16/09/2011 06:18 GMT+7

Mỹ ngăn Palestine gia nhập LHQ

K.LOAN
K.LOAN

TT - Bất chấp sự ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới, Mỹ, châu Âu và Israel tiếp tục nhất quyết ngăn bước Palestine gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ) với tư cách nước thành viên thứ 194.

JkqvY8RF.jpgPhóng to

Người dân Palestine tuần hành phản đối Mỹ và ủng hộ đề nghị gia nhập Liên Hiệp Quốc của chính quyền Tổng thống Abbas - Ảnh: Reuters

Trong vài tuần qua, Mỹ đã triển khai toàn bộ “hỏa lực” ngoại giao để thuyết phục Palestine từ bỏ ý định nộp đơn chính thức xin gia nhập LHQ vào ngày 20-9. Mục tiêu là tránh cho Mỹ phải sử dụng đến quyền phủ quyết ở LHQ. Washington vẫn khăng khăng cho rằng giải pháp chỉ có thể đạt được từ đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel, còn nỗ lực của Palestine chỉ làm gia tăng căng thẳng.

Lựa chọn của phương Tây

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang như con thoi bay từ Mỹ đến châu Âu, rồi lại bay từ Mỹ đến Trung Đông với bao cuộc gặp gỡ, thảo luận: với Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, cựu thủ tướng Anh Tony Blair, đặc sứ của nhóm bộ tứ (Mỹ, Nga, LHQ và EU) với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

“Chúng tôi đang nỗ lực để tạo lập một cơ sở vững chắc cho các cuộc đàm phán trực tiếp, (tuy nhiên) lộ trình cho một giải pháp lâu dài phụ thuộc vào Israel và Palestine” - AFP dẫn lời bà Clinton nhấn mạnh. Cùng lúc, hai quan chức ngoại giao khác của Mỹ là David Hale - đặc sứ về Trung Đông, và trợ lý ngoại trưởng Dennis Ross cũng bay đến Israel hôm 14-9 để thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, với Tổng thống Palestine Abbas ở Bờ Tây.

Dù vậy, cơ hội để đạt được kết quả thông qua đàm phán giữa hai nước hầu như rất thấp, bởi Palestine tuyên bố chỉ chấp nhận nói chuyện dựa trên cơ sở biên giới trước năm 1967 (theo đó, Jerusalem thuộc về Palestine) và Israel phải ngừng xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây.

Trong Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ không thể trông chờ vào Nga và Trung Quốc, bởi hai thành viên này đã công khai ủng hộ Palestine. Washington giờ đang cố tìm kiếm sự ủng hộ của Anh vốn đang còn lưỡng lự giữ sức ép của đồng minh Mỹ nhưng lại lo ngại việc phản đối Palestine có thể ảnh hưởng đến vị trí của nước này ở khu vực Trung Đông như báo Guardian phân tích.

Pháp dù bày tỏ sự thông cảm với Palestine song cũng chưa công bố quyết định sau cùng. Pháp có thể sẽ ủng hộ một giải pháp thỏa hiệp cùng với Đức, nước cực lực phản đối ý định của Palestine, để giữ gìn sự thống nhất của EU. EU có thể đứng trước nguy cơ chia rẽ nếu đơn xin gia nhập của Palestine được đưa ra bỏ phiếu tại LHQ.

Lựa chọn của Palestine

Palestine có hai lựa chọn. Nếu nộp đơn xin gia nhập lên Hội đồng Bảo an, nơi buộc phải có sự đồng thuận của toàn bộ 15 nước thành viên, sẽ chắc chắn bị Mỹ phủ quyết. Nếu nộp đơn lên Đại hội đồng LHQ để chuyển từ “thực thể có tư cách quan sát viên” thành “nhà nước quan sát viên”, Palestine sẽ có cơ hội thành công bởi chỉ cần đạt được sự ủng hộ của 2/3 các nước, và tại đây Washington chỉ có một phiếu bầu.

Tuy nhiên, tổng thống Palestine dường như chắc chắn sẽ nộp đơn lên Hội đồng Bảo an, mặc dù khẳng định sẽ không loại bỏ tiến trình đàm phán với Israel. “Chúng tôi không thấy có sự mâu thuẫn nào trong việc thực hiện song song cả hai việc - Mohammad Shtayyeh, một quan chức cấp cao của Palestine, cho biết - Đơn xin gia nhập LHQ chỉ mới là sự bắt đầu của cuộc chơi chứ không phải kết thúc”.

Bất chấp cảnh báo của Israel về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, chính quyền Palestine tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của 126 quốc gia, tương đương 75% dân số thế giới... “Một nhà nước độc lập là quyền hợp pháp và không thể chối bỏ của nhân dân Palestine, cũng như là nền tảng và điều kiện tiên quyết cho việc cùng tồn tại hòa bình giữa Palestine và Israel” - Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố.

Điều gì sẽ xảy ra vào ngày 20-9? Báo The Daily Star ngày 13-9 viết: “Vấn đề thật sự là chờ xem liệu lịch sử của Palestine và Israel sẽ được tạo ra bởi luật pháp, bởi quyết định công bằng của cộng đồng các quốc gia cho cả hai phía hay bởi sức mạnh của chủ nghĩa Do Thái hay đồng minh của Israel là Mỹ, vốn xem ra giống một con rối hơn là một tác nhân độc lập, mà nói đúng ra phải là một trung gian hòa giải không thiên vị?”.

“Món nợ của quốc tế đối với Palestine”

AA9WblNv.jpgPhóng to

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày 15-9 từ Hà Nội, đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đã cho Tuổi Trẻ biết: “Nhân dân Palestine đã phải chờ đợi có một nhà nước độc lập, có chủ quyền suốt 63 năm. Đây là một món nợ quá hạn của cộng đồng quốc tế với người dân Palestine. Gần đây nhất vào năm 2009, cộng đồng quốc tế thông qua kế hoạch xây dựng Nhà nước Palestine, trong đó có nói rằng từ tháng 9-2011 sẽ ghi nhận người dân Palestine đã thật sự sẵn sàng xây dựng một nhà nước. Đã đến lúc Israel và cộng đồng quốc tế phải giữ đúng lời hứa với chúng tôi là công nhận Nhà nước Palestine trên 22% lãnh thổ cũ của chúng tôi và ghi nhận Palestine là thành viên chính thức thứ 194 của LHQ.

Palestine đã có đại sứ quán và lãnh sự ở hơn 100 quốc gia. Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Liên minh châu Âu khẳng định các tổ chức của chúng tôi đã phát triển đạt đến mức sẵn sàng cho một nhà nước. Vì vậy, việc quốc tế công nhận Nhà nước Palestine và thừa nhận là một thành viên chính thức là phù hợp và đóng góp cho giải pháp xung đột Palestine - Israel, đó là mong muốn của cộng đồng quốc tế kể từ năm 1947”.

K.LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên