Malaysia: Phát hiện vũ khí và chất nổ tại thủ đô
Phóng to |
Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình - Ảnh: AFP |
Cuộc biểu tình do phe đối lập ủng hộ nhằm gây áp lực lên Thủ tướng Najib Razak đòi luật bầu cử công bằng và minh bạch hơn trước cuộc tổng tuyển cử vào giữa năm 2012. Chính quyền đã tuyên bố cuộc tuần hành là bất hợp pháp và cảnh báo người dân không tham gia.
Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp thắt chặt an ninh của cảnh sát, AP cho biết hàng nghìn người đã đổ về sân vận động Độc lập ở Kuala Lumpur, hô vang “người dân muôn năm”, mang theo bong bóng và hoa màu vàng, màu của phong trào đối lập.
Cảnh sát đã bắn hơi cay và nước để giải tán đám đông. Ngày 9-7, ông Najib đã khẳng định những kẻ phản đối chỉ là thiểu số và hầu hết người dân Malaysia ủng hộ chính quyền hiện hữu. “Nếu có những người muốn tổ chức tuần hành bất hợp pháp, thì số người chống lại kế hoạch của họ là nhiều hơn”, hãng tin nhà nước Malaysia Bernama dẫn lời ông Najib.
Cảnh sát xác nhận trong một thông báo rằng họ đã bắt giữ 672 người. Các nhân chứng kể cảnh sát trang bị dùi cui đã kéo những người biểu tình lên xe tải, một số bị chảy máu, nhưng cảnh sát khẳng định không có ai bị thương. Anwar Ibrahim, nhân vật đối lập hàng đầu ở Malaysia, nói trên trang mạng Twitter rằng ông “bị thương nhẹ” khi nhóm của ông bị xịt hơi cay.
Cuộc biểu tình chính trị lớn nhất từ năm 2007
Phóng to |
Nhiều người bị bắt giữ - Ảnh: AFP |
Sau buổi trưa ngày 9-7, những người tại chỗ ước tính số người tuần hành vượt hơn 20.000, biến đây thành cuộc biểu tình chính trị lớn nhất Malaysia kể từ năm 2007.
Hai nhóm chính trị chống đối nhau ở hai phía hiện là phong trào Mặt trận quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Najib và liên minh Bersih, một tập hợp rộng, nhưng lỏng lẻo các đảng đối lập.
AP dẫn lời những người ủng hộ Bersih nói họ có kế hoạch tổ chức các cuộc tuần hành đoàn kết vào cuối tuần ở những thành phố nước ngoài, bao gồm Úc, Anh, Pháp, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ.
Tại Washington, người phát ngôn Bộ ngoại giao Victoria Nuland, nói chính quyền Mỹ đã liên lạc với phía Malaysia để trao đổi về việc tôn trọng nhân quyền, bao gồm quyền tự do bày tỏ chính kiến và tụ tập.
“Chúng tôi coi điều quan trọng là tất cả các bên phải kiềm chế khỏi bạo lực, đặc biệt nếu chúng ta lại có một cuộc tuần hành nữa vào ngày mai”, AP dẫn lời bà Nuland trong một cuộc họp báo ngày 8-7 (giờ Mỹ).
Trước đó, nhà chức trách đã thực hiện những biện pháp an ninh khác thường bao gồm việc phong tỏa nhiều con đường ở Kuala Lumpur, đóng cửa các trạm tàu điện và huy động xe tải có súng nước dùng để giải tán đám đông tới gần sân vận động Độc lập.
Trong hai tuần qua, cảnh sát đã bắt giữ một số người mặc áo vàng, màu áo của phe biểu tình phản đối chính phủ, nhưng AFP dẫn lời những nhà tổ chức tuần hành nói họ sẽ không lùi bước và sẽ tập hợp bên ngoài sân vận động Merdeka ở nội ô Kuala Lumpur trong ngày hôm nay.
Vào tháng 4, phe đối lập cũng giành được một số thắng lợi lớn ở cuộc bầu cử địa phương tại các đảo Sarawak và Borneo. Thủ tướng Najib đã lên truyền hình bảo vệ những hành động cứng rắn của cảnh sát và phủ nhận cáo buộc cho rằng Malaysia đang mất dần dân chủ.
Theo AFP, trong cuộc tuần hành đòi cải cách luật bầu cử lớn gần nhất, 50.000 người đã xuống đường vào năm 2007. Ông Najib lên cầm quyền từ năm 2009, thừa hưởng một liên minh chia rẽ đã yếu đi nhiều do những thất bại trong cuộc tuyển cử 2008. Mức độ tín nhiệm với ông tăng từ 45% lên 69% theo một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 2 vừa qua của Trung tâm Merdeka, nhưng Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo gần đây có thể làm giảm uy tín của thủ tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận