10/09/2011 07:49 GMT+7

G7 tìm giải pháp cho khủng hoảng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Bị hối thúc phải hành động để ngăn chặn tăng trưởng sụt giảm trở lại, các nước công nghiệp hàng đầu (G7) đã họp nhau tạo Marseille, Pháp để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

GDC5XFCl.jpgPhóng to
Lao động thất nghiệp xếp hàng vào một hội chợ việc làm ngày 31-8 ở Los Angeles, Mỹ - nước hiện có tỉ lệ thất nghiệp khoảng 9,1% - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước G7 (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Ý, Anh) cần phải rút ra những bài học cho “những cơn co giật” vừa qua.

Theo AFP, ngày 9-9 cuộc gặp kéo dài hai ngày bao gồm các nội dung chính về sự tăng trưởng có nguy cơ trì trệ của thế giới, tình trạng thất nghiệp ở Mỹ, khủng hoảng nợ tại khối các nước sử dụng đồng euro, hệ thống ngân hàng châu Âu... “Trừ khi khủng hoảng được giải quyết sớm cùng với các cải thiện mạnh mẽ về tài chính và cơ cấu, châu Âu sẽ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng èo uột” - Bloomberg dẫn lời chuyên gia Eswar Prasad thuộc Viện Brookings nhận định.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCED) dự báo tăng trưởng ở các nước giàu sụt giảm trong những tháng tới, thậm chí có nguy cơ trì trệ, và kêu gọi G7 hành động để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Đúng là phải hành động, nhưng hành động ra sao?

Mỹ trước đó đã hối thúc các lãnh đạo châu Âu có những biện pháp mới để trấn an về khả năng vượt qua khủng hoảng của mình, cần có hành động quyết liệt hơn để ngăn sự lây lan khủng hoảng nợ, hiện đang đe dọa hai nền kinh tế Ý và Tây Ban Nha. “Đóng góp lớn nhất của châu Âu là đưa ra các quyết định mạnh mẽ nhằm góp phần ổn định nền kinh tế toàn cầu” - một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã đến Marseille để thảo luận vấn đề thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế Mỹ cùng gói kích thích tạo việc làm trị giá gần 450 tỉ USD do Tổng thống Barack Obama mới công bố.

Các quan chức châu Âu, nhất là Pháp, như AFP cho biết, không bỏ lỡ cơ hội này nhắc Mỹ “về những gì đang diễn ra ở nước Mỹ”, nghĩa là sự sụt giảm tồi tệ chưa từng có của Mỹ về tài chính.

Sự khác biệt trong các vấn đề của Mỹ và châu Âu khiến G7 khó có thể đưa ra một giải pháp chung. Nhiều khả năng sẽ không có tuyên bố chung về một kế hoạch chắc chắn nào được đưa ra. Phát biểu với tờ Le Figaro, Bộ trưởng Tài chính Pháp FranÇois Baroin kêu gọi mỗi nước nên có các biện pháp kinh tế riêng. Song “cải cách tài chính là điều cần thiết để ổn định nền kinh tế toàn cầu” - tân Bộ trưởng Tài chính Nhật Jun Azumi nhấn mạnh.

Cuộc gặp của G7 diễn ra ngay sau cảnh báo do giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lamy đưa ra tại New Delhi, Ấn Độ rằng thế giới đang chuyển từ khủng hoảng tài chính sang khủng hoảng tăng trưởng. Ông dự báo tăng trưởng trao đổi thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 14,5% của năm 2010 còn 6,5% trong năm 2011.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên