28/06/2011 10:36 GMT+7

Tổng thống Sudan gặp ông Hồ Cẩm Đào

H.MINH
H.MINH

TTO - Nhà lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir, đang bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) truy nã vì tội phạm chiến tranh, đã đến Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 28-6, muộn hơn một ngày so với dự kiến để gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

ICC truy nã TT Sudan

ld7IWhT3.jpgPhóng to
Ông Bashir (hàng thứ hai, bên phải) xuống máy bay trong chuyến thăm Trung Quốc - Ảnh: AFP

Các bên liên quan không đưa ra lý do chính thức cho việc ông Bashir đến muộn, nhưng báo chí phương Tây nói một số nước đã không cho máy bay của ông bay qua không phận của mình do lệnh truy nã của ICC.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận ông Bashir đã tới muộn, nhưng cho biết cuộc hội đàm vẫn diễn ra để bàn về “tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác Trung Quốc - Sudan”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn thông báo hai bên sẽ trao đổi về tiến trình hòa bình Bắc - Nam Sudan và vấn đề Darfur. Ông Bashir dự kiến sẽ ở lại Trung Quốc đến ngày 30-6.

ICC ra lệnh truy nã ông Bashir vì các tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở vùng Darfur miền tây Sudan, nơi khoảng 300.000 người đã thiệt mạng vì xung đột vũ trang từ năm 2003. Lệnh của ICC yêu cầu bất cứ thành viên nào tham gia tổ chức này bắt giữ Bashir nếu ông đến vùng lãnh thổ của họ. Trung Quốc không thuộc các nước này.

Ông Bashir đã hủy bỏ một chuyến tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tháng này ở Malaysia do nước này tuyên bố định công nhận các quy trình pháp lý của ICC.

Trung Quốc là đồng minh chủ chốt của chế độ Khartoum hiện giờ, nhà cung cấp vũ khí hàng đầu và nước mua dầu thô nhiều nhất từ Sudan. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27-6 đã phản đối lời mời của Trung Quốc với ông Bashir và hối thúc Bắc Kinh gây áp lực để Sudan “hợp tác đầy đủ với ICC”. Hiện giờ nội chiến vẫn đang diễn ra giữa miền Bắc và miền Nam Sudan.

Cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ đã khiến 2 triệu người thiệt mạng và theo một thỏa thuận hòa bình năm 2005, miền nam đã bỏ phiếu trưng cầu ý dân, quyết định tách ra thành lập một nhà nước riêng. Tuy nhiên, vùng biên giới Abyei hiện vẫn là khu vực tranh chấp giữa hai nhà nước, chính quyền miền bắc tại Khartoum do Trung Quốc hậu thuẫn và chính quyền miền nam. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 27-6 đã ra lệnh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 4.200 binh sĩ Ethiopia tới Abyei.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên