27/09/2005 17:29 GMT+7

"Việt Nam - Con rồng mới ở châu Á"

DIỆU LÝ dịch
DIỆU LÝ dịch

TTO - Đó là tựa đề của một bài báo đăng trên nhật báo STANDART của Bulgaria. Tác giả của bài báo này là giáo sư Alexander Lilov (ảnh), người vừa tham gia hai hội nghị quốc tế (về sự vượt qua đói nghèo ở châu Á - Phi - Mỹ Latinh; những vấn đề và triển vọng của sự nghiệp cải cách ở VN), diễn ra tại VN.

cb0EDBcD.jpgPhóng to
TTO - Đó là tựa đề của một bài báo đăng trên nhật báo STANDART của Bulgaria. Tác giả của bài báo này là giáo sư Alexander Lilov (ảnh), người vừa tham gia hai hội nghị quốc tế (về sự vượt qua đói nghèo ở châu Á - Phi - Mỹ Latinh; những vấn đề và triển vọng của sự nghiệp cải cách ở VN), diễn ra tại VN.

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội và dân số ở châu Á ngày nay là một hiện tượng xuất phát từ hệ quả của toàn cầu hoá. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Inđonesia, Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển với một nhịp độ rất lớn và chỉ trong một thời gian rất ngắn so với lịch sử.

Họ đã được xếp vào hàng ngũ những quốc gia đi đầu trong sự phát triển chung trên toàn thế giới. Châu Á đã phải trải qua sự bùng nổ về dân số - nơi đó hiện đang có ba tỷ rưỡi người - chiếm hơn một nửa dân số thế giới - sinh sống. Phần lớn trong số đó đang ở độ tuổi thanh niên, tuổi của khát vọng và của nguồn năng lượng mang lại hiệu quả của châu Á. Những quốc gia thuộc vùng Thái Bình Dương đã trở thành một trục chính của sự phát triển nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Những ai không nhìn thấy điều này hoặc đánh giá thấp nó là những người mù trước một hiện tượng đặc biệt, có mối quan hệ chặt chẽ với tương lai của thế giới.

Trong hội nghị này, người ta đã đưa ra các con số: trong tổng số 6,5 tỷ dân trên thế giới thì 2,8 tỷ người phải sống với thu nhập mỗi ngày là 2USD và 1,2 tỷ người khác với dưới 1USD/ngày. Trong năm 1998, 20% trong số những người giàu nhất đã tiêu thụ 86% trong tổng mức tiêu thụ toàn thế giới. Còn những người nghèo nhất chỉ tiêu thụ từ 20% tới 1,3% trong tổng mức tiêu thụ chung. Tỷ lệ giữa người giàu và nghèo trên thế giới trong năm 1960 là 1/30, năm 1990 là 1/60, năm 1998 là 1/74 và trong năm 2004 là 1/90. Mục tiêu xoá nghèo đã được coi là “một thử thách vô cùng to lớn đối với sự phát triển chung.”

Đồng thời, kinh nghiệm xoá nghèo của Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Cuba, Singapore và những quốc gia nghèo khác đã được đưa ra phân tích. Chuyên gia Trung Quốc Fei Jungai đã báo cáo rằng, từ năm 1978 tới năm 2000, số người nghèo tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đã giảm từ 250 triệu người xuống còn 30 triệu. Còn chuyên gia Việt Nam Trần Bích Thuỷ thì cho biết: từ năm 1996 đến 2000, trung bình mỗi năm quốc gia này giảm được 300.000 hộ nghèo, tổng cộng là có 7,5 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, và trong năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo ở VN chỉ còn 8,3%. Kinh nghiệm lịch sử này cho thấy: vấn đề về những nước và những người nghèo là giải quyết được, nếu có được đường lối và chiến lược xã hội thích hợp.

Lễ quốc khánh lần thứ 60 ngày thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã không tiến hành rầm rộ ở các nước thuộc phe XHCN trước đây, cũng không có nhiều khách mời là các lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước các quốc gia, lấy trọng tâm không nặng về lịch sử, mà là về những vấn đề cần thiết phải giải quyết; kính trọng quá khứ nhưng không huênh hoang về chiến thắng chống ngoại xâm; hướng tới tương lai. Trung tâm của các hoạt động trong dịp lễ quốc khánh lần này là khẩu hiệu ”Đổi mới”, có nghĩa là làm mới lại tất cả và toàn diện.

Mười năm chống thực dân Pháp và sau đó là chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược là những trang sử vàng của thế kỷ 20. Thế giới sẽ luôn đọc những trang này với sự kính trọng. Đây là một đoạn ngắn trích từ những trang đó: trong thời gian gần 20 năm chống lại đội quân xâm lược với 500.000 binh lính, 14 triệu tấn bom, cả bom napal, vũ khí hoá học, hai phần ba làng mạc ở phía Bắc và ba phần tư ở phía Nam bị huỷ diệt, hàng triệu người bị giết chết và bị thương, nhưng VN không bị đánh bại. Người làm nên chiến thắng này chính là trí tuệ và lòng dũng cảm của nhân dân VN. Chiến thắng này như một lời cảnh báo đối với các thế lực và các âm mưu muốn xâm lược nước khác. Cho tới hôm nay, thế giới vẫn còn nhắc đến ”Hội chứng VN”.

Ấn tượng mạnh nhất của tôi là thắng lợi trong hoà bình của nhân dân VN trong việc thực hiện những cải cách và hiện đại hoá đất nước. Những thành tựu mang tính chiến lược là: phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, từng bước nâng cao mức sống cho toàn dân, vượt qua đói ngheò, nền kinh tế liên quan chặt chẽ với thị trường thế giới, xây dựng những khu vực công nghệ cao, thu hút 48 tỷ đôla đầu tư nước ngoài, mở rộng không gian cho các thành phần kinh tế và dân chủ hoá hệ thống chính trị.

Những chuyển biến tích cực ở VN là không thể phủ nhận: tốc độ phát triển kinh tế trong hai thập kỷ gần đây là 7%/năm, trong đó công nghiệp đạt 12%, từ chỗ phải nhập khẩu nửa triệu tấn lương thực vào năm 1986, nay VN đang là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, xuất khẩu thương mại từ 723,9 USD năm 1987, đến năm 2004 là 26 tỷ USD. Đó là những thành quả vĩ đại. Mục tiêu hàng đầu hiện nay của VN là đến năm 2020 sẽ kết thúc công nghiệp hoá đất nước và giải quyết xong những bất ổn xã hội nặng nề nhất. Tất nhiên trong quá trình đổi mới này không thể tránh được những khó khăn. VN vẫn còn khoảng cách với các chuẩn mực của các quốc gia phát triển.

Trước mắt là phải vượt qua con đường dài dẫn tới xây dựng một nền kinh tế trí thức. Công cuộc cải cách vẫn chưa kết thúc, đã có biểu hiện của tham nhũng. Nhưng mục tiêu chiến lược đã được xác định rõ ràng: ” Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”. Những cố gắng của nhân dân, các nhà chính trị và lãnh đạo cùng tập trung vào một mục đích là đưa VN thành nước phát triển trong vòng 20-30 năm tới. Tương lai của VN là tươi sáng, với sự ổn định về chính trị, sự cải thiện mức sống của người dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng học hỏi, đường lối đối ngoại là hoà bình và uyển chuyển, nhất định VN sẽ đạt được mục đích đó.

Đặc biệt, giới trẻ VN đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Khi bạn đi trên các đường phố ở Hà Nội hay TP.HCM hay các thành phố khác của VN, xung quanh bạn như có một dòng sông cuộn chảy được tạo nên bởi những khuôn mặt trẻ trung trên những chiếc xe máy. Theo nghĩa chính thức thì VN đúng là một dân tộc trẻ trung - dân số tăng gấp đôi trong vòng 30-40 năm.

Có thể dự đoán là vào nửa đầu của thế kỷ 21 này, VN sẽ đứng vào hàng hai mươi quốc gia phát triển nhất. Nhưng để kết thúc bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến sự phát triển vượt ra ngoài phạm vi quốc gia của “Hiện tượng VN”. Một mặt, nó chứng minh rằng: với một chiến lược tăng tốc được chuẩn bị chu đáo thì những nước lạc hậu có thể đuổi kịp nhịp độ phát triển công nghiệp của thời kỳ thông tin hoá toàn cầu. Mặt khác, nó là bài học lịch sử quí giá về đổi mới và hiện đại hoá của CNXH trong thế kỷ 21.

Một hình ảnh mới, hiện đại của CNXH là điều cần thiết. Lịch sử đã dạy chúng ta rằng không thể có một mẫu hình xã hội tổng hợp chung cho toàn thế giới. Tương lai sẽ là chứng nhân của các mẫu hình xã hội ở các quốc gia và các nền văn minh khác nhau. Và lúc đó sẽ là các xã hội của hậu công nghiệp hoá, của thời kỳ thông tin với những công nghệ mới, nền kinh tế mới và cấu trúc xã hội mới…

Một trong những mẫu hình đó đang hình thành ở VN. Trước mắt chúng ta là một quốc gia đang phát triển với tương lai của thế giới.

DIỆU LÝ dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên