công bằng cho cô con gái thất nghiệp.

Tại quảng trường Thời đại, dòng người tuần hành ngày càng đông, tràn ra khắp các đường phố. “Cảnh sát cũng thuộc nhóm 99%”, “Đây là cuộc biểu tình hòa bình”. Những tiếng hô nhắc nhở khi cảnh sát cố tạo thành hàng rào ngăn cản người biểu tình.

Hai cảnh sát phải nhập viện vì những chấn thương ở đầu và chân. 74 người biểu tình đã bị bắt giữ tại khu vực trung tâm thành phố New York.

(*) Geoffrey Cain hiện cộng tác với tạp chí Time The Economist.

HOÀNG NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên