Phóng to |
“Tôi không có gì để nói về những tàu sân bay của Trung Quốc bởi các hãng truyền thông đã nói về chúng quá nhiều. Người Mỹ cũng đã biết chúng tôi mua tàu Thi Lang (Varyag) của Ukraine. Con tàu này rất có giá trị để chúng tôi nghiên cứu cho việc đóng tàu mới” - Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời ông Trần Bính Đức.
Xác nhận của Bắc Kinh như một thách thức với Washington và các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc trong lúc đô đốc hải quân Mỹ Mike Mullen đang có mặt ở Bắc Kinh. Trước khi mua xác tàu Varyag, từ năm 1970 Trung Quốc từng mua ba xác tàu sân bay cũ để nghiên cứu công nghệ đóng tàu, hai trong số đó là chiếc Minsk và Kiev của Nga.
Song ông Trần cũng thừa nhận Mỹ là một nước mạnh trên thế giới khi sở hữu đến 11 tàu sân bay, trong khi kỹ thuật quân sự mà Trung Quốc đang sử dụng tương đương với kỹ thuật của Mỹ 20-30 năm trước.
Ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Philippines là cùng đưa vấn đề biển Đông lên Tòa án Liên Hiệp Quốc phân xử. “Trung Quốc luôn giữ vững quan điểm rằng vấn đề tranh chấp trên biển Đông nên giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa các nước có liên quan” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố. |
Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc có vẻ e dè về hiệu quả của tàu sân bay Varyag cũng như dự án đóng tàu mới của nước này. Ông Hồng Nguyên, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định sẽ còn rất lâu trước khi chiếc Varyag có thể hoạt động hiệu quả.
Nhật Báo Trung Quốc cũng cay đắng so sánh: Varyag - Thi Lang của Trung Quốc có tải trọng 65.000 tấn, nhỏ hơn đến 35.000 tấn so với tàu sân bay George Washington của Mỹ. “Sẽ rất phức tạp để đóng một tàu sân bay hoàn toàn mới”- tạp chí quốc phòng Kanwa Asian dẫn lời nguồn tin giấu tên từ ngành công nghiệp quốc phòng ở Đại Liên (Liêu Ninh).
Xung quanh việc thử nghiệm tàu Thi Lang đang có nhiều thông tin trái chiều, lúc Trung Quốc công bố vào cuối tháng 8-2011, lúc lại nói đến cuối năm nay mới có thể đưa vào chạy thử. Trong khi đó lại có tin đồn tàu sân bay do Trung Quốc sản xuất đang được đóng tại một xưởng tàu ở Thượng Hải. Trước đó, Nhật Báo Thương Mại của Hong Kong dẫn lời ông Trần Bính Đức úp mở trong chuyến viếng thăm Mỹ rằng: “Trung Quốc đang đóng ít nhất một tàu sân bay mới nhưng chưa hoàn tất”.
Trong tuyên bố ngày 11-7, ông Trần lại không cho biết Trung Quốc đang định đóng bao nhiêu tàu, song ông thừa nhận Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo Dongfeng-21D có tầm bắn xa 2.700km và có khả năng tấn công các mục tiêu di động, kể cả các tàu sân bay ngoài biển. “Tên lửa đang trong quá trình thử nghiệm và được sử dụng như vũ khí phòng vệ” - ông Trần xác nhận.
Phản ứng trước thông tin này, ngày 12-7 Đài Loan cho biết tuần tới họ sẽ thực hiện tập trận chống chiến tranh mô phỏng trên máy tính nhằm kiểm tra khả năng chống trả của mình trước tàu sân bay và sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Các chuyên gia Đài Loan cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm ẩn gấp đôi đối với lãnh thổ này.
Tướng Hau I-chih thuộc Cơ quan quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh lãnh thổ này sẽ đánh giá khả năng quốc phòng của họ trước những cuộc tấn công bất ngờ từ Trung Quốc. “Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có khả năng sẽ hoạt động vào năm tới, nó đánh dấu sự thay đổi tình trạng chiến tranh tiềm ẩn trong khu vực. Cuộc tập trận mô phỏng từ ngày 18 đến 22-7, Đài Loan sẽ tập trung vào khả năng chiến đấu không cân xứng trên biển trong lúc đối mặt với sự vượt trội quân sự từ Trung Quốc”- ông Hau nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận