13/04/2011 08:02 GMT+7

Bờ Biển Ngà: Kết thúc cuộc tranh giành quyền lực

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn bốn tháng qua của Bờ Biển Ngà đã đi đến hồi kết sau khi tổng thống thất cử, song không chịu mãn nhiệm, Laurent Gbagbo cùng gia đình bị lôi khỏi nơi trú ẩn trong dinh tổng thống tại Abidjan hôm 11-4.

Read this on Tuoitrenews.vn

xJeYjZJx.jpgPhóng to

Người thân tổng thống thất cử Laurent Gbagbo tập trung trong một phòng thuộc khách sạn Golf tại Abidjan ngày 11-4 - Ảnh: AFP

Tại thủ phủ thương mại Abidjan, sáng ngày thứ 10 của cuộc tấn công, hơn 30 xe bọc thép của Pháp đã lăn bánh và bắn vào khu vực dinh tổng thống cùng sự tham gia của lực lượng ủng hộ tổng thống đắc cử Alassane Ouattara.

Nhờ sự hỗ trợ của quân Pháp, binh lính của ông Ouattara đã nhanh chóng vào được bên trong dinh tổng thống sau khi đã tấn công liên tục trong tuần trước mà không chọc thủng được hàng rào cố thủ bên trong tòa nhà. “Gbagbo cố tẩu thoát ra hồ nước song trực thăng Pháp đã cắt đứt mọi đường trốn và buộc ông ta phải quay trở về tòa nhà - Yaya Toure, thuộc lực lượng ông Ouattara, mô tả - Sau đó chúng tôi đã vào và bắt ông ta, chúng tôi chứ không phải người da trắng (Pháp)”. “Khi chúng tôi tìm thấy và đối mặt với Gbagbo, điều đầu tiên ông ta nói là: Đừng giết tôi” - một nhân chứng khác nói. “Cựu tổng thống Laurent Gbagbo đã rơi vào tay lực lượng Dân chủ Bờ Biển Ngà của ông Ouattara vào khoảng 3g” - đại tá Thierry Burkhard, người phát ngôn của bộ tham mưu quân Pháp, xác nhận.

Ông Gbagbo cùng vợ, con trai và khoảng 50 người thân cận sau đó bị áp giải bí mật đến khách sạn Golf, nơi đặt trụ sở của ông Ouattara. Một binh lính thừa nhận ông Gbagbo có bị tát vào mặt nhưng không bị thương.

Ngay sau đó, hình ảnh kẻ thua trận được phát trên kênh truyền hình TCI với vẻ mặt thất thần và mệt mỏi, đang lau mặt bằng một chiếc khăn trắng do con trai Michel đưa cho, sau đó khoác một chiếc áo sơmi in hoa màu xanh lá cây do người ta đưa cho. Còn vợ ông xuất hiện qua hàng loạt hình ảnh rời rạc với tóc buông xõa và được nhiều người dìu đi. Liên Hiệp Quốc cho biết ông Gbagbo sẽ được chuyển đến một nơi bí mật tại miền bắc.

Còn lại gì sau cuộc nội chiến?

Tổng thống đắc cử Ouattara đã lên truyền hình vào tối 12-4 kêu gọi các tay súng ủng hộ ông Gbagbo đầu hàng. “Đất nước chúng ta đã lật qua một trang sử đau đớn” - ông nói. Ông cũng cam kết thành lập một ủy ban hòa giải và sự thật để điều tra các cáo buộc liên quan đến thảm sát thường dân trong cuộc chiến.

Thế nhưng, sau cuộc đấu súng kết thúc, thời gian trước mắt như không ủng hộ ông Ouattara trước “một đất nước bị cô lập về ngoại giao, bị bóp nghẹt về kinh tế”, như một tờ báo Pháp mô tả.

Nhiệm vụ trước mắt của ông Ouattara sẽ thật khó khăn khi phải hàn gắn một dân tộc bị chia rẽ nặng nề sau nội chiến. “Ông ấy sẽ phải giải quyết căng thẳng trong nước, xoa dịu cử tri của ông Gbagbo (chiếm 46% trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11-2010) và giải quyết mâu thuẫn sau cuộc bầu cử” - Mark Shroeder, một nhà phân tích chính trị thuộc Tổ chức Strafor, nhận định.

Một câu hỏi hiện nay là giải quyết số phận của ông Gbagbo như thế nào, điều mà tờ Time mô tả là “một sự lựa chọn giữa công lý và hòa bình”. Ông Ouattara cho biết sẽ đưa cựu đối thủ ra trước công lý, trong khi nhiều người hi vọng đưa ông này ra Tòa án hình sự quốc tế. Tuy nhiên ngược lại, sự khoan dung sẽ giúp thúc đẩy sự hòa giải và hàn gắn quốc gia.

Bên cạnh đó, nội chiến cũng để lại một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Hơn 1.000 người được báo cáo đã thiệt mạng và 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó riêng tại Liberia là gần 100.000 người. Nhiều vụ thảm sát người vô tội được Liên Hiệp Quốc phát hiện ở phía tây nước này với hàng trăm nạn nhân. “Và cuộc khủng hoảng này vẫn chưa kết thúc” - Alain Le Roy, một lãnh đạo thuộc Liên Hiệp Quốc, nhận định.

Cuộc chiến ở Bờ Biển Ngà đã kết thúc. Kẻ thua, người thắng về quân sự đã rõ. Thế nhưng, “kẻ thua” lớn nhất chính là nhân dân nước này.

Lẽ ra 20 triệu người dân Bờ Biển Ngà, vốn sống dựa vào cây cacao, đã không phải ôm cacao mà khóc vì lệnh cấm xuất khẩu cacao của người mà từ nay sẽ lãnh đạo đất nước này là ông Ouattara. Nhà kinh tế từng giữ chức phụ tá tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từng là thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước Tây Phi (BCEAO) này đã ra lệnh cấm xuất khẩu cacao nhằm khóa nguồn thu nhập của đối thủ Gbagbo vốn nắm hết việc thu mua, buôn bán, xuất khẩu cacao! “Bóp cổ” được Gbagbo hay không chưa thấy, mới chỉ thấy 20 triệu dân xứ mình đói lép bụng, như Liên Hiệp Quốc đã thấy và báo động tuần rồi!

Lịch sử đã lặp lại. Năm 2000, ông Gbagbo bị thủ lĩnh cuộc đảo chính năm 1999 là tướng Gúei trở thành ứng cử viên đối lập duy nhất sau khi đã loại bỏ các ứng cử viên khác, trong đó có cả ông Ouattara hiện nay. Và kết quả là tướng Gúei trúng cử trước một Gbagbo “yếu cơ” hơn cả. Lại nổi dậy lật đổ và ông Gbagbo lên làm tổng thống thay thế. Ông Gbagbo lại “sao y bản chính” của tướng Gúei, khi ép ông Ouattara, không chịu tổ chức bầu cử, cho đến khi lĩnh đến chín nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong chín năm qua!

Cả ông Gbagbo lẫn ông Ouattara đều là trí thức khoa bảng tột cùng từ những năm 1970. Một ông là tiến sĩ ở Pháp, một ông là tiến sĩ ở Mỹ! Đúng là khoa bảng mà không có lương thiện chính trị, “không lương tâm thì chỉ là tai họa” cho dân. Một ông ăn trên đầu trên cổ dân chúng từ hơn chục năm qua khi nắm hết ngành cacao. Còn một ông đem 20 triệu dân và xuất khẩu cacao ra làm vũ khí chống đối thủ! Không rõ tiến sĩ sử học Gbagbo đã học được gì từ lịch sử khi lại tạo cớ cho Pháp quay trở lại Bờ Biển Ngà từ năm 2002! Không rõ tiến sĩ kinh tế Mỹ học bài “trừng phạt kinh tế” như thế nào mà lại quên ông đang siết cổ dân nước mình!

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên