20/10/2010 07:36 GMT+7

Tập Cận Bình - một chân dung chính trị

(báo The Guardian dẫn lại)
(báo The Guardian dẫn lại)

TT - Chỉ trong vòng 17 năm, ông Tập Cận Bình đã bước vào vũ đài chính trị của Trung Quốc, mà như báo giới đánh giá, con người này sinh ra để làm lãnh đạo, khi thế hệ lãnh đạo thứ tư của nước này rút lui vào năm 2013.

Vhq50xaL.jpgPhóng to
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình vẫy tay chào khi bước xuống sân bay quốc tế Haneda, Nhật Bản ngày 14-12-2009 - Ảnh: AFP

Đúng như dự đoán của các chuyên gia và quan sát tại Trung Quốc cũng như ở ngoài nước, ngày 18-10 trong phiên bế mạc Hội nghị trung ương V khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã được chọn vào vị trí phó chủ tịch Quân ủy trung ương, một bước đệm cho con đường kế vị ông Hồ Cẩm Đào, lần lượt là tổng bí thư Đảng vào năm 2012 và chủ tịch nước vào năm 2013.

Ở tuổi 57, ông Tập Cận Bình đã đạt được mốc cực kỳ quan trọng trong cuộc đời chính trị của mình sau khi lần lượt được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị năm 2007, bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng kiêm hiệu trưởng Trường Đảng trung ương, phó chủ tịch nước một năm sau (2008).

Là người tỉnh Thiểm Tây, ông Tập Cận Bình, như báo chí nước ngoài mô tả, có phong cách chính trị kín đáo nhưng đôi khi thẳng thắn. Đầu năm nay, ông đã than phiền các diễn văn và bài viết của nhiều quan chức cao cấp còn đầy rẫy đặc ngữ trong đảng và khuyến cáo họ nên diễn đạt một cách đơn giản, dễ hiểu hơn. Thời gian làm hiệu trưởng Trường Đảng, ông Tập Cận Bình cũng đề ra quy định buộc các học viên Trường Đảng phải hành văn chân thực, ngắn gọn và không được dông dài trong khi báo cáo trước dân.

Trong chuyến thăm Mexico năm 2009, ông đã cười nhạo những người nước ngoài chỉ thích chỉ trích những cái xấu của Trung Quốc. “Bọn người nước ngoài bụng phệ và vô công rỗi nghề cứ khoái trá chỉ trỏ dạy chúng ta - ông nói - Này nhé! Một là Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; hai là Trung Quốc không xuất khẩu nạn đói hay nghèo đói và ba là Trung Quốc không can thiệp vào công việc của các ông. Còn gì nói thêm nữa không?”.

Ông Tập Cận Bình là con trai của nhà lãnh đạo Tập Trọng Huân, cựu phó thủ tướng và phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, nên ông trở thành “hoàng tử đỏ”, nghĩa là một trong những người thành công trong thế hệ con cháu các nhà cách mạng lão thành.

Giới quan sát nước ngoài nhận định “con đường chính trị của ông tiến khá nhanh do ông là một trong số ít người được cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu chủ tịch Giang Trạch Dân ủng hộ, đồng thời là người cứng rắn theo tinh thần Đại Hán Trung Hoa”.

“Không ai biết được ông Tập Cận Bình đang ủng hộ cái gì và phản đối điều gì. Quan điểm của ông trong các chính sách thường không rõ ràng và ông ấy không bao giờ công khai ý kiến của mình”.

Nhà phân tích chính trị Trung Quốc RusSell Leigh MOSES nhận định

“Ông ấy là kiểu người biết giải quyết việc lớn như thế nào”.

Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Robert Rubin

Trong 17 năm ở tỉnh Phúc Kiến (1985-2002), ông Tập Cận Bình đã có nhiều đột phá trong chính sách kinh tế như phát triển hệ thống giao thông, quy hoạch cảng biển, đô thị, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư kinh tế từ lãnh thổ Đài Loan, đưa kinh tế Phúc Kiến đi theo hướng kinh tế thị trường.

Đặc biệt, như Tân Hoa xã đánh giá, ông Tập Cận Bình đã mở đầu cuộc chiến chống tham nhũng bằng loạt điều tra hơn 2.000 cán bộ trong vụ bê bối về nhà đất ở Ninh Đức. Khi nhậm chức bí thư tỉnh Chiết Giang vào tháng 10-2002, ông Tập Cận Bình tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng với “ba điều cần có của người làm quan” là tính kỷ luật, tuân thủ luật pháp và có lương tâm. Ông được đánh giá đã có những chính sách quan trọng góp phần phát triển khu vực kinh tế tư nhân và là người có thái độ cứng rắn với tham nhũng.

“Ông ta rất ủng hộ kinh tế thị trường và có lẽ ông nói lên tiếng nói của tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân đối với những độc quyền của nhà nước” - Cheng Li (Viện Brookings, Washington) nhận xét. Thế nhưng, những gì thuộc về quan điểm chính trị thì “không rõ lắm”.

“Xét theo những gì ít ỏi mà người ta biết về ông, khó có thể chờ đợi ở ông là một nhà cải cách. Có lẽ là người sẽ giữ nguyên hiện trạng hơn” - Sun Wenguang, một giáo sư đã về hưu, nhận xét.

Ông Tập Cận Bình trở nên nổi tiếng toàn quốc vào đầu thập niên 1980, khi là bí thư Huyện ủy Chính Định của tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh. Lúc ấy, ông có tên trong hồ sơ của tổng bí thư Hồ Diệu Bang. Khi còn là phó chủ tịch thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (1985-1988), ông kết hôn với nữ ca sĩ dân ca Bành Lệ Viên, người một thời đã nổi tiếng ở Trung Quốc hơn ông.

Chuyện tình lãng mạn và xưa nay hiếm trong chính trường nước này đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới. Cuộc hôn nhân này cũng gây tranh cãi nhiều trong giới chính trị Trung Quốc tại thời điểm đó, một trong những nguyên nhân khiến đám cưới của ông diễn ra khá đơn giản vào đầu tháng 9-1987.

(báo The Guardian dẫn lại)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên