13/08/2011 08:14 GMT+7

Anh đòi đóng cửa các mạng xã hội

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Chính phủ của Thủ tướng David Cameron bắt đầu xem xét khả năng kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn các hành vi kích động, gây bất ổn xã hội.

RL2Ndl3J.jpgPhóng to
Một phụ nữ nhảy từ một tòa nhà bị đốt cháy ở phố Surrey trong những ngày đầu bạo động ở Anh - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Cameron trong những ngày qua đã loan báo hàng loạt biện pháp nhằm chặn đứng làn sóng bạo loạn, không loại trừ cả việc đưa quân đội vào cuộc trấn dẹp. Ngày 12-8, nước Anh đã trải qua hai đêm yên ắng liên tiếp sau khi hơn 1.500 người bị bắt và tòa án đã phải làm việc không ngừng để kịp xét xử những người tình nghi.

Chính phủ đang xem xét khả năng đóng cửa các trang mạng xã hội hay dừng dịch vụ tin nhắn khi cho rằng các phần tử tham gia bạo động, cướp phá, phóng hỏa đã sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, đặc biệt là ứng dụng tin nhắn của điện thoại BlackBerry (BlackBerry Messenger - BBM) để liên lạc và tổ chức tập thể.

BBM có khả năng bảo mật rất cao, vừa miễn phí vừa riêng tư, nhà chức trách Anh không thể theo dõi được nội dung trao đổi. Có đến 37% thanh thiếu niên Anh sử dụng BBM.

Đòi cấm BlackBerry

Thủ tướng David Cameron cho rằng tất cả sẽ bị sốc khi chứng kiến cách các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội bị các nhóm bạo động sử dụng để gây bất ổn. Nhiều tin nhắn được phát hiện đã kêu gọi mọi người hẹn điểm để cùng nhau đi cướp phá.

Blog của nhóm cung cấp dịch vụ của BlackBerry bị tin tặc đánh phá và bị cảnh cáo không được hợp tác với cảnh sát. Chính phủ Anh cho biết sẽ xem xét việc ngăn chặn các dịch vụ này có hợp pháp hay không, và tính toán sẽ chỉ ngăn chặn từng cá nhân sử dụng dịch vụ chứ không ngăn chặn hoàn toàn các dịch vụ này.

Trước đó, nghị sĩ David Lammy của vùng Tottenham đã lên tiếng kêu gọi cấm dịch vụ BBM, bởi theo ông, dịch vụ này đã giúp các nhóm tội phạm dù không được trang bị như cảnh sát song có thể hành động vượt quá khả năng kiểm soát của cảnh sát.

Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã triệu tập đại diện của Facebook, Twitter và hãng sản xuất BlackBerry là RIM, đưa ra những quy định buộc họ phải đáp ứng trong thời gian bất ổn hiện nay.

Tấn công quyền tự do ngôn luận

Các nhóm hoạt động xã hội cảnh báo những biện pháp mà Chính phủ Anh đang xem xét có thể vi phạm các quyền tự do dân sự. Jim Killock, giám đốc Tổ chức Open Rights, chỉ rõ các sự kiện như bạo động thường được dùng làm cái cớ để nhà chức trách hạn chế các quyền của người dân. Ông lưu ý cảnh sát và các công ty tư nhân có thể lợi dụng tình hình bất ổn để vi phạm quyền lợi của người dân.

Nhà văn Curt Hopkins cũng cho rằng: “Ông Cameron phải cẩn thận, đừng tấn công vào những nhu cầu cơ bản này của người dân chỉ vì lo lắng trước hành động của một nhóm thiểu số”. Một số ý kiến cho rằng nỗ lực kiểm soát của nhà nước đối với mạng xã hội sẽ khó mà thành công.

Libya, Iran “lên lớp” Anh

Từ lâu tức tối với việc bị cộng đồng quốc tế lên án là đã dìm các cuộc biểu tình trong biển máu, nhiều nước Trung Đông giờ có dịp trả đũa. Libya và Iran đã không bỏ qua cơ hội các cuộc bạo động đang làm rung chuyển nước Anh để lên án chính phủ nước này.

Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaain tuyên bố: “Thủ tướng David Cameron và chính phủ của ông ta phải từ chức sau đợt nổi dậy chống lại họ và sự trấn áp bạo lực của cảnh sát đối với các cuộc biểu tình hòa bình”.

Ông còn đi xa hơn khi nhấn mạnh: “Cameron đã hoàn toàn mất tính hợp pháp. Các cuộc biểu tình cho thấy người dân Anh đã chối bỏ chính quyền này vốn đang tìm cách áp đặt bằng vũ lực”. Ông Khaled còn kêu gọi Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế “đừng khoanh tay đứng nhìn trước việc vi phạm trắng trợn các quyền của người dân Anh”.

Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc cũng khiến đại sứ Anh một phen bực bội khi gọi London là “đạo đức giả”.

“Anh sử dụng từ băng đảng để nói về những kẻ nổi loạn ở nước họ - đại sứ Bashar Ja’afari nói - Nhưng họ lại không cho phép chúng tôi sử dụng từ này cho các nhóm vũ trang và khủng bố ở nước chúng tôi. Đây là một sự đạo đức giả và ngạo mạn”.

Đáp lại, phó đại sứ Anh Philip Parham tuyên bố đây chỉ là một “so sánh lố bịch”.

Iran cũng nhảy vào phụ họa cho cuộc đấu khẩu này khi lên án “cách hành xử man rợ của cảnh sát Anh”. “Có xứ sở nào mà lại đối xử với dân mình theo cái kiểu như thế chăng?” - Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinejad tự hỏi.

“Đúng là tệ thật, đó là cuộc tấn công không thể chấp nhận được của cảnh sát đối với những người dân tay không một tấc sắt” - ông nhấn mạnh. Ngoại trưởng Iran cũng không bỏ lỡ cơ hội tô vẽ thêm cho tình hình bi thảm hơn khi yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp và tỏ ý Iran sẵn sàng gửi một nhóm điều tra về vi phạm nhân quyền đến Anh.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cũng tranh thủ “lên lớp” Anh là nên tự giải quyết vấn đề của mình trước khi can thiệp vào nước khác.

“Họ đang đối mặt với những vấn đề từng xảy ra ở các nước bị họ chỉ trích là thiếu tự do. Tốt nhất họ nên chú ý vào vấn đề nội bộ của mình và để chúng tôi yên”.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên