Tận hưởng cuộc sống riêng tư
Trong cuộc phỏng vấn, bà Clinton, 63 tuổi, nói: "Tôi yêu công việc mình đang làm". Bà nói sức khỏe của mình rất tốt nhờ tập thể dục và yoga mỗi ngày. Nhưng đồng thời thừa nhận bà đã mệt mỏi với những chuyến công du bất tận với cương vị ngoại trưởng Mỹ.
Phóng to |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - Ảnh: AFP |
"Tôi luôn yêu thích khoảng thời gian với gia đình, bạn bè và không phải lúc nào cũng bị cuốn vào vòng công việc. Đó là lý do tôi quyết định sau 18 tháng tới sẽ nghỉ hưu để tận hưởng cuộc sống riêng tư sau những ngày tháng làm việc căng thẳng", bà Clinton nói.
Bà Clinton lần đầu được công chúng biết đến vào những năm 1970 với tư cách là phu nhân thống đốc bang Arkansas, sau đó là đệ nhất phu nhân Mỹ, rồi thượng nghị sĩ đại diện cho bang New York cho đến cương vị hiện tại là ngoại trưởng Mỹ.
Năm 2008, bà thất bại sít sao trước ứng cử viên là tổng thống đương nhiệm Barack Obama trong kỳ chạy đua giành quyền đề cử chính thức từ Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng bà luôn khẳng định sự hợp tác tốt đẹp với ông Obama và không muốn tranh cử vào Nhà Trắng lần nữa.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Clinton ca ngợi những kỷ lục mà chính quyền Obama đã đạt được, và rằng nhiều quyết định bởi tổng thống tiền nhiệm George W.Bush "đã làm giảm sức mạnh Mỹ ngay trong nước và trên thế giới". "Điều tôi cam kết với chính bản thân mình là từng bước hồi phục lại sự ảnh hưởng và thế lãnh đạo của Mỹ".
Nhật ký tháp tùng ngoại trưởng
Phóng viên Kim Ghattas của BBC chuyên đưa tin trong các chuyến công tác của Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chia sẻ về nhật ký hành trình của mình. Tuổi Trẻ Online lược dịch:
Đây là chuyến công tác thứ 16 của tôi với vị nữ ngoại trưởng này, và mỗi lần như thế là một trải nghiệm đặc biệt. Sự gần gũi với bà Clinton giúp tôi có một cái nhìn sâu sắc về những hành động trong ngoại giao và về những con người thực sự lập ra chính sách đối ngoại của Mỹ.
Đoàn tùy tùng của ngoại trưởng Mỹ trong mỗi chuyến công tác lên đến 42 người. Ngoài ngoại trưởng thì những quan chức cao cấp khác gồm: một phát ngôn viên, hai phó trưởng đoàn, một cố vấn truyền thông, một liên lạc viên của Lầu Năm Góc và khoảng 6-8 quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia.
Trên chuyến bay có bảy sĩ quan an ninh của Bộ Ngoại giao. Trong khi hàng chục nhân viên cảnh vệ khác đã được triển khai tại điểm đáp. Những người khác được có mặt trên chuyến bay là hai nhân viên điều hành đường bay, một phó thư ký điều hành, một chuyên viên vận chuyển và một trợ lý đoàn. Có 13 nhà báo được tham gia trên chuyến bay.
Phóng to |
Bữa ăn của đoàn nhà báo trên máy bay cũng giống như bữa ăn của ngoại trưởng và nhiều quan chức khác - Ảnh: BBC |
Chứng kiến họ cố gắng - và đôi khi thất bại - kiểm soát những rối loạn của thế giới là một gợi nhớ về những giới hạn của sức mạnh Mỹ. Dẫu vậy, với tư cách là ngoại trưởng của nước lớn mạnh nhất thế giới, bà Clinton và những người tiền nhiệm được tiếp đón tại phủ tổng thống và cung điện hoàng gia, trong khi những người đồng cấp tại các quốc gia khác thì không được đặc quyền như thế. Nhưng bà Clinton còn có những mối quan hệ cá nhân với một số lãnh đạo các nước từ khi bà còn là đệ nhất phu nhân, nên họ "sẽ sẵn sàng gặp tôi dù trong tình huống nào", bà nói.
Lợi thế tuyệt vời nhất khi được tháp tùng vị ngoại trưởng đi công tác là không bị kiểm tra thị thực hoặc chờ đợi để lấy hành lý. Các nhân viên bộ ngoại giao sẽ nhận nhiệm vụ kiểm soát đoàn phóng viên đến và đi, hành lý của chúng tôi được chuyển thẳng về khách sạn. Điều kém vui là mặc dù phải trả tiền cho chuyến đi nhưng chúng tôi không được phục vụ ăn nhẹ trên máy bay. Đi cùng ngoại trưởng đến nhiều địa điểm hoành tráng được chỉ định cũng chưa hẳn hay, vì chúng tôi sẽ không được trọn vẹn trải nghiệm về đất nước ấy.
Mất ngủ là chuyện thường
Mất ngủ kinh niên là chuyện thường với các nhân viên ngoại giao. Từ ngày đầu tiên của chuyến công tác, giám đốc phụ trách hoạch định Jake Sullivan gần như không ngủ. Chuyến đi có thể sẽ rất hào hứng và quan trọng. Nhưng làm thế nào mà ai đó sẽ hoạch định chính sách cho một siêu cường khi họ không ngủ?
"Chính sách đối ngoại được thiết lập bởi những người không hoàn hảo thường đối diện với các sự lựa chọn không hoàn hảo và phải sử dụng một quá trình không hoàn hảo để đưa ra những quyết định", ông nói. "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cố gắng đảm bảo quyết định đó sẽ đến được vào giờ chót sau khi đã xem xét rất kỹ lưỡng".
Bản thân bà Clinton cũng thừa nhận về lịch trình dài đằng đẵng của mình. "Tôi sẽ không nói dối với cô. Tôi mệt lắm. Bạn bè của tôi gọi, gửi email và nói: "Chúa ơi, tôi thấy bạn trên truyền hình. Trông bạn mệt mỏi lắm". Tôi chỉ nhắn trả lời: "Cảm ơn bạn nhiều lắm". Nhưng bà cũng nói: "Chúng tôi tạo nên sự khác biệt, và điều đó khiến tôi tiếp tục công việc của mình". Trên máy bay bà Clinton ngủ rất nhiều để phòng hờ cho những buổi mất ngủ sắp tới. Sau mỗi chuyến công du dài, bà thường đi bộ hoặc tập yoga để hồi phục.
Các chuyến công du bất tận có thể là không cần thiết khi thế giới đang ngày càng co lại và có thể tiến hành họp trực tuyến bất cứ lúc nào. Nhưng bây giờ người Trung Quốc hiện diện khắp nơi. Ấn Độ và Brazil nổi lên đòi chia sẻ tầm ảnh hưởng trên thế giới. Cho nên bà Clinton tự cảm thấy trách nhiệm rằng mình cũng cần phải tăng cường sự hiện diện. Kể từ khi nhận chức vụ vào tháng 1-2009, bà đã có chuyến công du với quãng đường tổng cộng 600.000 dặm (gần 1 triệu cây số), tức gần 24 lần vòng quanh Trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận