Phóng to |
Máy bay là một trong những nguồn xả khí thải nhiều và gây tác động nghiêm trọng nhất - Ảnh: AFP |
Từ ngày 1-1-2012, theo quy định của Hệ thống kinh doanh khí thải (ETS), tất cả các hãng hàng không trên thế giới bay đến và đi từ EU sẽ phải cắt giảm 3% (và năm 2013 sẽ nâng lên 5%) lượng khí thải nhà kính so với mức trung bình năm 2004-2006. Mức phạt đối với những vi phạm là 100 euro (142 USD) trên mỗi tấn CO2 vượt mức cho phép. “Hệ thống ETS không phải là thuế - một quan chức EU khẳng định - Nếu các hãng hàng không không muốn trả tiền, họ có lựa chọn là giảm lượng khí thải do máy bay xả ra”. Lựa chọn thứ hai là mua giấy phép xả khí thải từ các doanh nghiệp xả ít CO2 hơn mức cho phép.
Đưa nhau ra tòa
Không chỉ bày tỏ lo ngại như nhiều hãng hàng không khác, Hiệp hội Giao thông hàng không Mỹ (ATAA) cùng hai hãng United Continental và American Airlines đã đâm đơn kiện EU lên Tòa án công lý châu Âu (ECJ) ở Luxembourg. ATAA chỉ trích EU là vi phạm luật pháp quốc tế. Derrick Wyatt, luật sư đại diện United Continental và American Airlines, nhấn mạnh sẽ là bất công nếu buộc các hãng hàng không Mỹ phải trả tiền cho lượng khí thải xả bên ngoài biên giới châu Âu (trên bầu trời Đại Tây Dương).
“Các hãng hàng không xác định rằng cách duy nhất để xây dựng một khuôn khổ chặt chẽ cho việc giảm khí thải từ máy bay là thông qua thỏa thuận đa phương, thay vì quy định đơn phương” - luật sư Wyatt nhấn mạnh.
Trong khi đó, EU tự tin cho rằng ECJ sẽ ủng hộ sáng kiến của châu Âu. “Hệ thống này phù hợp với luật pháp quốc tế - người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Isaac Valero Ladron tuyên bố - Đó không phải là thuế. Đó là mức trần ô nhiễm. Mục tiêu của sáng kiến này là giảm khí thải chứ không phải là thu tiền của các hãng hàng không”. EU cũng nhấn mạnh sẽ không đàm phán lại, không điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy định này. Nhiều khả năng ECJ sẽ chỉ đưa ra phán quyết vào cuối năm nay.
Vụ việc cũng gây căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và EU. “EU áp luật riêng lên các hãng hàng không Mỹ mà không có sự đồng thuận của chúng tôi - ông Wendell Albright, giám đốc Văn phòng đàm phán hàng không thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ trích - Chỉ nước Mỹ mới có quyền quyết định mục tiêu hay hành động để giảm khí thải đối với các hãng hàng không Mỹ”. Chính quyền Washington cũng tỏ ra không hài lòng với EU và cho biết đang “xem xét các lựa chọn khác” để giải quyết vụ việc.
Giá vé máy bay sẽ tăng?
Ngành hàng không thế giới lo ngại luật này sẽ khiến chi phí kinh doanh tăng vọt. Các hãng hàng không Trung Quốc ước tính quy định của EU sẽ khiến họ phải chi tiêu thêm 800 triệu nhân dân tệ (123 triệu USD) mỗi năm kể từ năm 2012. Các hãng hàng không Mỹ ước tính sẽ phải chi tổng cộng 3,1 tỉ USD từ nay đến năm 2020 để mua giấy phép xả khí thải CO2. Do đó, nhiều khả năng giá vé máy bay từ Mỹ sang châu Âu, ví dụ từ New York tới London (Anh), có thể tăng thêm tới 57 USD mỗi chuyến.
Các hãng hàng không vùng Vịnh cũng xác định mỗi hãng sẽ phải chi hàng trăm triệu USD cho mười năm tới. Đức công bố kế hoạch áp thuế hàng không sẽ khiến hành khách tốn thêm 45 euro (64 USD) cho mỗi chuyến bay đường dài. Trong khi đó, EU lại cho rằng việc áp dụng luật giảm khí thải sẽ chỉ khiến giá mỗi vé máy bay tăng vài USD.
Thay vì chọn giải pháp đối đầu như các hãng hàng không Mỹ, nhiều hãng hàng không quốc tế, chẳng hạn như Air China của Trung Quốc, lại đàm phán với EU. Trước đó, EU từng tuyên bố các hãng hàng không có thể được phép đứng ngoài hệ thống ETS nếu đưa ra các biện pháp giảm khí thải tương đương ở quốc gia mình, ví dụ như sử dụng nhiên liệu sạch hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận