![]() |
Lãnh đạo chinh phủ lâm thời, bà Roza Otunbayeva và phó thủ tướng Omurek Tekebayev - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Matxcơva và Washington không thống nhất trong cách đối phó với diễn biến này: trong khi Nga có vẻ như công nhận chính quyền mới thì Mỹ chưa vội. TTO trích bài viết tổng quan về tình hình Kyrgyzstan từ báo mạng Nga Gazeta.ru.
Ai đang điều hành Kyrgyzstan?
Sáng ngày 8-4, tòa soạn tờ 24.kg nhận được một thư điện tử của tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev. Ông cho biết đang trú ẩn ở "phía nam đất nước" nhưng không nói cụ thể là đâu, khẳng định không từ chức: "Tôi là tổng thống được toàn dân bầu lên của đất nước và không công nhận thất bại nào cả". Dẫu vậy, ông thừa nhận các lực lượng quân sự của đất nước không phục tùng ông, nhưng đến nay "nhân dân" vẫn đứng về phía ông.
Phó thủ tướng của chính phủ lâm thời Timur Sariyev thì cho biết, ông Bakiyev đang ở vùng Dzhalan Abad (phía nam), và dọa sẽ truy nã tổng thống bị lật đổ: "Viện công tố đã khởi tố hồ sơ hình sự về việc giết thường dân (75 người) và có thể sẽ chống lại những ai ra lệnh nã súng vào người biểu tình, không loại trừ Bakiyev".
Tuy nhiên, Sariyev cũng cho biết hiện chính phủ lâm thời "chưa vội tìm ông Bakiyev làm gì, bởi các nỗ lực đang tập trung vào việc ổn định tình hình Bishkek".
Hiện thời gian đang chống lại ông Bakiyev. Theo trưởng bộ phận Trung Á của Viện SNG Andrei Grozin, "cứ mỗi giờ trôi qua, ngày càng nhiều người dân từ bỏ chính quyền bị lật đổ, vì vậy nếu tình hình tiếp tục phát triển như thế, thì chỉ 2-3 ngày nữa Bakiyev sẽ chỉ còn lại một mình ở Dzhalal Abad". |
Tuy nhiên, Bakiyev cho biết ông không có ý định gây chiến với phe đối lập lật đổ ông, bởi "là tổng thống dân cử, làm sao tôi có thể cầm vũ khí chống lại nhân dân", và loại trừ khả năng từ bỏ đất nước: "Tôi đang ở phía nam đất nước và hiện không chuẩn bị rời bỏ đất nước".
Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao của Nga ở Praha cho biết "Matxcơva không có ý định nhận một cựu lãnh đạo nữa của Kyrgyzstan" (hiện tổng thống bị Bakiyev lật đổ là Askar Askyev đang sống lưu vong ở Nga). Ông Bakiyev cũng thừa nhận rằng không ai trong các nhân vật chính thức của Nga trong những ngày qua liên hệ với ông!
Nga đứng về bên nào?
![]() |
Một tòa nhà ở thủ đô Bishkek bị phá hủy - Ảnh: Reuters |
Matxcơva, một cách không chính thức, đã công nhận chính phủ lâm thời lật đổ ông Bakiyev. Ngày 8-4 đã có một cuộc điện đàm của người đứng đầu chính quyền lâm thời, bà Rosa Otunbayeva, với thủ tướng Vladimir Putin.
Ông Putin trong khi đó không điện thoại cho tổng thống bị lật đổ Bakiyev! Một nguồn tin ngoại giao cho biết ông Medvedev "cũng không gọi điện cho Bakiyev, mặc dù biết rõ nơi ông ấy trú ngụ". |
Bishkek đã cử tới Matxcơva một đoàn đại biểu của chính phủ mới, và người phó của bà Otunbayeva, ông Almazbek Atambayev sẽ dẫn đầu đoàn thương lượng về những hỗ trợ này, dự kiến diễn ra "trong thời gian sớm nhất" (tuy nhiên Bộ ngoại giao Nga chưa xác nhận tin này).
Ông Sariyev, phó thủ tướng tài chính của chính quyền lâm thời, nói Nga không chỉ sẽ viện trợ nhân đạo, mà còn sẽ hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên ông Sariyev cho biết "chúng tôi không yêu cầu Nga trợ giúp quân sự, chúng tôi có khả năng kiểm soát tình hình".
Trong khi đó, Bộ tổng tham mưu Nga thông báo ngày 8-4 rằng đã gửi tới cơ sở quân sự Nga ở Kante, nơi có nhiều quân nhân Nga đồn trú cùng gia đình, một đơn vị bổ sung khoảng 150 binh sĩ để bảo vệ các công dân Nga. Lệnh này được tổng thống Medvedev ban hành.
Ai đứng sau vụ đảo chính?
![]() |
Nạn nhân của bạo lực chữa trị trong bệnh viện tại Bishkek - Ảnh: Reuters |
Ông Bakiyev cho rằng có "những thế lực bên ngoài" cổ vũ cho việc lật đổ ông. "Tôi sẽ không nói cụ thể nước nào, nhưng không có những thế lực bên ngoài thì không thể phối hợp một chiến dịch như thế", tổng thống bị lật đổ khẳng định.
Một nguồn tin của Reuters tại Nhà Trắng tuyên bố Washington không cho rằng đảo chính "được bảo trợ bởi Matxcơva" và "chống lại lợi ích Mỹ". Một nguồn tin Mỹ ở Prague (CH Czech) thì nói tổng thống Obama và tổng thống Medvedev dự định sau khi ký Thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược đã thảo luận về khả năng ra tuyên bố chung về Kyrgyzstan, nhưng cuối cùng đã không làm được. Vào ngày dự kiến phải đưa văn bản, ông Medvedev đã bay về Matxcơva.
Điều gì sẽ xảy ra với căn cứ quân sự Mỹ tại Bishkek?
Không thể phủ nhận thực tế là có bất đồng giữa Nga và Mỹ tại Kyrgyzstan. Một quan chức cấp cao Nga ở Prague tuyên bố với Reuters: "Tại Kyrgyzstan chỉ có thể có một căn cứ quân sự, đó là căn cứ của Nga".
Nguồn tin này nói thêm rằng Nga sẽ yêu cầu chính quyền mới của Bishkek phải loại bỏ căn cứ Mỹ ở Manas, điều mà trước đó ông Bakiyev đã không thực hiện. Trong khi đó, một nguồn tin Nhà Trắng nói với Reuters rằng mặc cho các diễn biến ở Kyrgyzstan, công việc tại căn cứ quân sự Manas vẫn tiếp tục và "sự tham gia của chúng tôi ủng hộ chiến dịch Afghanistan sẽ không bị hủy bỏ".
Trong ngày diễn ra cuộc nổi loạn chống chính phủ, Ngoại trưởng Kyrgystan đang ở thăm Mỹ. Nhà Trắng cũng nói không biết tin về việc con trai tổng thống bị lật đổ là Bakiyev Maksim đã bay sang Mỹ. Maksim Bakiyev được cho là người kế nhiệm cha lãnh đạo chính phủ. (Theo các nguồn tin chính thức, Maksim đã ở Mỹ từ 7-4 tham gia một Hội nghị đầu tư).
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kyrgyzstan: biểu tình biến thành bạo lực, 17 người chếtKyrgyzstan: phe đối lập lật đổ chính phủNga công nhận chính quyền mới Kyrgyzstan, Mỹ chần chừ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận