01/06/2011 08:08 GMT+7

Tấn công mạng là hành vi gây chiến

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố các vụ tấn công, phá hoại mạng Internet của một quốc gia khác bị coi là hành vi gây chiến. Kết luận này mở đường cho Washington có thể sử dụng vũ lực để đáp trả các cuộc tấn công tin tặc.

3m9kcoY6.jpgPhóng to

Trong một trung tâm an ninh mạng của không quân Mỹ ở Colorado - Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Street Journal, chiến lược không gian mạng đầu tiên của Lầu Năm Góc nhằm đối phó với mối nguy cơ ngày càng lớn từ không gian mạng. Một tin tặc có khả năng đe dọa các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ, hệ thống tàu điện ngầm hay đường ống dẫn dầu không khác gì quân đội của một quốc gia thù địch. Xác định như thế, Lầu Năm Góc muốn đưa ra một lời cảnh báo rõ ràng về hậu quả nghiêm trọng của hành động tấn công qua mạng đối với nước Mỹ.

“Nếu một kẻ thù làm tê liệt hệ thống điện của Mỹ, chúng tôi có thể sẽ bắn một quả tên lửa vào ống khói nhà hắn” - Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Chiến lược này đang dấy lên nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, Washington sẽ xác định nguồn gốc của các vụ tấn công trên mạng như thế nào và xác định một vụ tấn công tin tặc nghiêm trọng đến mức nào thì bị xem là hành vi gây chiến? Quan chức Lầu Năm Góc khẳng định các vụ tấn công tin tặc phức tạp, như làm tê liệt hệ thống điện, đòi hỏi nguồn lực của cả một quốc gia. Vũ khí ảo để thực hiện một cuộc tấn công công nghệ quy mô lớn như vậy chắc phải do một nhà nước phát triển.

Tuy nhiên, xác định nguồn gốc vụ tấn công không phải là điều dễ dàng. Trong cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008, một vụ tấn công trên mạng đã làm tê liệt trang web của chính quyền Gruzia. Kết quả khảo sát sau đó của NATO cho thấy sẽ rất khó để áp dụng luật chiến tranh vào trường hợp này, bởi không rõ kẻ tấn công cũng như tác động của vụ tấn công đối với Gruzia.

Chính quyền Gruzia cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ tấn công, nhưng phía Matxcơva lại phủ nhận. Vụ virut Stuxnet phá hoại máy ly tâm nguyên tử của Iran cũng là một ví dụ. Một số chuyên gia nghi ngờ Israel, với sự hỗ trợ của Mỹ, đã sử dụng virut này để tấn công chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng chưa ai có thể kiểm chứng nghi ngờ này.

Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia James Lewis, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế và là tư vấn cho chính quyền Obama, tiết lộ các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đang thảo luận vấn đề đánh giá mức độ thiệt hại của các vụ tấn công trên mạng để trả đũa bằng vũ lực. Theo chuyên gia Lewis, một vụ tấn công trên mạng gây thiệt hại cho thương mại tương đương với một vụ vây hãm trên biển có thể bị Washington coi là hành vi gây chiến. Các yếu tố khác bao gồm việc gây ra chết người, gây thiệt hại hạ tầng hoặc gây đứt quãng hệ thống mạng.

Năm 2008, hệ thống mạng của Lầu Năm Góc từng bị xâm nhập. Khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc vụ tấn công có nguồn gốc từ Nga, nhưng phía Nga đã phủ nhận cáo buộc trên. Mới đây, tin tặc tấn công hệ thống mạng của Hãng Lockheed Martin và hàng loạt nhà thầu quân sự khác của Mỹ.

Trong thời gian qua, tin tặc cũng tấn công hệ thống mạng của chính quyền các nước Pháp, Úc, Canada... và các công ty dầu khí, tập đoàn công nghệ Mỹ. Chính quyền một số nước và các công ty an ninh mạng nghi ngờ tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Báo cáo năm 2009 của Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung khẳng định quân đội Trung Quốc hiện có một đạo quân tin tặc.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên