27/07/2011 14:33 GMT+7

Mỹ lên kế hoạch B tránh thảm họa vỡ nợ

H.MINH
H.MINH

TTO - Nhà Trắng ngày 26-7 tuyên bố đang tiếp tục các cuộc thương lượng không công khai với những thành viên quốc hội để phá vỡ thế bế tắc trong thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ hòng tránh thảm họa vỡ nợ kỹ thuật.

4WNTDrdW.jpgPhóng to

Tổng thống Barack Obama cố gắng đạt được một thỏa thuận với nhánh lập pháp - Ảnh: Getty Images

Nhà Trắng ủng hộ một đề xuất từ lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Harry Reid cắt giảm thâm hụt ngân sách 2,7 nghìn tỉ USD trong 10 năm tới và nâng trần nợ lên mức giúp chính phủ không phải công bố vỡ nợ kỹ thuật cho đến cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2012. Tuy nhiên, kế hoạch này bị phe Cộng hòa do Chủ tịch Hạ viện John Behner đứng đầu phản đối.

Nghi ngờ ngày càng gia tăng ở quốc hội về khả năng một trong hai dự luật (của phe Dân chủ ở thượng viện và Cộng hòa ở hạ viện) được thông qua. “Chúng tôi đang nghiên cứu một kế hoạch B - thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney nói với các phóng viên - Nhà Trắng đang nỗ lực thương thảo với các thành viên quốc hội mỗi ngày qua, bảy ngày một tuần và đã nhiều tuần rồi, về cách đạt được một kết quả chung”.

Tình thế bế tắc kéo dài với cả hai kế hoạch quá nhiều khác biệt của hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong khi thời hạn chót 2-8 đã đến rất gần. Phe Dân chủ muốn bảo vệ các chương trình phúc lợi y tế trong khi tìm cách nâng thuế, còn phe Cộng hòa phản đối tăng thuế. “Chúng tôi phải có những bước tiến mạnh mẽ hơn và phải đảm bảo rằng ngăn chặn được mối đe dọa bất ổn đối với nền kinh tế” - Reuters dẫn lời ông Carney.

Hãng tin này cũng dẫn lời một số nghị sĩ phát biểu độc lập rằng một giải pháp thỏa hiệp vẫn là có thể, bởi những điểm chung giữa hai dự luật cũng là đáng kể. Mỗi dự luật đều kêu gọi cắt giảm 1,2 nghìn tỉ USD chi tiêu thường xuyên trong vòng 10 năm tới và thành lập một ủy ban để tìm thêm các giải pháp tiết kiệm chi từ tiền ngân sách.

Trong ngày 26-7, Nhà Trắng đã công bố trên trang web của họ những khoản chi chi tiết trong số nợ công 14,3 nghìn tỉ USD hiện giờ, bao gồm 3 nghìn tỉ USD cắt thuế từ thời tổng thống George Bush, 200 tỉ USD cho chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), 1,7 nghìn tỉ USD chi cho quốc phòng, 1,4 nghìn tỉ USD cho hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, 800 tỉ USD để kích thích kinh tế sau khủng hoảng, 700 tỉ USD các khoản cho vay lãi suất thấp của chính phủ, 3,6 nghìn tỉ USD cho các thay đổi của nền kinh tế (như thuế giảm do suy thoái) và nhiều khoản khác.

IMF cảnh báo 3 thách thức đe dọa kinh tế toàn cầu

Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ ở New York hôm 26-7, bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã cảnh báo ba thách thức hàng đầu đe dọa nền kinh tế toàn cầu, đó là nợ công, phục hồi kinh tế không cân bằng và bất ổn định xã hội.

Quan chức IMF nhấn mạnh những thách thức trên gắn chặt chẽ với nhau và nền kinh tế thế giới chỉ có thể tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định và cân bằng khi giải quyết dứt điểm những khó khăn này.

Về thách thức nợ công, Lagarde nêu rõ các vấn đề tài chính ở châu Âu cho thấy các hiểm hoạ bắt nguồn từ liên minh kinh tế và kinh tế không đầy đủ. Thỏa thuận mới nhất giữa các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu để bảo đảm sự ổn định của khu vực này được các thị trường tài chính quốc tế hoan nghênh, nhưng nguy cơ tái xuất hiện các rối loạn là rất cao. Vì vậy, các nền kinh tế châu Âu cần khẩn cấp triển khai và thực hiện nhanh các thoả thuận này.

Liên quan tới các cuộc thương lượng làm nóng chính trường Mỹ hiện nay về vấn đề nâng mức trần nợ công, tổng giám đốc IMF Lagarde hối thúc Washington hành động tài chính táo bạo, đồng thời thúc giục hai chính đảng lớn tại Mỹ tìm ra một giải pháp chung. Bà nhấn mạnh: nước Mỹ bị vỡ nợ không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế toàn cầu, phá hoại tiến trình phục hồi sau "bão" tài chính khá mong manh hiện nay.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên