Phóng to |
Theo thông cáo báo chí đăng trên trang www.eccc.gov.kh, cả bốn bị cáo Nuon Chea (85 tuổi, “nguyên chủ tịch quốc hội”), Khieu Samphan (80 tuổi, “nguyên chủ tịch nước”), Ieng Sary (86 tuổi, “nguyên bộ trưởng ngoại giao”) và vợ là Ieng Thirith (79 tuổi, “nguyên bộ trưởng xã hội”) sẽ xuất hiện tại phiên điều trần ban đầu hôm 27-6. Phiên điều trần sẽ kéo dài từ ngày 27 đến 30-6, tập trung vào việc hoàn thành danh sách nhân chứng và các hoạt động khác.
Bốn bị cáo phải đối mặt với các tội danh bao gồm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Trước đó, cả bốn đều đã bác bỏ mọi cáo buộc. Dự kiến phải đến tháng 8, cả bốn mới đưa ra đầy đủ lời khai. Giới chuyên gia dự báo phiên tòa này sẽ kéo dài trong nhiều năm. “Đây là phiên tòa quan trọng nhất của tòa án này - Hãng tin AFP dẫn lời công tố viên quốc tế Andrew Cayley khẳng định - Chưa từng có một vụ nào lớn và phức tạp như vậy kể từ Nuremberg (các phiên tòa xử tội phạm Đức quốc xã sau Thế chiến II)”.
Đây là phiên tòa xét xử Khmer Đỏ thứ hai sau vụ xử “đao phủ” Duch, tên thật là Kaing Guek Eav. Cuối tháng 7-2010, ECCC kết án Duch phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội giết người và tra tấn. Duch lãnh án tù 30 năm. Tuy nhiên, trên thực tế Duch chỉ phải ngồi tù 19 năm do đã bị quân đội Campuchia giam 5 năm và bị giam giữ chờ xét xử trong 11 năm.
Các chuyên gia cho biết phiên tòa thứ hai phức tạp hơn do cả bốn bị cáo đều phủ nhận mọi cáo trạng cũng như việc có nhiều nạn nhân hơn, nhiều địa điểm gây tội ác của Khmer Đỏ hơn trên toàn đất nước Campuchia. “Các tay thủ lĩnh này đều không nhận tội. Họ sẽ ngang ngạnh và không chịu hợp tác” - AFP dẫn lời chuyên gia Anne Heindel, cố vấn pháp lý Trung tâm tài liệu Campuchia. Sức khỏe của các bị cáo cũng là một vấn đề, bởi cả bốn đều đã lớn tuổi và chưa chắc còn sống khi bản án cuối cùng được công bố.
Dù vậy, nạn nhân Khmer Đỏ Theary Seng, người sáng lập Trung tâm công lý và hòa giải Campuchia, khẳng định những nạn nhân Khmer Đỏ còn sống sót hi vọng phiên tòa sẽ đưa ra ánh sáng một “thời kỳ vô cùng tăm tối”. Dưới chế độ Pol Pot, khoảng 1,7-2,2 triệu người đã thiệt mạng do bị giết, bỏ đói hoặc do lao động khổ sai. Trong đó, Khmer Đỏ đã sát hại tàn bạo 800.000 người. Số người Việt Nam thiệt mạng vẫn chưa được xác định rõ.
Theo báo Phnom Penh Post, hôm qua 25-6 các nạn nhân Khmer Đỏ đã tổ chức một buổi tưởng niệm ở khu "cánh đồng chết" Choeung Ek, nơi hàng nghìn người bị sát hại và bị chôn vùi trong các nấm mộ tập thể. Chum Mey, một nạn nhân, cho biết ông tin rằng phiên tòa xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ sẽ bắt đầu tiến trình làm lành vết thương do Khmer Đỏ gây ra đối với đất nước Campuchia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận