22/06/2011 07:21 GMT+7

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vô căn cứ

THANH TUẤN (tường thuật từ Washington DC, Mỹ)
THANH TUẤN (tường thuật từ Washington DC, Mỹ)

TT - Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh biển Đông là vấn đề quan trọng đối với an ninh nước Mỹ. Căng thẳng ở đây phải được giải quyết đa phương và hi vọng bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc giữ lời.

Thượng nghị sĩ John McCain thuộc Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ có mặt tại buổi tiếp tân tối 20-6 (sáng 21-6 giờ VN) ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế (CSIS),

r6z7SfSq.jpgPhóng to
Tân đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường (bìa phải) cùng thượng nghị sĩ John McCain (thứ hai từ trái sang) tại buổi tiếp tân tối 20-6 ở Trung tâm CSIS - Ảnh: T.Tuấn

Ông McCain cho rằng cần nói ra những lời thẳng thắn với Trung Quốc. “Thủ phạm” gây nhiều căng thẳng ở biển Đông và khiến giải pháp hòa bình thêm khó khăn là những hành vi hiếu chiến cùng những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc.

“Điều khiến tôi khó chịu và chắc nhiều bạn cũng vậy là tuyên bố đòi chiếm gần như cả biển Đông của Trung Quốc, một tuyên bố hoàn toàn không có cơ sở luật pháp quốc tế nào, là hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc để thực hiện cái mà họ nói là “đúng đắn” ngay trong phạm vi 200 hải lý (vùng đặc quyền) của một số nước ASEAN như Việt Nam và Philippines gần đây.

Cái được gọi là “đường chín đoạn” là coi tất cả các đảo ở biển Đông và vùng nước xung quanh đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, một số cách giải thích luật quốc tế của Trung Quốc sẽ làm mất quyền tự do thông thương hàng hải, bóp méo cách tiếp cận từ mở rộng sang đóng kín. Một số ý kiến ở Trung Quốc còn gọi đây là cuộc chiến pháp lý”.

Đề cập những lý do vì sao Mỹ phải quan tâm tới tranh cãi về biển của các nước cách nửa vòng trái đất, ông McCain nêu rõ ngoài lý do kinh tế, “mối lo lớn hơn là lý do chiến lược. Trung tâm địa - chính trị thế giới đang dần chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều nước đang cùng vươn lên. Nước Mỹ có lợi ích an ninh quan trọng trong việc duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực cốt yếu này.

Trọng tâm chính là quyền được tự do đi lại trên biển - nguyên tắc nền tảng của trật tự quan hệ quốc tế. Các nỗ lực ngăn chặn quyền tự do đi lại trên biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự thế giới mà Mỹ và các đồng minh đã duy trì trong nhiều thập niên.

Nếu một nước lại có thể tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực và biến biển Đông thành vùng không thể đi lại đối với tàu thuyền thương mại và quân sự của các nước, trong đó có nước Mỹ, thì hậu quả sẽ là nghiêm trọng. Nó có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm làm suy giảm hệ thống luật pháp quốc tế, khích lệ các nước đang nổi lên khác dùng vũ lực tước đoạt những thứ mà luật pháp thông thường không cho phép”.

Về sự hỗ trợ của Mỹ đối với ASEAN, thượng nghị sĩ McCain cho rằng: “Nên nhìn nhận việc giải quyết xung đột là tăng cường đoàn kết giữa các thành viên ASEAN, là giúp các thành viên ASEAN xây dựng khả năng phòng thủ bờ biển, xây dựng các hệ thống cơ bản như hệ thống rađa phát hiện sớm, tàu tuần tra bờ biển; là tăng cường các hoạt động tập trận, tăng cường khả năng ứng phó đối với các mối đe dọa”.

Tiếp tục cuộc hội thảo chiều 20-6 (giờ Mỹ), các học giả cho rằng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc cùng giai đoạn chuyển giao lãnh đạo sắp tới là một nguyên nhân dẫn tới căng thẳng gần đây trên biển Đông.

Bà Bonnie Glaser, giám đốc của Freeman Chair China Studies thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của Mỹ (CSIS), cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đẩy các vấn đề xã hội chính trị nóng bỏng trong nước (như việc tiến hành chuyển giao thế hệ lãnh đạo, chủ nghĩa dân tộc gia tăng...) ra bên ngoài để làm giảm sức ép trong nước.

Quan điểm này cũng được giáo sư Carle Thayer của Học viện Quốc phòng Úc chia sẻ bên cạnh giả thuyết là hành động tùy tiện của chính quyền địa phương và cơn khát dầu mỏ cho sự phát triển của Trung Quốc.

Về việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 ngay trước và sau thềm hội nghị an ninh lớn ở Shangri-La, các học giả cho rằng chủ đích của Trung Quốc là để đo phản ứng của các nước, đặc biệt là Mỹ, đối với các động thái gây hấn của mình. Trên góc độ nào đó, Trung Quốc đã cảm thấy mình có khả năng thách thức trật tự mà Mỹ đang kiểm soát.

Ông Henry S. Bensurto, tổng thư ký Ủy ban các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines, cho rằng đã đến lúc Mỹ cần làm rõ hơn lập trường của mình.

“Dù Mỹ không nói sẽ không tuyên bố ủng hộ cụ thể chủ quyền của ai, Mỹ cần lên tiếng rõ quan điểm của mình về việc Trung Quốc dựa vào đáy biển để đòi chủ quyền. Không nên để sự lập lờ, thiếu rõ ràng như hiện tại”.

Trong khi đó ông Dino Patti Djalal, đại sứ Indonesia - nước chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cho rằng: “Bất cứ điều gì xảy ra đều ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến toàn bộ các nước khác trong ASEAN”. Cách giải quyết tốt nhất, theo ông, ASEAN phải tiếp tục xây dựng niềm tin. Đó cũng là một trong ba nhân tố cấu thành của Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) và tiến đến xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).

Theo ông Dino, COC hiện chỉ còn vướng một, hai điều và Indonesia sẽ cố thúc đẩy việc tiến tới ký kết COC. Việc ký COC sẽ giúp tình hình biển Đông diễn biến theo chiều hướng dễ nắm bắt và có thể kiểm soát được.

Nhật - Mỹ kêu gọi Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm

Các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao của Nhật Bản và Mỹ ngày 21-6 đã ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc hành xử một cách có trách nhiệm đối với sự ổn định tại khu vực và tuân theo các quy tắc quốc tế khi giải quyết các thách thức toàn cầu.

Đài truyền hình NHK (Nhật) cho biết trong tuyên bố chung sau cuộc họp 2+2 lần đầu tiên sau bốn năm ở Washington, các bộ trưởng hai nước nhìn nhận thực lực quân sự của Trung Quốc có thể gây mất ổn định an ninh khu vực, đồng thời cho rằng hai nước cần hạn chế Bắc Kinh trong việc theo đuổi các đòi hỏi chủ quyền của họ.

Tuyên bố cũng đề cập chi tiết hệ thống đánh chặn tên lửa mới mà Nhật Bản và Mỹ đang phát triển chung, khẳng định Mỹ sẽ chỉ bán hệ thống này cho đối tác thứ 3 với sự chấp thuận của Nhật Bản. Hai nước cũng nhất trí sẽ di chuyển căn cứ không quân Futenma về căn cứ mới tại thành phố Nago (thuộc tỉnh Okinawa) và sẽ chính thức hủy bỏ thời hạn chuyển lính Mỹ tại Okinawa đến Guam trước năm 2014.

K.L.

THANH TUẤN (tường thuật từ Washington DC, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên