11/08/2011 07:21 GMT+7

Anh: bạo động lan ra các thành phố

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, AP, The Guardian)
HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, AP, The Guardian)

TT - Cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua ở Anh đã bước vào ngày thứ tư liên tiếp. Trong khi tình hình ở thủ đô London có vẻ đã yên ắng hơn sau khi 16.000 cảnh sát được triển khai, đợt triển khai lớn nhất trong lịch sử nước này, để trấn áp các nhóm tội phạm thì bạo động bắt đầu lan rộng ra các thành phố khác.

lsQrt939.jpgPhóng to

Một nhân viên tiệm giặt ủi ở Liverpool (Anh) dọn dẹp sau đợt bạo loạn ngày 10-8 - Ảnh: Reuters

Người Việt không bị thiệt hại lớn

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, đợt bạo động kéo dài bốn ngày qua ở Anh không gây thiệt hại lớn về kinh tế cho cộng đồng người Việt. Tại một số khu vực có đông người VN làm ăn sinh sống như Hackney, Peckham và Lewisham, tình hình đã yên ắng trở lại.

Tối 10-8, ông Bùi Đức Minh - bí thư thứ 1 Đại sứ quán VN tại London - cho Tuổi Trẻ biết tình hình hiện nay đã ổn định trở lại ở thủ đô, các cửa hàng của người Việt đã mở cửa bán bình thường. Đến nay, chưa có thông tin về việc người Việt bị thương trong các vụ bạo động. Cảnh sát vẫn chưa cho biết danh tính ba người châu Á bị xe tông ở Birmingham. Nhìn chung, người Việt tại Anh có xu hướng mong muốn yên ổn, tập trung làm ăn và không muốn bị lôi kéo vào các vụ bạo động.

Manchester (thành phố lớn thứ ba của Anh ở vùng tây bắc), Salford, Liverpool, Nottingham và Birmingham trở thành mục tiêu tiếp theo của các nhóm thanh niên nổi loạn. Bạo loạn tại các thành phố này được mô tả là lớn nhất tại đây trong 30 năm qua. Các cửa hiệu bị cướp phá và đốt cháy khắp nơi.

Riêng tại Manchester và Salford, cảnh sát bắt giữ 108 người trong các vụ phóng lửa đốt nhà và xe hơi, còn vùng West Midlands 109 người đã bị bắt. Trong khi đó tại London, đến nay cảnh sát đã bắt giữ 768 người và cáo buộc 105 người có liên quan tới các vụ bạo lực ở thủ đô.

Thủ tướng David Cameron phải triệu tập quốc hội khẩn cấp vào ngày 11-8 và tuyên bố sẽ thực hiện tất cả giải pháp nhằm đưa tình hình trở lại vòng kiểm soát.

Ông cảnh báo những kẻ gây rối sẽ phải cảm thấy “sức mạnh thật sự của luật pháp”. Thủ tướng Cameron cho rằng nguyên nhân của các vụ bạo lực là sự vô trách nhiệm, thiếu các chuẩn mực đạo đức và hệ thống an sinh xã hội còn nhiều thiếu sót.

Trước tình hình bạo lực, người dân phải tự trang bị để bảo vệ sinh mạng và tài sản của mình. Trên cửa hàng trực tuyến Amazon, số gậy chơi bóng chày bán ra gấp 65 lần so với bình thường, còn dùi cui từ vị trí 5.973 trong danh sách mặt hàng bán chạy nhất đã vọt lên vị trí thứ 136.

Nhà chức trách đang tính tới khả năng dùng đạn cao su - vốn trước đây chỉ được dùng ở Bắc Ireland - cũng như vòi rồng và nhiều biện pháp cứng rắn để đẩy lùi các làn sóng bạo động.

Theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Anh, các vụ bạo động bốn ngày qua tại London có thể khiến người nộp thuế Anh mất khoảng 100 triệu bảng.

Một thế hệ cần được lắng nghe

Bình luận về nguyên nhân các vụ bạo động, báo The Guardian dẫn lời người dân ở Mare Street, khu vực Hackney nhận xét đó là những biểu hiện của một thế hệ thanh niên mặc áo trùm đầu, bịt mặt, không tuân lệnh cảnh sát, không tôn trọng người khác. Vì sao? Một người nói: “Học phí đại học tăng, học hành tốn kém mà việc làm không có. Thế hệ thanh niên này đang đưa ra thông điệp của mình. Họ chỉ cần được lắng nghe. Đây là cách duy nhất một số người dùng để đối thoại”.

Thực tế, cắt giảm ngân sách chi tiêu công mà chính phủ hiện tại thực hiện đã giảm tới 75% các dự án dành cho thanh niên, đặc biệt là các dự án giúp thanh niên và cảnh sát hiểu nhau hơn. Ally, 21 tuổi, cho rằng: “Lớn lên ở đây (Hackney), họ thường xuyên bị cảnh sát chặn, lục soát. Người dân không thích cảnh sát và cho rằng cảnh sát không muốn giúp họ. Bởi vậy thanh niên lợi dụng tình hình để khuấy động một phen”.

Trước những hình ảnh cướp bóc, phá phách vô luật pháp tưởng chừng như không thể tin nổi tại đất nước có tiếng là văn minh trên thế giới, giáo sư John Pitts - nhà tội phạm học - nhận định hành vi cướp bóc khiến “những người không có quyền hành bỗng dưng cảm thấy có sức mạnh”.

Các nhà tâm lý nhận định cá nhân sẽ mất đi những giá trị đạo đức mà họ tôn thờ khi bị rơi vào một đám đông, trong đó có cảm giác có tội - vốn là phẩm chất khiến con người không dám hành xử như những tên tội phạm. Họ cho rằng hầu hết kẻ phá phách cướp bóc đều là những kẻ cơ hội và dù không nhất thiết có ý đồ xấu, nhưng trong một đám đông, khi thấy người khác làm sai mà không bị trừng phạt thì họ sẽ làm theo.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, AP, The Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên