Lần đầu tiên báo mạng đoạt giải Pulitzer
Xu hướng làm báo độc lập đã xuất hiện trong vài năm gần đây ở Âu - Mỹ. Tuyên ngôn của những người dám tách mình ra khỏi làng báo truyền thống là “phải làm được những tác phẩm báo chí đúng nghĩa, không bị ảnh hưởng từ các chủ báo”.
Phóng to |
Giao diện của tờ báo mạng ProPublica với hình ảnh tỉ phú Sandler - Ảnh chụp lại từ web |
Ra mắt đình đám
Không lâu sau khi ra mắt, ProPublica đã khiến giới làm báo Mỹ sững sờ khi tung ra bài điều tra về kênh truyền hình nói tiếng Ả rập Al Hurra. Trong bài điều tra được phát trên chương trình "60 phút" của đài CBS, các nhà báo của ProPublica đã chứng minh được rằng chính phủ Mỹ đã bỏ tiền tài trợ cho đài Al Hurra thường có những ngôn từ chống Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ.
ProPublica xuất hiện trong xu hướng đó. Thành lập từ tháng 10-2007 tại New York, tờ báo mạng ProPublica tuy vậy lại quy tụ nhiều tài năng của làng báo Mỹ như Paul Steiger, cựu thư ký tòa soạn của tờ Wall Street Journal, làm tổng biên tập và các nhà báo tên tuổi như Charles Ornstein, Tracy Weber, Jeff Gerth, Marcus Stern… đều đã giành giải Pulitzer trước đó.Sở dĩ ProPublica có thể ra mắt “đình đám” ngay lúc khởi đầu bởi nó có sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ. Nó được vợ chồng tỉ phú người California, ông bà Marion và Herbert Sandler cấp cho ngân sách đến 10 triệu USD mỗi năm để hoạt động. Nhờ đó, lương bổng của các nhà báo mạng này ổn định với mức hơn 60.000 USD mỗi năm, mức lương “khấm khá” trong thời kỳ khủng hoảng của báo chí nói chung.
Hậu phương ổn định và nguồn tài chính dồi dào dành cho các cuộc điều tra (có cuộc điều tra tiêu tốn hơn 300.000 USD) khiến các nhà báo của ProPublica rất “an tâm công tác”. Họ sẵn sàng dành nhiều tháng trời cho bài điều tra riêng biệt của mình. Chẳng hạn, nữ nhà báo Sheri Fink đã dành đến hai năm để thực hiện bài báo điều tra đoạt giải Pulitzer năm nay The deadly choices at Memorial, được đăng tải lại trên trang nhất của tờ tạp chí đầy uy tín của Mỹ là New York Times Magazine.
Phóng to |
Nhà báo nữ Sheri Fink vừa đoạt giải Pulitzer 2010 - Ảnh: Reuters |
Đến nay, ProPublica đã thực hiện được nhiều đề tài có giá trị trong mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường... Họ đang tìm hiểu mối nguy hiểm đối với nguồn nước khi các công ty dùng hóa chất phá vỡ lớp đất đá trong quá trình khoan mỏ khí đốt hoặc tình trạng một loạt hồ sơ kỷ luật của những y tá “nguy hiểm” đã biến mất khỏi cơ sở dữ liệu liên bang, trong đó có hồ sơ của 100 người bị cấm hành nghề điều dưỡng và một người từng kề dao vào cổ đồng nghiệp để đe dọa...
Độc lập đến mức nào?
Tính đến nay, ProPublica đã có hàng chục bài điều tra sắc sảo và công phu, đi vào những chủ đề nóng và đã được hơn 40 cơ quan truyền thông ở Mỹ sử dụng. |
Nhiều người cho rằng việc sống bằng quỹ tư nhân sẽ khiến ProPublica bị điều khiển từ trên xuống nhưng Stephen Engelberg, thư ký tòa soạn, cho hay họ đã thống nhất về quyền của ban biên tập và không bị ảnh hưởng từ ông chủ tịch Herbert Sandler. Nhà báo kỳ cựu này, có thâm niên gần 30 năm làm báo và từng là trưởng ban điều tra của New York Times, đoan chắc: “Tôi muốn các nhà báo của tôi làm được những bài báo mà không ai làm được. Công việc của chúng tôi chỉ tập trung xoáy vào những việc có sức lay động tâm can, nhằm chứng minh việc những kẻ có tiền có quyền đang bóc lột người thấp cổ bé họng”.
Bản thân vợ chồng tỉ phú Sandler, nay đã hơn 70 tuổi, vốn là những người thích đấu tranh cho quyền con người, quyền dân chủ. Họ từng là chủ sở hữu của Quĩ tín dụng Golden West Financial và sau khi chuyển sở hữu công việc kinh doanh này với giá cao, họ đã dành thời gian còn lại trong đời cho các mục đích cao quí.
Có thể còn nhiều người đặt nghi vấn về động cơ của ProPublica nhưng các nhà báo làm việc tại đây thì rất tin tưởng. Nữ nhà báo Robin Fields, người đã nghỉ làm ở tờ Los Angeles Times danh tiếng để sang đầu quân cho ProPublica, giải thích: “Chúng ta đang chuyển từ kỷ nguyên cạnh tranh sang kỷ nguyên hợp tác”. Cô tin tưởng rằng việc làm của cô và các đồng nghiệp ở ProPublica chính là sự hợp tác với chính quyền và xã hội để giúp cho cuộc sống những người thấp cổ bé họng dễ thở hơn.
Báo mạng cũng giành giải biếm họa SFGate là trang web tin tức có nguồn gốc từ tờ báo giấy lâu đời San Francisco Chronicle thành lập từ tháng 1-1865 có tên ban đầu là The Daily Dramatic Chronicle (Tin tức ấn tượng hàng ngày). Tháng 11-2003, họ đưa thông tin lên mạng ở địa chỉ sfgate.com để lợi dụng tối đa ưu thế về tốc độ và truyền thông trên Internet. Khi có vẻ như khá nhiều trang báo mạng quên thể loại biếm họa vốn được ưa chuộng trên báo giấy, SFGate vẫn duy trì điều này. Một góc nhỏ Comics ở mục Giải lao (Coffee Break) mang lại cho độc giả vô số truyện tranh hoạt hình và tranh biếm họa về chính trị, xã hội... Họa sĩ Mark Fiore 40 tuổi của SFGate đã giành được giải Pulitzer năm nay với thể loại biếm họa chính trị. Tranh của anh được giám khảo đánh giá là mang tính châm biếm hóm hỉnh, sâu sắc và mổ xẻ được những vấn đề phức tạp.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận