20/08/2009 12:20 GMT+7

Tư tưởng Hồ Chí Minh: Sinh khí của một học thuyết

TRẦN BẠCH ĐẰNG - 3-1993(theo Đến với Tư tưởng Hồ Chí Minh - NXB Trẻ - 2-2007) 
TRẦN BẠCH ĐẰNG - 3-1993(theo Đến với Tư tưởng Hồ Chí Minh - NXB Trẻ - 2-2007) 

Tư tưởng Hồ Chí Minh, sắc lại, vì con người, do con người. Suy thoái đạo đức là khởi điểm cho mọi suy thoái. Tư tưởng Hồ Chí Minh từng chấp nhận cái mềm dẻo cần thiết cho đại cục nhưng chính trong những hy sinh thông minh ấy, phẩm chất con người, xã hội phải được củng cố hơn bao giờ hết, nếu không, những bước lùi sẽ là quá trình tuột dốc “không phanh” chẳng hé ra tiền đề cho những bước tiến...

..................................................

1. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tôi nghĩ, là nghiên cứu đồng thời ba bộ phận hợp thành một tổng thể:

- Trước tác.

- Cuộc đời.

- Diễn biến của đất nước, xã hội và con người Việt Nam từ khi tư tưởng Hồ Chí Minh tác động tại đây cho đến hôm nay.

Cả ba bộ phận hợp thành đều mang tầm quan trọng như nhau, bổ sung cho nhau, cả ba cộng lại mới đủ sức vẽ lên trung thực toàn bộ và hệ thống một tư tưởng lớn của Việt Nam và thời đại.

Trước tác là mặt biểu thị trực tiếp nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua các bài báo, phát biểu, sách, sáng tác văn học, lời kêu gọi… suốt 5 thập kỷ (1919 – 1969), chúng ta biết được quan điểm của Người trước các vấn đề đặt ra cho vận nước và một số vấn đề đặt ra cho loài người. Tuy nhiên, sẽ chỉ tiếp cận một phần tư tưởng Hồ Chí Minh nếu chúng ta chủ yếu nghiên cứu tư tưởng của Người qua trước tác, Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng gắn chặt tư duy với hành động thực tiễn.

Cuộc đời của Người từ buổi thanh niên đến khi vĩnh biệt chúng ta nối dài một chuỗi hoạt động cách mạng không ngơi nghỉ. Tư tưởng của Người hóa thân vào các ứng xử cả tầm chiến lược lẫn trong giao tiếp đời thường. Chính phạm vi hoạt động của Người, công tác mà Người đảm trách, mối quan hệ của Người với đủ đối tượng và nhất là chính với tư cách con người mà Người sống với chung quanh đã nói thậm chí nhiều hơn những gì Người lưu lại cho chúng ta trong Toàn tập.

Cái mà có người gọi là tác phong Hồ Chí Minh phản ánh một lối sống gần với tự nhiên, xuất phát từ sự chân thật trong cốt cách. Trước tác và cuộc đời của Hồ Chí Minh rất phong phú, song cũng chưa phản ánh trọn vẹn tư tưởng của Người. Không thể xem quá trình diễn biến của cách mạng, đất nước, xã hội và con người Việt Nam từ 1920, 1930, đặc biệt từ 1945 và nhất là hiện nay như ngoại biên của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Làm sao hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh nếu không hiểu cái gì là trung tâm dẫn đồng bào ta thực hiện toàn thắng cuộc cách mạng tháng Tám, hai cuộc kháng chiến và đang thực hiện thắng lợi bước đầu sự nghiệp Đổi mới. Sự đứng vững của Việt Nam trước cơn khủng hoảng cực kỳ gay gắt dẫn đến sự sụp đổ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô, cơn thoái trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới và ngay những thành tựu kinh tế hiện nay của nước ta cũng không ra khỏi sự hướng dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh – có những thoát ly đấy và đã thoát ly tư tưởng Hồ Chí Minh thì không phải là thành tựu mà trái lại hoặc dự báo cho cái rất xấu khó tránh khỏi dù với toàn cục hay với từng cá nhân.

Như vậy, quỹ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Việt Nam hết sức rộng.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh được ấp ủ lâu dài trong cái nôi chủ nghĩa yêu nước, tẩm mình sâu sắc trong hồn dân tộc, là kết tinh của truyền thống nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Trên cái nền kiên cố ấy, trên mảnh đất phì nhiêu ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh gạn lọc các hạt giống trí tuệ cổ kim phương Đông, phương Tây và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, sản phẩm khoa học hiện đại vào một đất nước cụ thể. Người ta không thể tìm thấy chủ nghĩa quốc gia cực đoan, thủ cựu, hẹp hòi, vị kỷ, cũng như người ta không thể tìm thấy chủ nghĩa quốc tế không tưởng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh – lúc còn là Nguyễn Ái Quốc – đã nói rõ chủ nghĩa Lênin cung cấp cho Người chủ yếu nhất là điều gì và tại đại hội Tours, một đại hội của những đảng viên xã hội và cộng sản, Người nhấn mạnh quan điểm của mình. Chủ nghĩa quốc tế vô sản đến với Người tức đến với nước Việt Nam thuộc địa, chậm tiến và Người thể hiện sự nghiệp quốc tế qua sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người – giải phóng tập thể dân tộc thoát khỏi ách nô lệ nước ngoài đồng thời giải phóng những “cùng đinh” thoát khỏi “giặc đói, giặc dốt”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng Mác-Lênin đã được tiêu hóa vào không gian và thời gian xác định, lấy cái cốt lõi giải phóng con người khỏi ách áp bức, tự do hóa tiềm năng con người bắt đầu từ một đối tượng cụ thể là đồng bào của Người. Để thực hiện nhiệm vụ đó, tư tưởng Hồ Chí Minh dựa trên nguyên lý giải phóng con người bị áp bức trong xã hội tư bản, trong các xứ thuộc địa nói chung để tìm ra phương thức giải phóng con người Việt Nam. Tất nhiên, trào lưu giải phóng vốn đa dạng, tư tưởng Hồ Chí Minh chọn khả năng tối ưu hơn cả.

Tư tưởng Hồ Chí Minh chấm dứt ở Việt Nam mặc cảm “nỗi buồn nhược tiểu” và trang bị cho những người dân Việt Nam bình thường niềm tự tin khả năng “đào núi lấp biển, có chí cũng làm nên”.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh tất nhiên là tư tưởng chính trị, định hướng chính trị song mang đặc thù dễ phân biệt với các tư tưởng đương thời khác ở phần lớn biểu hiện của tư tưởng dưới dạng văn hóa. Nói cách khác, tư tưởng Hồ Chí Minh tác động vào xã hội như một sức mạnh văn hóa, sức mạnh hợp chất lý và tình, tổng quát và đơn lẻ, thuyết phục bằng cảm hóa. Đặc thù này bộc lộ rõ và trở thành xuyên suốt từ 1945, tức từ khi nước ta giành được độc lập, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một thành tố quan trọng trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, là chuẩn mực bổ sung cho nền luân lý truyền thống. Cũng có thể xem tư tưởng Hồ Chí Minh đã hiện đại hóa nền luân lý lâu đời của Việt Nam. Cái đáng lưu ý là tư tưởng Hồ Chí Minh như giáo huấn xã hội chủ nghĩa mà không mâu thuẫn với giáo huấn dân tộc cổ truyền thậm chí dân gian. Gạch nối này tôn tạo văn hóa dân tộc, đồng thời truyền bá các tri thức hiện đại, các khái niệm đạo đức hiện đại.

Tự biểu hiện đến trình độ một nền văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh thâm nhập vào xã hội, ảnh hưởng đến nếp nghĩ, nếp sống hàng chục triệu người, đến quan hệ cộng đồng và đến sự tu thân cá nhân. Đạo đức Hồ Chí Minh, phần kết tinh lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng ta có thể cắt nghĩa hiện tượng trên ở chỗ tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ chữ “Cứu” – cứu nước, cứu dân, cứu người – và ở chỗ một tư tưởng đạt mức xã hội hóa như thói quen cần phải giữ gìn, vun bồi của mọi người Việt Nam thuộc mọi giới, mọi lứa tuổi…

Theo tôi, về phương diện này, tư tưởng Hồ Chí Minh đã “đắc đạo”.

4. Tư tưởng Hồ Chí Minh coi rất trọng đoàn kết dân tộc trong các lĩnh vực đấu tranh. Việt Nam là nước nhỏ, luôn phải đối phó với nạn xâm lược nước ngoài, tồn tại trong điều kiện thiên nhiên có nơi rất khắc nghiệt. Cho nên, những “tình làng, nghĩa xóm”, “đồng bào”, “người chung một nước”, v.v… đã nối liền nhân dân ta suốt nhiều nghìn năm. Đó cũng là cái lẽ sinh tồn của dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh thừa kế gia tài đồ sộ, giàu có ấy, mở rộng biên độ khái niệm quần chúng đến tất cả những ai vẫn còn thừa nhận mình là con dân nước Việt Nam.

Sáng tạo này nắm được cái hồn của nhận thức đấu tranh giai cấp và nhờ đó đã hóa giải khôn ngoan những đối kháng về quyền lợi bộ phận trong những hoàn cảnh nhất định phục vụ tập trung cao nhất cho quyền lợi toàn cục, bởi vì mục tiêu của cách mạng đồng thời phải là mục tiêu của nhân dân lao động và, trong các trường hợp xác định, mục tiêu ấy thống nhất với đòi hỏi của dân tộc và tình thế. Chỉ có như vậy, hành động cho cái chung mới huy động được đông đảo người tham gia.

“Đại đoàn kết” của tư tưởng Hồ Chí Minh là một tư duy triết học, khác với một số nhà tư tưởng đương thời khi họ có quan điểm cực đoan về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, tách biệt hoặc đối lập một cách siêu hình các tầng lớp xã hội cơ bản với các tầng lớp xã hội khác, khiến quá trình cách mạng vừa chậm vừa khó khăn không đáng có. Tư tưởng Hồ Chí Minh cố tìm mẫu số chung của toàn dân tộc thay vì khoét sâu sự cách biệt, đặt tiến trình xoáy trôn ốc đi lên của lịch sử trên căn bản quy tụ thay vì loại trừ.

5. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử: Đưa Đảng Cộng sản trở nên chính đảng đại biểu của dân tộc mà không làm nhòa tính công nhân tiền phong. Chính ý thức thời đại cho phép tư tưởng Hồ Chí Minh thành đạt trong vấn đề mấu chốt này cả trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn, cả trong quá trình giành độc lập dân tộc lẫn thời kỳ xây dựng xã hội mới.

Xử lý vấn đề mấu chốt này liên quan đến ba trọng điểm: một, Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân phải thể hiện cho được ý nghĩa tiền phong chính yếu là đi đầu một đội ngũ quần chúng đông đúc, gồm tuyệt đại đa số dân tộc, không biệt phái, không đứng trên mà đứng trong đội ngũ ấy; hai, chủ nghĩa quốc tế vô sản hòa nhập với dân tộc, cái phổ cập phải được đặc thù hóa, Đảng Cộng sản phải tự trở thành đảng của dân tộc; ba, khi đảng đã cầm quyền, sự thống nhất lên đến mức cao giữa giai cấp, nhân dân, dân tộc, quốc gia và đảng mà lợi ích bao trùm là lợi ích dân tộc – dân tộc không tự tôn, không tham vọng bá quyền, thông cảm và đoàn kết với mọi lực lượng tiến bộ, tán thành, ủng hộ cái đúng, chống cái sai bất kể từ đâu đến, khôn khéo (song tự trọng), tự xếp mình như mọi dân tộc khác trong cộng đồng thế giới.

6. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học, nó luôn tiếp nhận sự bồi bổ từ trí tuệ, thực tế phát triển của Việt Nam và thế giới. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh vào đầu thế kỷ XXI này tức nghiên cứu một tầng nấc cụ thể của tư tưởng ấy sau nhiều chục năm vận động. Cũng như nghiên cứu các học thuyết Phật, Lão, Khổng, Thiên Chúa, Mác… điều chúng ta quan tâm phát hiện là phương pháp tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù rằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh không hiếm những giáo huấn đã dân gian hóa.

Giữa một thế giới biến động – và đảo lộn nữa – Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đôi phần khiêm tốn mà chúng ta vừa giành được trong những năm qua khẳng định rằng con đường chúng ta đi dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng. Tuy nhiên, nếu nhìn thực trạng Việt Nam hiện nay, chúng ta dễ dàng thấy sự tuân thủ tư tưởng Hồ Chí Minh chưa nghiêm, nếu không nói là lơi lỏng.

Trong thứ tự: tu thân, tề gia, trị quốc, chúng ta đã vấp hai cái đầu, do vậy, trị quốc rơi vào chỗ khó khăn – sẽ còn khó khăn hơn. Bên ngoài – những người Cộng sản, những người xã hội chủ nghĩa, những người tiến bộ và đương nhiên, luôn kẻ thù – theo dõi chúng ta với niềm tin, nỗi lo và sự đố kỵ. Tư tưởng Hồ Chí Minh giúp chúng ta vượt cơn thử thách một cách ngoạn mục, nhưng sự suy thoái đạo đức đe dọa chúng ta. Trong sự suy thoái ấy, óc độc tôn, độc quyền tất nhiên đẻ ra đẳng cấp “ăn trên ngồi trước”, hủy hoại thành quả cách mạng, nguy hiểm hơn mọi âm mưu thâm độc nhất của kẻ thù.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời có nghĩa nghiên cứu về một thời sự: chủ nghĩa xã hội, chế độ định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển đất nước trong lúc cả phong trào xã hội chủ nghĩa gặp khó khăn nghiêm trọng ở một nước không đông lắm về dân số, không rộng lắm về đất đai, không phát triển lắm về kinh tế. Tất nhiên, đây là một chủ nghĩa xã hội xét từ thực chất, tức không phải mang trong nó chủ nghĩa bành trướng, không đối địch với nhân quyền, kết hợp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và đạo lý trong một thể hài hòa, nói cách khác, phù hợp với tư trào hiện đại của loài người.

Tất nhiên, tư tưởng Hồ Chí Minh không thể cho tất cả đáp số của mọi bài toán nảy sinh trong mọi điều kiện lịch sử, đó cũng không phải là thánh kinh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, sắc lại, vì con người, do con người. Suy thoái đạo đức là khởi điểm cho mọi suy thoái. Tư tưởng Hồ Chí Minh từng chấp nhận cái mềm dẻo cần thiết cho đại cục nhưng chính trong những hy sinh thông minh ấy, phẩm chất con người, xã hội phải được củng cố hơn bao giờ hết, nếu không, những bước lùi sẽ là quá trình tuột dốc “không phanh” chẳng hé ra tiền đề cho những bước tiến.

Đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã 34 năm. Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống với chúng ta. Nhưng, cần phải nhớ chính hôm nay, ngày mai, chính những người Cộng sản Việt Nam, chính nhân dân Việt Nam là tác giả nối tiếp trên tư duy, trong tình cảm và trên thực địa tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã bảo vệ thành công sự nghiệp xây dựng đất nước, xã hội, con người Việt Nam qua bao nhiêu giông tố – không phải lãnh tụ của quốc gia nào cũng làm được như thế.

Đó là một học thuyết đầy sinh khí.

Hạnh phúc đối với dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam có tư tưởng Hồ Chí Minh. Càng hạnh phúc khi tư tưởng ấy, học thuyết ấy được kế thừa theo tinh thần trung thành các nguyên lý bản chất và luôn được bổ sung, đổi mới.

TRẦN BẠCH ĐẰNG - 3-1993(theo Đến với Tư tưởng Hồ Chí Minh - NXB Trẻ - 2-2007) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên