30/05/2011 07:41 GMT+7

Nga nhảy vào Libya, vì sao?

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Thay vì tiếp tục “ngồi bên bờ rào” nhìn Libya chống trả các cuộc không kích ngày càng dữ dội của NATO gần ba tháng qua, Nga đã chính thức đứng sang phía liên quân quốc tế Anh và Pháp, sau khi Tổng thống Medvedev tuyên bố “thế giới không còn xem ông Gaddafi là nhà lãnh đạo Libya nữa" tại hội nghị G8 ở Deauville, Pháp.

2h5cbchm.jpgPhóng to
Thi thể bé Mohsin Ali Sheikh, một tuổi rưỡi, chuẩn bị được đưa đi chôn cất ở Misrata ngày 27-5. Em thiệt mạng trong cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và phe ủng hộ ông Gaddafi - Ảnh: AFP

Nga là nước cho đến nay vẫn từ chối ủng hộ Mỹ và Pháp đòi ông Gaddafi phải ra đi, là nước ngay từ đầu đã bỏ phiếu trắng chống lại nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép liên minh quốc tế không kích Libya.

Tổng thống Nga Medvedev đã ký tuyên bố chung G8 khẳng định nhà lãnh đạo Gaddafi “đã mất hết tính hợp pháp”, và Nga sẵn sàng làm “trung gian” trong cuộc xung đột này cũng như sẽ lập tức gửi đặc sứ đến Benghazi, cứ điểm của phe nổi dậy ở phía đông Libya.

Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (CNT) của phe nổi dậy ở Libya, ông Mustapha Abdeljalil, tuyên bố hoan nghênh lập trường của Nga, nhưng nhấn mạnh vai trò của Nga trong các vấn đề quốc tế cần phải được diễn ra trong “một lợi ích hỗ tương và tôn trọng chung”.

Tờ The Australian bình luận động thái của Nga đã khiến cả Phố Downing và Nhà Trắng vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên, sau một thời gian Nga giữ quan điểm miễn cưỡng để cuộc không kích diễn ra và vẫn chỉ trích quyết định tấn công Libya của NATO là vượt quá thẩm quyền.

Sự thay đổi của Nga - nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - chắc chắn là một nỗi thất vọng lớn cho chính quyền Gaddafi vì mới trước đó hai ngày, hôm 27-5, tại Tripoli, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaim không tin Nga sẽ thay đổi quan điểm về Libya mà bước chân sang phía NATO.

“Chúng tôi không nghĩ Nga sẽ đu dây sang phía NATO” - ông Kaim tuyên bố và cho biết sẽ liên lạc với Nga để nghe rõ ràng hơn về quan điểm của Nga. Ông Kaim tỏ ra “bất cần” khi tuyên bố: “G8 là một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế. Những quyết định của nó chẳng ăn nhập gì đến chúng tôi”. Đồng thời ông tuyên bố bác bỏ vai trò trung gian của Nga, khẳng định rõ là Tripoli không chấp nhận bất cứ trung gian hòa giải nào bên ngoài kế hoạch hòa bình của Liên minh châu Phi (AU).

Vì sao Nga lại thay đổi quan điểm bất ngờ như vậy? Nga có mối quan hệ thương mại khổng lồ với Libya, đặc biệt là về vũ khí. Chỉ riêng giá trị vũ khí Nga bán cho Libya đã khoảng 4 tỉ USD. Nhưng gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy Nga bắt đầu đặt cửa vào lực lượng nổi dậy Libya khi tính toán tới lợi ích của mình trong bối cảnh NATO đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch không kích ở Libya.

Tại Deauville, Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa kêu gọi sự ra đi của ông Gaddafi và lưu ý liên minh quốc tế “sắp kết thúc nhiệm vụ” tại Libya. Thủ tướng Anh D. Cameron cũng tuyên bố các chiến dịch của NATO tại Libya đã bước vào “một giai đoạn mới”. Và việc Paris, London đang gửi đến Libya các loại trực thăng chiến đấu có khả năng nhắm mục tiêu chính xác hơn trong môi trường đô thị là dấu hiệu cho thấy quyết tâm thúc đẩy nhanh các chiến dịch quân sự tiếp cận hơn với mặt đất.

Truyền thông Nga cho biết để có được cái gật đầu của Nga thì phương Tây đã phải đưa ra một loạt sáng kiến theo kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”. Mỹ hứa sẽ hỗ trợ cho việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm nay. Pháp ký thỏa thuận bán cho Nga bốn chiếc tàu đổ bộ Mistral của hải quân Pháp sớm trước hai năm, một thỏa thuận mua sắm vũ khí từ nước ngoài lớn nhất của Nga để hiện đại hóa quân đội kể từ khi Liên Xô tan vỡ.

Học giả Vladimir Isayev ở Matxcơva nói với Đài Tiếng nói nước Nga sở dĩ G8 để Nga làm trung gian vì Nga là nước duy nhất trong nhóm mà hình ảnh chính trị chưa bị tổn hại kể từ cuộc xung đột ở Libya, và như vậy dễ lôi kéo ông Gaddafi ngồi vào bàn đàm phán hơn so với những nước mà ông ta gọi là “những kẻ giết đồng bào mình”. Nhưng ông Vladimir Isayev cảnh báo với sứ mệnh trung gian, Nga cũng đang đánh cược hình ảnh của mình.

Trong khi đó, Mikhail V. Margelov, đặc sứ của Nga tại Trung Đông và châu Phi, đã được lệnh tới căn cứ của lực lượng nổi dậy ở Benghazi, và đưa hai nước Qatar, Saudi Arabia vào danh sách các nước có thể cho ông Gaddafi tị nạn. “G8 đã đưa ra nhiều khả năng cho tương lai của ông Gaddafi, từ cuộc sống yên tĩnh giản dị trên sa mạc Libya, hay như số phận của Milosevic ở Tòa án The Hague”.

Nga có được vai trò trung gian, như ông Margelov nhìn nhận, là vì lính Nga chưa bao giờ chiến đấu chống lại các nước châu Phi và người châu Phi. Hiện Nga vẫn còn sứ quán ở Tripoli và duy trì quan hệ với lực lượng thân cận nhất của ông Gaddafi trong khi phát triển quan hệ với lực lượng nổi dậy.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên