Ba phụ nữ nhận Nobel hòa binh 2011
Phóng to |
Nhà hoạt động người Yemen Tawakkul Karman - Ảnh: Reuters |
Những người đoạt giải là Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà hoạt động vì hòa bình Liberia Leymah Roberta Gbowee và nhà hoạt động vì nhân quyền người Yemen Tawakkul Karman “vì cuộc đấu tranh phi bạo lực cho sự an toàn của nữ giới và quyền lợi của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng hòa bình”.
Trên trang Nobel.org, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland khẳng định: “Chúng ta không thể xây dựng được chế độ dân chủ và hòa bình lâu dài trừ khi phụ nữ có các cơ hội tương đương nam giới để tác động đến sự phát triển của mọi cấp xã hội. Ủy ban Nobel hi vọng giải thưởng này sẽ giúp chấm dứt tình trạng đàn áp phụ nữ vẫn đang diễn ra ở nhiều nước, và công nhận tiềm năng to lớn về dân chủ và hòa bình mà phụ nữ có thể đại diện”.
Phóng to | |
Nhà hoạt động người Liberia Leymah Gbowee - Ảnh: AFP |
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf - Ảnh: AFP |
Chấm dứt một cuộc chiến
Nếu không có nhà hoạt động Leymah Gbowee (39 tuổi), thì cuộc nội chiến kéo dài 13 năm, cướp đi 250.000 sinh mạng ở Liberia có lẽ đã không chấm dứt vào năm 2003. Bà mới 17 tuổi khi thủ lĩnh quân sự Charles Taylor mở cuộc chiến chống nhà độc tài quân sự Samuel Doe vào năm 1989. Giấc mơ đi học ngành y của bà tan vỡ. Sau khi Taylor lên làm tổng thống năm 1997, chiến tranh tiếp tục diễn ra và bà Gbowee nhận ra rằng phụ nữ Liberia phải đứng lên để tìm lấy hòa bình.
Năm 2002, bà trở thành thành viên của phong trào Phụ nữ Liberia hành động vì hòa bình (WLMAP). Bà đã tập hợp phụ nữ Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ở thủ đô Monrovia, cùng cầu nguyện vì hòa bình, bất chấp nắng mưa, bom đạn. “Thành Rome không được xây sau một đêm - bà viết trên tạp chí Newsweek - Phải mất ba năm để vận động, biểu tình hòa bình”. Cùng nhau, họ tổ chức cuộc “đình công tình dục”. Phụ nữ Liberia đồng loạt từ chối quan hệ với chồng để buộc đám đàn ông ngừng bắn giết lẫn nhau, để bạo lực và nội chiến chấm dứt.
Dưới sự lãnh đạo của bà Gbowee, WLMAP đã buộc tổng thống Taylor phải gặp và cam kết tham gia đối thoại hòa bình ở Accra, Ghana. Cuộc đàm phán diễn ra giằng co, bà Gbowee dẫn một phái đoàn phụ nữ Liberia sang Accra gây sức ép đối với các thủ lĩnh quân sự. Một lần, hơn 200 phụ nữ đã ngăn chặn các thủ lĩnh quân sự Liberia rời phòng đàm phán. Lực lượng an ninh muốn bắt giữ bà Gbowee, nhưng bà đe dọa sẽ trần truồng nơi công cộng, một hình thức nguyền rủa mạnh mẽ ở Tây Phi.
Cuối cùng, một hiệp định hòa bình đã được ký kết ở Accra. Năm 2005, bà vận động phụ nữ đi bầu cử. Kết quả là bà Ellen Johnson Sirleaf trở thành nữ tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi. “Bà ấy còn hơn cả dũng cảm - AFP dẫn lời nhà hoạt động Nathan Jacobs ở Monrovia nhận định - Bà ấy đã đứng lên chống lại Charles Taylor, buộc ông ta đàm phán hòa bình trong khi phần lớn nam giới bỏ chạy để giữ mạng sống”.
Bà Gbowee còn là một nhà tư vấn tâm lý cho các nạn nhân chiến tranh và trẻ em từng bị bắt lính dưới thời Charles Taylor. “Phụ nữ bị cưỡng hiếp hằng ngày, trẻ em bị bắt cóc và đem ra chiến trường” - bà kể. Bà hiện là giám đốc Mạng lưới an ninh, hòa bình, phụ nữ châu Phi (WIPSEN-A), đặt trụ sở tại Ghana, nơi bà đang sống.
Nữ tổng thống đầu tiên
Bà Sirleaf (73 tuổi), là nữ tổng thống được dân bầu đầu tiên và duy nhất ở châu Phi. Sinh ở thủ đô Monrovia, bà từng sang Mỹ học đại học, từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới, Citibank, Liên Hiệp Quốc và tham gia chính trường Liberia. Năm 1989, bà lên tiếng ủng hộ cuộc nổi dậy của Charles Taylor chống lại nhà độc tài Samuel Doe, nhưng sau đó trở thành đối thủ không đội trời chung của ông Taylor khi các tội ác chiến tranh của ông này bị vạch trần. Năm 1997, bà tranh cử tổng thống và thất bại trước ông Taylor. Sau cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia, năm 2005 bà tranh cử tổng thống và chiến thắng.
Ủy ban Nobel đánh giá kể từ đó, bà đã giúp đảm bảo hòa bình cho đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường vai trò của phụ nữ. Bà được các nước phương Tây ví như “Nelson Mandela nữ giới”. Sau khi bà nhậm chức, nhiều con đường ở Monrovia được xây dựng lại, thành phố đã có nước máy và có điện.
Người thứ ba đoạt giải Nobel hòa bình 2011 là nữ chính trị gia Tawakkul Karman (32 tuổi) - người sáng lập tổ chức Nữ nhà báo không xiềng xích (WJWC) vào năm 2005 để thúc đẩy nhân quyền. Trong các cuộc biểu tình ở Yemen chống lại chính quyền Tổng thống Ali Abdullah Saleh, bà thường xuyên tổ chức các cuộc tuần hành của sinh viên. Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá trước và sau những biến động trong thế giới Ả Rập, bà Karman đã đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực đấu tranh cho nữ quyền, dân chủ và hòa bình ở Yemen.
Việc Ủy ban Nobel trao giải Nobel hòa bình 2011 cho ba nhân vật nữ đã nhận được sự đồng tình khắp thế giới.
"Phụ nữ là niềm hi vọng to lớn cho một thế giới hòa bình. Trên khắp thế giới, luôn có những phụ nữ dũng cảm đứng lên đấu tranh vì nhân quyền và tự do" Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá việc trao giải của Ủy ban Nobel là một quyết định sáng suốt |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận