15/09/2008 05:43 GMT+7

Một phần hồn Nga trở về cố quốc

THỤY ANH (từ LB Nga)
THỤY ANH (từ LB Nga)

TT - Ngày 12-9, dưới cơn mưa thu kéo dài cả ngày, đông đảo dân Nga theo đạo Chính thống Nga, các chính khách, những yếu nhân của chính phủ, trong đó có Tổng thống LB Nga D. Medvedev cùng các cha cố của nhà thờ đã có mặt tại buổi lễ rước giàn chuông cổ trở về tu viện thánh Danilov sau gần 80 năm “lưu vong” trên đất Mỹ.

H6UUtMKT.jpgPhóng to

Hai trong các quả chuông được hồi cố hương -Ảnh: website nhà thờ Nga

TT - Ngày 12-9, dưới cơn mưa thu kéo dài cả ngày, đông đảo dân Nga theo đạo Chính thống Nga, các chính khách, những yếu nhân của chính phủ, trong đó có Tổng thống LB Nga D. Medvedev cùng các cha cố của nhà thờ đã có mặt tại buổi lễ rước giàn chuông cổ trở về tu viện thánh Danilov sau gần 80 năm “lưu vong” trên đất Mỹ.

Giàn chuông của tu viện thánh Danilov được đúc năm 1682, là giàn chuông nổi tiếng nhất Matxcơva sau giàn chuông Kremlin. Năm 1930, khi tu viện bị ép đóng cửa, người ta đã định đem chuông đi nấu đồng.

May thay, sau đó giàn chuông này được một người Mỹ tên Charles Crane mua lại và đem tặng Trường đại học Harvard. Từ năm 1931-2007, 18 quả chuông vốn là niềm tự hào của nhà thờ Chính thống giáo Nga đã ngự trên tháp chuông của khu ký túc xá Lowell House. Giàn chuông vẫn thường ngân vang mỗi sáng mỗi chiều chủ nhật ở Harvard, trong mỗi trận đấu bóng của học viên nơi này.

Việc thương lượng để xin lại giàn chuông nước Nga bắt đầu thực hiện vào giữa những năm 1980. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông R. Reagan đã ủng hộ việc này. Phía Mỹ đề nghị chỉ trả lại chuông nếu bên Nga đúc cho họ một phiên bản của giàn chuông cổ. Giàn chuông nặng 25 tấn, và người ta đã tính để đúc được một phiên bản quý giá như thế phải tốn 4 triệu USD.

Rất có thể chính số tiền lớn như vậy đã là trở ngại khiến việc hồi cố quốc của giàn chuông thiêng bị trì hoãn lâu đến thế. Khi đó, giám đốc Viện Nghệ thuật học quốc gia Nga Aleksei Komech từng phát biểu: “Cá nhân tôi cho rằng tốn khoản tiền ấy để lấy lại chuông thì thật là vô nghĩa! Ngân sách dành cho dự án quốc gia phục hồi các di tích văn hóa chỉ có 15 triệu USD!”.

3qv1EpL6.jpgPhóng to
Tổng thống Nga bày tỏ hân hoan trong lễ nhận lại chuông

Việc thương lượng xin lại giàn chuông bắt đầu đạt những kết quả khả quan vào năm 2004 khi ông Viktor Vekselburg, chủ tịch ban quản trị Quỹ lịch sử văn hóa Mối liên hệ giữa các thời đại, đứng ra nhận đảm bảo toàn bộ chi phí cho việc này.

Sau đó, theo Hãng tin vesti.ru, phiên bản của giàn chuông đã được trao cho phía Mỹ cùng hai quả chuông khác làm quà tặng tỏ lòng biết ơn Trường ĐH Harvard. Giàn chuông này được đúc tại Nhà máy Voronezh, chất lượng của giàn chuông được các chuyên gia đánh giá cao.

Dự án rước giàn chuông cổ về cố quốc được thực hiện từng công đoạn. Ngay việc hạ chuông cũng là một vấn đề nan giải bởi với sức nặng hàng tấn của mỗi quả chuông như thế, những người thợ phải rất khéo léo và chính xác trong từng động tác. Cách đây tròn một năm, quả chuông đầu tiên được đưa về Nga theo hành trình Harvard - cảng New York - Saint-Petersburg - Matxcơva.

Câu chuyện giàn chuông Danilov nhắc người Nga nhớ lại số phận quả chuông ở Uglich. Hoàng tử nhỏ Dmitry, con trai của Ivan Hung đế, sau khi vua cha mất đã bị đưa về thành Uglich và, theo dư luận, bị người anh vợ của Nga hoàng Fyodor I là Boris Godunov sát hại vào tháng 5-1591.

Quả chuông thành Uglich đã ngân vang báo cho dân chúng biết về cái chết oan ức ấy để rồi bị xử hình “xẻo tai, cắt lưỡi, đánh đòn, đày đi biệt xứ” y như một con người!

Trong một đoản văn của mình, văn hào Nga Solzhenitsyn từng kể về quả chuông này: “Quả chuông vì đã rung lên những lời trung thực mà từng chịu một hình phạt kỳ quái - bị tước mất lưỡi chuông, bị cắt một bên quai chuông để rồi chẳng bao giờ còn được treo trên bệ chuông nữa.

Hơn thế, chuông còn bị roi quất, và rồi còn bị lưu đày xa hơn hai ngàn dặm đến Tobolsk trên một chiếc xe ngựa kéo”.

(Trích đoản văn Quả chuông thành Uglich viết năm 1996, được in trong cuốn Aleksandr Solzhenitsyn, truyện ngắn và đoản văn của NXB ACT, năm 2005)

Lần lượt 17 quả chuông còn lại cũng theo hành trình nói trên đã về đến chốn xưa của mình là tu viện thánh Danilov, Matxcơva. Ngày 8-7-2008, quả chuông cuối cùng và nặng nhất có tên Chuông Cả, nặng 12 tấn, đã rời tháp chuông của Lowell House. Và ngày 12-9-2008, sau gần 80 năm “lưu vong”, toàn bộ giàn chuông đã hồi cố hương.

Người Mỹ cũng lưu luyến khi phải chia tay với giàn chuông Nga. Sinh viên Benjamin Rapoport, người đánh chuông ở Đại học Harvard, nói: “Tiếng chuông này đem lại cho ta sinh lực. Mỗi lần đánh lên cho cảm giác như sự sung sức ở những vận động viên vậy”.

Ngày 12-9, tại Matxcơva đã diễn ra buổi lễ tạ ơn long trọng rước chuông cổ trở về. Giáo chủ Aleksei II đã vẩy nước thánh cho từng quả chuông để từ nay hồn chuông ở lại mãi với đất mẹ. Trong lời phát biểu của mình, giáo sĩ nói từ nay hằng ngày, tu viện thánh Danilov sẽ cầu nguyện cho tất cả những ai từng góp phần đúc chuông, cứu chuông, gìn giữ chuông và đưa chuông trở lại nước Nga.

Ngài cũng tỏ ý mong muốn rằng mối liên hệ văn hóa giữa tu viện và Trường đại học Harvard từ nay sẽ được giữ vững, rằng “những dự án như thế này thúc đẩy thêm sự hiểu biết lẫn nhau, điều vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay”.

Tiếng chuông đầu tiên của giàn chuông do Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev cùng ông Viktor Vekselburg đánh lên. Tiếng chuông đổ liên tục gần nửa giờ đồng hồ trong niềm vui và xúc động đến rơi nước mắt của nhiều tín đồ Chính thống giáo Nga.

Tiếng chuông ấy hẳn có khác khi ngân vang trên đất người! Những quả chuông ở Nga không chỉ là vật thiêng của nhà thờ, chúng còn mang trong mình hơi thở của lịch sử, có danh tính, tiểu sử, từng chịu đựng đau đớn, trải qua nỗi bất công mà giữ mãi những vinh quang huyền thoại.

Quả không sai khi người ta nói một phần của hồn Nga nằm ở những giàn chuông. Vì thế ngày 12-9 năm nay là một trong những ngày đáng nhớ của người Nga, khi được hân hoan đón nhận phần tâm hồn lưu lạc của mình sau tám thập niên xa biệt.

THỤY ANH (từ LB Nga)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên