21/03/2011 07:09 GMT+7

Thành phố tị nạn

LAN PHƯƠNG (từ Kita Ibaraki)
LAN PHƯƠNG (từ Kita Ibaraki)

TT - Đó là tên mà người Nhật gọi thành phố Kita Ibaraki sau sóng thần. Nằm cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 80km về phía nam, Kita Ibaraki đã đón hàng vạn người tìm chỗ trú ẩn sau cơn sóng thần và cả những đe dọa từ thảm họa hạt nhân.

Nl0yoJRA.jpgPhóng to
Tàu thuyền bị hất tung lật úp trên bờ cảng Oosu
U2A4tPQu.jpgPhóng to
Trại tị nạn trong một trường tiểu học ở Kita Ibaraki, những người còn ở lại đây đều bị mất nhà - Ảnh: LAN PHƯƠNG

Tại Trung tâm đối phó thảm họa Kita Ibaraki, 300 nhân viên và hơn 100 người tình nguyện vẫn tất bật với công việc giúp đỡ người địa phương và người tị nạn từ các thành phố khác đổ về. Đỉnh điểm có lúc Kita Ibaraki đón đến 5.000 người từ Sendai, Miyagi và Fukushima về.

Cả thành phố đón người tị nạn

Ông Kanaza Toshiyaki, giám đốc trung tâm, quỳ xuống bàn nghe điện thoại trong khi vẫn đeo khẩu trang và ủng. Đôi mắt đỏ hằn lên vì không ngủ, ông vẫn tỉnh táo tường thuật mọi việc: “Ngày đầu tiên chúng tôi đón 5.000 người, hôm nay một số đã tự về nhà, số khác đã được người thân ở các tỉnh lân cận đến đón về tá túc. Nhiều người đang ở đây đều đã mất hết nhà cửa, không còn nơi để về”.

Kita Ibaraki là khu vực phía bắc tỉnh Ibaraki, trở thành nơi hàng ngàn người gặp thảm họa ở miền Tohoku về lánh nạn.

Lúc cao điểm nhất, thành phố này có 14 trại tị nạn với hơn 5.000 người.

Hiện nay mọi người đang dần trở về nhà hoặc đến các trại tị nạn khác ở phía nam và phía tây vì điều kiện sẽ đầy đủ hơn tại Kita Ibaraki.

Lượng người khổng lồ đột ngột đổ về thành phố cảng này đã làm các vấn đề như thực phẩm, nước, xăng dầu, chỗ ở trở nên nan giải thật sự. Trung tâm đối phó thảm họa đã trở thành bếp nấu ăn và cả kho hàng.

Trong suốt hai ngày đầu sau sóng thần, hàng chục phụ nữ tình nguyện và cả nhân viên của trung tâm đã dùng tay để nắm cơm. Họ đã làm ra hơn 3 vạn nắm cơm để người bị nạn có được bữa ăn đủ no khi bơ vơ chốn xa nhà.

Bà phó thị trưởng thành phố Kita Ibaraki kể: “Thành phố của chúng tôi cũng bị sóng thần phá hủy nặng. Nhưng người ta đã đến thì chúng tôi không thể ngoảnh mặt, vì thế đã mở thêm hai trại nữa cho người đi lánh nạn. Dù sao chúng ta cũng là con người mà, Fukushima hay Kita Ibaraki đâu có gì khác nhau”.

Khi làn sóng tị nạn tập trung về Kita Ibaraki nhiều nhất, cả thành phố này có đến 14 trại tị nạn, được mở ra khẩn cấp tại các trường học, nhà tập thể thao và các nhà sinh hoạt cộng đồng.

Tại một ngôi trường tiểu học, các phòng học lớn đã được trưng dụng làm phòng ngủ cho những gia đình đến từ Sendai. Nhiều chăn màn đã được gấp gọn khi mọi người dời đi. Những người còn lại trong phòng vẫn ngồi lặng lẽ trong chăn giữa cái lạnh giá buốt của ngày xuân. Cuộc sống của họ không biết sẽ bắt đầu lại từ đâu khi tổ ấm và những ngày tháng bình an đã bị hủy hoại vì một trận sóng thần trong chớp mắt.

Một người đàn ông lo lắng: “Mọi người đến đây ai cũng hỏi họ gặp thảm họa thế nào. Cứ mỗi lần nói, hình ảnh ngôi nhà lại hiện về trong tâm trí họ lại thêm đau buồn. Họ lại khóc”.

Ông quay lưng đi giấu ánh mắt buồn rười rượi nhìn ra sân trường đầy những cành cây khẳng khiu chưa kịp có chồi non.

Ngày đầu tiên ngôi trường đón đến hơn 500 người. Bà Kubota Mieko, đầu bếp quán xuyến bữa ăn ở trại cùng 12 phụ nữ khác, cho biết: “Các siêu thị, khách sạn, nhà hàng tự đem đồ ăn đến tặng chúng tôi”.

Hai ngày sau đó, chính người dân sống xung quanh trường, dù biết cả thành phố đang cực kỳ khan hiếm thực phẩm, vẫn tự chia sẻ bớt đồ ăn của nhà mình cho bếp nấu ở trường. Những phụ nữ nấu bếp vẫn hay nhắc về một cô gái trẻ ở tận Tokyo đánh xe đến Nagoya để mua đầy xe thức ăn rồi chạy ngược lên Kita Ibaraki tặng những người đang phải lánh nạn xa nhà ở đây.

Những nỗi buồn sau lưng...

Cảng cá Oodu nằm phía trong ba lớp đê chắn sóng bọc lấy khu vực dân cư đã không chịu nổi áp lực của trận sóng thần chiều 11-3. Ba con tàu khổng lồ nằm ngổn ngang trên bờ cảng cá. Các ngư dân đã bắt đầu tập hợp ra cảng để dọn dẹp toàn bộ những khu vực bị phá hủy. Từng chiếc cẩu lớn gỡ nhẹ những đống lưới đánh cá khổng lồ quấn vào nhau khi bị sóng lớn dồn tới đập lui trong cơn sóng thần.

1 tỉ 179 triệu đồng

Đó là số tiền của hơn 1.000 lượt bạn đọc đã chuyển khoản hoặc đến báo Tuổi Trẻ đóng góp cứu trợ nhân dân Nhật Bản tính đến 17g ngày 20-3.

Ông Okada Yoshiharu - 40 tuổi, ngư dân ở cảng - cho biết: “Ngày sóng thần tới, tôi đang ngồi đan lưới ngay bờ cảng này. Mặt đất ngay dưới chân tôi nứt ra, rung lắc cực mạnh. Tôi chạy nhanh về phía núi, và khi chỉ vừa đến một chỗ hơi cao, tôi đã thấy sóng thần vượt qua cả ba lớp đê chắn sóng. Trong chốc lát, nước biển ngay cảng rút cạn xuống đáy. Một con sóng khổng lồ dâng lên”.

Toàn bộ công ty mà ông Okada làm việc đã bị phá hủy, ngư dân không biết phải làm gì khi tàu thuyền và nhà xưởng đã tan hoang.

Từ những trại tránh nạn trên đỉnh núi, hằng ngày họ tự tập họp nhau về cảng cùng với lực lượng của chính phủ dọn dẹp bờ biển. Không ai nói gì, một sự lặng im trùm lên, những nhóm người cần mẫn gỡ từng khối lưới khổng lồ khi cần cẩu kéo lên cao. Họ phải làm thật nhanh để bù lại những ngày đã mất và sắp mất kế tiếp khi những chiếc tàu đánh cá chưa thể ra khơi.

Ngay phía sau các cơ quan của cảng cá Oodu, hàng trăm nhà dân ở ba dãy phố sau đó đều chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Sumiya cho biết: “Nhà tôi ở tầng 1 hỏng hết đồ đạc phía trong rồi. Hôm sóng thần xảy ra, một cái máy to cỡ một chiếc container bị ném văng thẳng vào nhà. Tầng 1 không còn gì. Tôi và cha mẹ đang dọn dẹp lại. Cũng may tầng 2 không bị nặng lắm nên tôi vẫn tự nấu ăn cho cha mẹ được. Nhà bên cạnh chúng tôi mới khổ”.

Nói rồi ông Sumiya chỉ vào ngôi nhà hai tầng mới tinh nằm ở dãy trước hướng thẳng ra biển. Người chủ nhà ngồi lặng đi bên chiếc cưa máy. Cả ngôi nhà mới tinh của ông dường như chỉ còn cái khung bốn bức vách vì chịu trực tiếp sóng thần đánh vào và nước dâng hết lầu 1. Giữa buổi trưa lạnh buốt, ông mặc đồ bảo hộ lao động ngồi ôm chiếc cưa nhìn đống phế liệu vừa chất lên xe tải chuẩn bị đem đổ, gương mặt ông thẫn thờ và câm lặng.

Ở khắp Kita Ibaraki này, người ta vẫn tiếp tục lo lắng cho những người tị nạn từ phương xa đổ tới, lo từ miếng ăn, cái chăn đắp ấm và lo cả cho những gánh nặng đang ập tới gia đình mình khi thảm họa rút khỏi bờ biển quê hương chỉ trong chớp nhoáng.

Khi chúng tôi kể câu chuyện này, bà đầu bếp Kubota Mieko đã nhắc rằng họ vẫn sẽ nấu thêm 200 phần ăn nữa, ngay cả khi những người tị nạn đã trở về gia đình họ, để đem đến bến cảng mời những bác ngư dân và người dọn dẹp nhà ăn.

Thêm bài học về sự sẻ chia

Dù là chủ nhật nhưng hôm qua (20-3), phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ vẫn có nhiều bạn đọc đến ủng hộ các nạn nhân động đất - sóng thần ở Nhật Bản. 10g sáng, cô bé Nhật Lan, học sinh lớp 5, mặc đồng phục, bước vào phòng tiếp bạn đọc.

Bé nói: “Khi nghe cô giáo kể về những bạn nhỏ ở Nhật Bản bị động đất và sóng thần không đi học được, về nhà con đề nghị với bố mẹ “mổ heo” ủng hộ các bạn”.

“Thấy con nhận thức và chia sẻ với những mất mát của nước Nhật, anh chị ủng hộ liền” - chị Xuân, mẹ bé Lan, bày tỏ.

Với cô bé Ni Ni mới 3 tuổi, nhà ở quận Tân Phú, có thể bé chưa hiểu hết câu chuyện về động đất - sóng thần. Nhưng theo anh Châu Quốc Đạt, cha bé Ni: “Mặc dù ở nhà thuê, làm thợ hồ nhưng lúc này hoàn cảnh của tôi còn đỡ khốn khó hơn nhiều người ở Nhật nên chia sẻ được một phần nhỏ thôi cũng thấy ấm lòng”.

Và quan trọng hơn, từ đây, ký ức về sự sẻ chia, đồng cảm sẽ được nuôi nấng trong tâm hồn con gái anh.

Bà Dương Cẩm Hường từ Tiền Giang đến TP.HCM phụ giúp việc nhà cho người nước ngoài. Nhiều năm làm thuê và những trắc trở của cuộc sống giúp bà hiểu tình cảnh của người dân Nhật lúc này. Vì thế bà vội vàng đến tòa soạn, chỉ mong số tiền nhỏ nhoi (300.000 đồng) của mình đến được tay người Nhật.

Bà Vân (nhà ở quận 10) nói: “Nhà tôi có ba người, mỗi dịp thiên tai hay lũ lụt ở đâu, gia đình cũng đồng tâm san sẻ”. Bởi với bà, cuộc đời biết đâu cũng có lúc mình rơi vào khốn khó, chính lúc ấy sự san sẻ dù ít nhiều sẽ trở nên đáng quý vô cùng.

Ở vùng đất vừa trải qua cơn sóng thần, câu chuyện “cậu bé và gói lương khô” như một biểu tượng sâu đậm về tinh thần và con người Nhật Bản. Còn ở đây, câu chuyện về sự san sẻ và yêu thương lại vẽ nên hình ảnh về tinh thần và con người Việt Nam.

Bạn đọc đóng góp vui lòng liên hệ trụ sở báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ĐT: (08) 39971010 - 0918033133.Phòng phát hành báo Tuổi Trẻ (157A Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TP.HCM), chi nhánh phòng quảng cáo báo Tuổi Trẻ (1035A Trần Hưng Đạo, P.5, Q.5, TP.HCM) và văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.

Những bạn đọc ở xa muốn đóng góp ủng hộ, xin chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản tiền Việt:102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.

Tài khoản USD:007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

Tài khoản euro:007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

LAN PHƯƠNG (từ Kita Ibaraki)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên