17/06/2011 00:23 GMT+7

Hi Lạp trước nguy cơ vỡ nợ

DUY PHÚC
DUY PHÚC

TT - Thủ tướng Hi Lạp George Papandreou tuyên bố sẽ thành lập nội các mới và yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội, trước những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

74rWc2b1.jpgPhóng to

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Athens ngày 15-6 - Ảnh: Reuters

Hy Lạp: Biểu tình lớn, chính phủ xin từ chức

“Tôi sẽ thành lập chính phủ mới và ngay sau đó tôi sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm từ quốc hội” - ông Papandreou tuyên bố trên truyền hình ngày 15-6, tiếp sau một ngày biểu tình bạo động chống lại kế hoạch cắt giảm thêm chi tiêu và tăng thuế mới.

Theo Reuters, ông Papandreou lên nắm quyền hồi năm 2009, hiện chưa công bố nội các mới, nhưng giới quan sát cho rằng ông sẽ thay thế Bộ trưởng tài chính George Papaconstantinou, và việc bổ nhiệm ai vào chức vụ này phải được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) thông qua.

Trong khi đó, bất ổn chính trị xã hội ngày càng tăng khi hàng ngàn người biểu tình trên đường phố Athens và Thessaloniki tập trung trước quốc hội để phản đối chính phủ, còn thủ tướng và phe đối lập vẫn không thỏa thuận được về một chính phủ liên hiệp mới.

Các đảng phái đối lập đưa ra điều kiện ông Papandreou phải từ chức ngay lập tức trước khi có thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp. Mặc dù ông Papandreou đã nói với lãnh đạo đảng đối lập rằng nếu có sự thỏa hiệp, ông sẽ đồng ý với một chính phủ mà ông sẽ không làm thủ tướng. Giới quan sát cho rằng Hi Lạp chỉ thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện tại nếu có một cuộc bầu cử sớm.

Ông Papandreou tuyên bố cải cách nội các, đồng thời tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng của mình và gọi đây là “trách nhiệm quốc gia” của ông. Chính quyền ông Papandreou hiện đang tìm sự đồng thuận cho một chương trình thắt lưng buộc bụng năm năm, trong đó sẽ tăng thuế, cắt giảm chi tiêu 9,4 tỉ USD và bán tài sản nhà nước, để Hi Lạp có được khoản vay 160 tỉ USD kế tiếp của EU và IMF nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Chính phủ Hi Lạp hi vọng sẽ cắt giảm tổng cộng 28 tỉ euro (40,5 tỉ USD) trong khoảng thời gian từ năm 2012-2015. Các biện pháp tiết kiệm này là điều kiện cần thiết để nước này được trợ giúp tài chính của EU và IMF.

Theo Reuters, phẫn nộ trước các kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tỉ lệ thất nghiệp lên đến 16,2%, hàng chục ngàn người Hi Lạp đã tụ tập ở quảng trường Syntagma tại trung tâm Athens trong ba tuần qua để phản đối. Trong ngày 15-6, số người biểu tình lên tới khoảng 30.000 người, bao gồm các thành viên của hai liên đoàn lao động lớn nhất nước. Khoảng 1.500 cảnh sát được điều động giữ trật tự. Đã xảy ra những va chạm giữa cảnh sát và người biểu tình khiến 33 người bị thương và 12 người bị bắt giữ.

Trước đó, bộ trưởng tài chính các nước thành viên khu vực đồng euro đã không đạt được thỏa thuận về mức đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân trong gói giải cứu thứ hai dành cho Hi Lạp.

Trong hơn một năm qua, Hi Lạp đã nhận được phần lớn số tiền trong gói cứu trợ quốc tế trị giá 110 tỉ euro (khoảng 160 tỉ USD). Nhưng tình hình tài chính nước này vẫn không được cải thiện và nợ công hiện đã lên tới 450 tỉ USD. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu không được cấp thêm khoản vay khẩn cấp trong tháng 7 tới, Hi Lạp có thể bị vỡ nợ. Hi Lạp đã bị tổ chức đánh giá chỉ số tín nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm hồi đầu tuần xuống mức thấp nhất.

Theo Business Insider, giá cổ phiếu tụt mạnh ngày 16-6 trên thị trường châu Âu. Lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Hi Lạp và cuộc khủng hoảng đang có dấu hiệu lan rộng ở khối đồng euro khiến giới đầu tư né tránh các loại tài sản có nguy cơ cao. Trong phiên giao dịch buổi sáng chỉ số EURO STOXX 50 mất 1,05%, CAC 40 của Pháp tụt 1,25%, trong khi chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,9%.

DUY PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên