Phóng to |
Lực lượng nổi dậy ở Ajdabiya - Ảnh: AFP |
“Nếu Chúa tách nước Mỹ ra khỏi NATO và bỏ nước Mỹ lên sao Hỏa khiến chúng ta không thể tham gia được, thì NATO và phần còn lại của thế giới vẫn có thể đối phó với Libya”, Financial Times dẫn lời ông Biden.
Washington đã hợp tác trong các chiến dịch không kích Libya của liên quân sau nghị quyết của Hội đồng bảo an nhưng chuyển giao quyền chỉ huy cho NATO vào đầu tháng 4. Ông Biden cũng cho rằng Washington phải quyết định xem có nên phân tán nguồn lực “đang tập trung vào Iran, Ai Cập, CHDCND Triều Tiên, Afghanistan và Pakistan”, hay là chú ý nhiều hơn đến Libya. “Chúng ta không thể ôm đồm tất cả”, ông nói.
Trên chiến trường, Telegraph đưa tin ít nhất 10 sĩ quan cao cấp của quân đội Anh đã được cử đến Benghazi, có thể là những binh sĩ nước ngoài đầu tiên có mặt tại Libya, để hỗ trợ quân nổi dậy.
Thủ tướng Anh David Cameron nói những người này có nhiệm vụ “tư vấn và liên lạc về quân sự” và đây không phải là dấu hiệu cho thấy Anh sẽ can thiệp trên bộ, nhưng các nghệ sĩ từ nhiều đảng phái trong nước đã lập tức lên tiếng bày tỏ quan ngại khả năng Anh sẽ bị lôi kéo vào cuộc nội chiến.
Lực lượng nổi dậy ở thành phố Misurata tối 19-4 đã lên tiếng hối thúc Anh, Pháp đẩy mạnh hơn các nỗ lực triển khai các lực lượng chiến đấu chống lại quân đội chính phủ. William Hague, bộ trưởng ngoại giao Anh, nói các cố vấn quân sự này sẽ hướng dẫn quân nổi dậy “cải thiện các cấu trúc quân sự, liên lạc và hậu cần” và được nghiêm lệnh không được tham gia các chiến dịch trên bộ.
Pháp cũng đã triển khai cố vấn quân sự tới Libya, một số nghị sĩ thậm chí còn đề xuất đưa quân Pháp vào đất nước Bắc Phi này nhưng Ngoại trưởng Alain Juppe nói ông “hoàn toàn ác cảm” với ý tưởng đó. Reuters dẫn lời ông Juppe thừa nhận tình hình tại Libya hiện giờ “khó khăn” và “hỗn loạn” sau một tháng can thiệp của lực lượng liên quân. Juppe bình luận phương Tây đã đánh giá thấp khả năng chống trả của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.
Quân đội chính phủ Libya đang tiến hành các chiến dịch khôn ngoan đối phó với các đợt không kích, bao gồm chuyển sang sử dụng các loại phương tiện vận tải quân sự nhẹ, đi nhanh thay vì xe tăng và vũ khí hạng nặng dễ trở thành mục tiêu không kích.
“Tôi hoàn toàn phản đối ý tưởng triển khai bộ binh”, ông Juppe nói với các phóng viên, đồng thời nhắc lại nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không cho phép điều đó. Dự kiến hôm nay, 20-4, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ gặp người đứng đầu lực lượng đối lập Libya Mustafa Abdel Jalil ở Paris để thảo luận về khả năng chuyển sang một giải pháp chính trị.
Ông Juppe nói giải pháp chính trị đòi hỏi một lệnh ngừng bắn phải được bảo đảm và các lãnh đạo lực lượng nổi dậy ngồi lại với các quan chức chính phủ.
Tình hình giằng co đã dẫn đến những chuyển biến khác trong phản ứng của các nước. Ngày 19-4, Nga khẳng định các nỗ lực tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi của liên quân là vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. “Hội đồng bảo an không bao giờ có ý định lật đổ chế độ ở Libya - Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - Tất cả những ai sử dụng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho mục tiêu đó đang vi phạm sự ủy quyền của Liên Hiệp Quốc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận