12/08/2011 08:26 GMT+7

Bạo loạn ở Anh, vì sao xảy ra?

Tiến sĩ JOHN PITTS, nhà tội phạm học, mô tả một thế hệ trẻ được giáo dục trong thứ chủ nghĩa tiêu thụ thái quá
Tiến sĩ JOHN PITTS, nhà tội phạm học, mô tả một thế hệ trẻ được giáo dục trong thứ chủ nghĩa tiêu thụ thái quá

TT - Bạo loạn đang lan ra nhiều thành phố ở Anh, buộc chính phủ phải triển khai các biện pháp cứng rắn để trấn áp. Nguyên nhân bạo loạn đang là một đề tài nóng bỏng trên báo chí Anh và châu Âu.

Anh: bạo động lan ra các thành phố

dljuifWn.jpgPhóng to
Cảnh sát bắt giữ một thanh niên tham gia bạo động ở Eltham, phía nam London, ngày 10-8 - Ảnh: Reuters

"Ngày nay chúng ta được xác định không phải bởi việc chúng ta làm mà bởi cái chúng ta mua'

Nước Anh đang phải đối mặt với những cuộc bạo loạn chưa từng xảy ra trước đó kể từ năm 2005. Lý giải về “cái nồi hầm bùng nổ” này của Thủ tướng Anh David Cameron và thị trưởng London rất đơn giản: đó là bọn tội phạm, là chủ nghĩa cơ hội thừa cơ đập, đốt phá rồi bỏ chạy.

Phản ứng của Chính phủ Anh cũng hết sức đơn giản: tăng số lượng cảnh sát, bắt thêm nhiều người. Cứng rắn hơn, Thủ tướng Cameron hôm 11-8 khẳng định sẽ “phản công” những kẻ gây bạo loạn bằng vòi rồng. Ông Roger Helmer, thành viên nghị viện châu Âu, thậm chí còn hối thúc quân đội Anh nhảy vào dẹp loạn đường phố!

Thế nhưng, trong khi chính phủ chỉ biết đến biện pháp “đáp trả” thì các nhà nghiên cứu lên tiếng cho rằng cần phải xem xét những nguyên nhân thật sự về kinh tế - xã hội.

“Cơn giận dữ” do đâu?

Nhà nhân học Pháp Alain Bertho cảnh báo “nếu như cứ vẫn nhìn nhận những sự kiện này theo ngôn ngữ chính trị thì người ta sẽ bỏ mất điều chính yếu”. Theo ông, “để hiểu rõ động cơ của những người gây bạo loạn cần phải nhìn vào việc họ làm. Thông điệp của họ nằm trong hành động của họ. Những người trẻ đang đập phá là để tự khẳng định mình trong một hệ thống xã hội đã chối bỏ họ”.

Báo The Independent dẫn chứng: khu Tottenham nằm ở quận Haringey, London là nơi có hơn 10.000 người dân đang sống với trợ cấp thất nghiệp. Theo những số liệu chính thức, cứ mỗi vị trí việc làm mới có đến 54 ứng viên cùng tranh nhau. Brian Haley, cựu thành viên hội đồng Tottenham suốt hơn 16 năm qua, cho biết nơi đây đã nhận được rất nhiều lời hứa đầu tư trong hơn 25 năm qua, song “chẳng có gì thay đổi” và “những vấn đề thật sự vẫn cứ tồn tại”.

Ông nói: “Các nhà chính trị nói với chúng tôi là tình hình đã không còn như trước, nhưng thực tế thì vẫn như cũ. Những lời hứa chẳng bao giờ được thực hiện. Khu vực Northumberland Park (gần nơi xảy ra cuộc bạo loạn) là một trong những nơi nghèo nhất châu Âu, cứ triền miên như vậy từ nhiều thập niên qua. Tỉ lệ thất nghiệp cao khủng khiếp, bỏ học rất cao, mà những chuyện này chẳng có gì mới mẻ”.

Theo AP, đến nay cảnh sát Anh đã bắt giữ hơn 1.100 người trên toàn quốc, trong đó gần 400 người đã bị buộc tội. Hầu hết những người tham gia bạo động đều dưới 20 tuổi, trường hợp nhỏ nhất bị bắt chỉ mới 11 tuổi. Cảnh sát đang cho lục soát nhiều căn nhà tại London và dự kiến bắt thêm hàng trăm người nữa.

Một số chuyên gia bác bỏ cuộc bạo loạn là do nguyên nhân chính trị hay phân biệt chủng tộc và nhấn mạnh đó là sự bùng nổ của “một thế hệ không có tương lai”. Dẫn chứng: giới trẻ là những người bị thiệt thòi nhiều nhất, đặc biệt trong cơn khủng hoảng kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên Anh lên đến 20% cùng với việc cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, càng làm cuộc sống của giới trẻ thêm khó khăn.

Báo The Guardian cho rằng thay vì lên án cuộc bạo loạn, cần nhìn vào bức tranh xã hội lớn hơn để hiểu rõ “những nguyên nhân của cơn giận dữ” nơi giới trẻ: Anh đang là nước mà ở đó 10% những người giàu nhất hiện giàu gấp 100 lần so với 10% những người nghèo nhất, là nước mà ở đó chủ nghĩa tiêu thụ mù quáng dựa trên vay nợ cá nhân lại được khuyến khích từ nhiều năm qua như một giải pháp cho nền kinh tế không tăng trưởng, là nước nắm giữ kỷ lục thấp nhất về tính cơ động xã hội trong số những nước phát triển.

Richard Wilkinson và Kate Pickett, trong cuốn Định mức tinh thần: vì sao công bằng là tốt hơn cho mọi người, đã phân tích: cái mà người ta thường gọi là “các vấn đề xã hội”(bao gồm tội phạm, tỉ lệ bệnh tật, tỉ lệ bị tù, tỉ lệ bệnh tâm thần...) thường xảy ra phổ biến ở những xã hội thiếu công bằng xã hội hơn là ở những xã hội có sự phân phối nguồn tài sản công bằng hơn, và ở đó hố ngăn cách không lớn giữa người giàu và người nghèo.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh và ích kỷ được nhà nước khuyến khích cùng với sự sụp đổ của hệ thống công đoàn và tỉ lệ tội phạm cao chưa từng thấy đã biến nước Anh thành một trong những nước bất bình đẳng nhất trong số những nước phát triển.

Cảnh báo cho các nước châu Âu

Tony Travers, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Kinh tế London, cảnh báo tất cả đô thị lớn trên thế giới đều đang sản sinh trong lòng nó những bất ổn và đến một lúc nào đó những bất ổn này sẽ chuyển thành những cơn bạo loạn. Một số tờ báo thiên tả cũng cảnh báo bạo loạn ở London có thể xảy ra tại bất cứ đô thị nào ở châu Âu.

“Những kẻ gây náo loạn ở London rung lên hồi chuông báo động cho nước Anh và nhiều nước đa chủng tộc ở phương Tây còn tồn tại sự bất bình đẳng” - tờ Liberation của Pháp viết. Trong khi đó, tờ Il Sole 24 Ore của Ý lại hối thúc cải thiện giáo dục là yếu tố cần thiết để tiếp thêm hi vọng cho “thế hệ lạc lối”.

Tờ La Libre Belgique của Bỉ cho rằng cuộc bạo loạn là do sự xuống dốc của kinh tế mà Chính phủ Anh đã bất lực trong việc tìm ra giải pháp. Một số tờ báo khác chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu của chính quyền Thủ tướng Cameron làm bùng nổ bất ổn xã hội. “Chính sách thắt lưng buộc bụng” nhằm đảm bảo các khoản vay nước ngoài là nguyên nhân bạo loạn ở Anh, tờ Eleftherotypia của Hi Lạp - nước từng chứng kiến nhiều đợt biểu tình phản đối “thắt lưng buộc bụng” - nhận định.

Tiến sĩ JOHN PITTS, nhà tội phạm học, mô tả một thế hệ trẻ được giáo dục trong thứ chủ nghĩa tiêu thụ thái quá
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên