![]() |
Một trung tâm mua sắm ở Bishkek bị đốt cháy ngày 8-4. Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bị buộc phải rời khỏi thủ đô - Ảnh: Reuters |
Ngày 8-4 lại chứng kiến cảnh bà Roza Otunbayeva - thủ lĩnh lực lượng đối lập - lật đổ Kurmanbek Bakiyev.
Mọi việc bắt đầu vào ngày 6-4 ở thành phố tây bắc Talas, nơi một nhân vật đối lập bị bắt giữ và từ đó làm dấy lên làn sóng không hài lòng vốn đã âm ỉ trong dân chúng do nạn tham nhũng và giá cả leo thang. Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra. Những người biểu tình xông vào chiếm tòa nhà chính phủ, quốc hội và yêu cầu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev từ chức. Ngày 7-4 được phát động là ngày cả nước biểu tình.
Ngày 8-4, lực lượng đối lập tuyên bố đã kiểm soát đất nước. Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bay tới thành phố miền nam Osh, căn cứ quyền lực truyền thống của mình ở một đất nước luôn bị chia rẽ bởi các thị tộc đối đầu nhau. Bà Roza Otunbayeva yêu cầu tổng thống - người mà bà đã hậu thuẫn lên nắm quyền năm năm trước khi lật đổ tổng thống Askar Akayev - phải từ chức. Bà Otunbayeva cho Reuters biết sẽ điều hành chính phủ lâm thời trong sáu tháng để “soạn thảo hiến pháp nhằm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng”.
Cảnh sát ở Bishkek lúc đầu còn dùng đạn cao su, hơi cay, vòi rồng để kiểm soát tình hình. Sau những đụng độ đầu tiên, chính phủ đã ban hành tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm. Tình hình sau đó trở nên tồi tệ khi cảnh sát nổ súng, cả dùng đạn thật, bắn vào những người biểu tình. Ít nhất 65 người thiệt mạng, hơn 400 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình.
Những người biểu tình kiểm soát đài phát thanh và truyền hình quốc gia, các trụ sở cảnh sát, văn phòng công tố, tòa nhà chính phủ...
“Ông ta đã trở thành con tin cho chính những tham vọng riêng của mình cũng như phe nhóm của mình” - Alexei Malachenko, chuyên gia về Trung Á thuộc Trung tâm Carnegie ở Matxcơva, nhận định.
Lên nắm quyền năm 2005, ông Kurmanbek Bakiyev đã nhanh chóng bỏ rơi những người từng hậu thuẫn ông lên nắm quyền. Họ lên án ông đã lặp lại những sai lầm tồi tệ của chính người tiền nhiệm là tổng thống Akayev.
Ông Kurmanbek Bakiyev chỉ lo vun vén làm giàu cho bản thân và gia đình. Ông đã dành những lợi ích kinh tế và cả những chức vụ quan trọng hàng đầu trong chính phủ cho các em mình, họ hàng, thân nhân, kể cả dành độc quyền kinh tế đất nước cho con trai mình. Ông Bakiyev cũng bị lên án là tham nhũng và có tư tưởng thân hữu - cũng chính là những tội danh đã giúp ông lật đổ người tiền nhiệm của mình Askar Akayev.
Trung Quốc đã thông báo “quan ngại sâu sắc” tới tình hình Kyrgyzstan. Thủ tướng Nga Vladimir Putin trước đó cũng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và bác bỏ khả năng Nga có vai trò trong các vụ đụng độ.
Kyrgyzstan là trung tâm cung ứng hàng và vũ khí cho cuộc chiến của Mỹ với phe Taliban ở Afghanistan. Mỹ mở căn cứ không quân năm 2001 ở thành phố Manas. Kyrgyzstan cũng là góc khá ổn định trong khu vực vốn thường xuyên bất ổn. Mỹ trả tiền thuê căn cứ cho Kyrgyzstan. Nga cũng tài trợ 2 tỉ USD/năm để “gây áp lực đóng căn cứ này”, như nhận định của các nhà phân tích. (Theo NOBS) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận