31/07/2014 15:56 GMT+7

Người "vượt thời gian"

CÔ TÚ
CÔ TÚ

TTC - ● Báo SK&NC số 245 (tháng 5-2014) bài Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước viết:

avpncph8.jpgPhóng to

“Năm 1966 trong lần theo chân một đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra tại đường số 7 lên đồn biên phòng Cha Lo, ông phát hiện ra cảnh tượng hùng vĩ khi nắng giữa rừng tháng 8 đã giội xuống khe núi cao chót vót, ngay khi bộ đội ta đang từ dưới leo lên. Cảnh tượng đó khiến ông nhớ đến những câu thơ của Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”… Chính cảm xúc hòa quyện đó mà ông như sợ vụt tắt nên vội vàng rút máy ra bấm 3,4 kiểu…”.

Chao ôi! Hai câu thơ trên trong bài Theo chân Bác của Tố Hữu sáng tác vào năm 1970 mà sao năm 1966 người chụp ảnh đã biết mà lấy cảm hứng?

THẠCH THỊ SU SI (Sóc Trăng)

- Thế cho nên mới có câu: “Nhà báo nói láo ăn tiền” với một số người kể cũng không oan cho lắm.

Cần học lại môn địa (!)

● Báo GĐ-XH (tháng 4-2014), bài Hành trình tái sinh loại thần dược giúp 100% quý ông bất lực tìm lại bản năng gốc viết:

“Từ xa xưa, xuân dược Hoàng đế - Hoàng đế hoàn đã được nói đến trong các tài liệu y văn cổ của nhiều quốc gia vùng Trung Á như Mông Cổ, Tây Tạng, Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ … Năm 1993, hai nhà khảo cổ học người Ấn Độ bất ngờ phát hiện một bức vẽ lạ được khắc trên đá trong một ngôi mộ cổ tại vùng cao nguyên Tây Tạng (Mông Cổ)…”.

Ly kỳ quá phải không cô Tú? Cô có giật mình chăng?

VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)

- Chẳng những giật mình, mà Tú tôi còn “hết hồn” trước kiến thức địa lý của tác giả, bởi nước Mông Cổ vốn thuộc Đông Á, Pakistan thuộc Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Tây Á (không cùng nằm ở vùng Trung Á). Mặt khác, Tây Tạng ở phía tây nam Trung Quốc, làm sao thuộc Mông Cổ (quốc gia ở phía bắc Trung Quốc) được.

Ẩu quá!

● Tuần san TN số 414 (30-5-2014), trang 47, bài Ngày hội của các nhà tiên tri viết:

“Trong quá khứ, Vazquez từng dự đoán cựu tổng thống Cuba Fidel Castro qua đời năm 2008 (kết quả là ông qua đời năm 2011)”.

Sao kỳ lạ thế, cô Tú nhỉ?

HOÀNG ĐỨC NHÃ CA (TP.HCM)

- Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (không phải Tổng thống) và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba năm nay đã 88 tuổi (ông sinh năm 1926) nhưng vẫn còn đang sống. Gán cho chức danh tổng thống và cho rằng ông đã qua đời, thật là ẩu quá!

Hoàng hậu cuối cùng (?)

● Báo Câu chuyện PL (16-5-2014), bài Phiên tòa lịch sử và vụ hành quyết hoàng hậu Marie Antoinette, tác giả viết:

“Marie Antoinette bị hành quyết ngày 16-10-1793 kết thúc cuộc đời của hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp”.

Chẳng lẽ các ông vua sau này ở Pháp không thèm lập hoàng hậu nữa sao, cô Tú?

VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)

- Marie Antoinette (1755-1793), vợ của vua Louis thứ 16 (1754-1793) không phải là “hoàng hậu cuối cùng”, bởi nước Pháp sau đó còn tiếp tục tồn tại “Đế chế thứ nhất” (1804-1814) rồi “Đế chế thứ hai” (1852-1870) với các ông vua: Napoléon Đệ nhất - Napoléon Bonaparte (1769-1821); Napoléon Đệ nhị (1811-1832) và Napoléon Đệ tam (1808-1873). Do vậy, “hoàng hậu cuối cùng” chính là Eugénie de Montiji, vợ của Napoléon Đệ tam (III) - vị hoàng đế cuối cùng của nước Pháp.

Khó xơi

● Cuốn Tạp văn (NXB Văn học – 2011, trang 293) có đoạn viết: “Cụ Thượng trong tiểu thuyết hiện thực phê phán Tắt đèn được dạy ở giáo trình văn trung học phổ thông …”.

Thưa cô Tú, tôi đọc kỹ Tắt đèn của Ngô Tất Tố, không thấy có nhân vật nào gọi là “cụ Thượng”. Mặt khác, chương trình môn ngữ văn bậc trung học phổ thông không có đưa tác phẩm này vào. Lại nữa, tài liệu giảng dạy môn văn ở bậc học phổ thông, ai lại gọi là “giáo trình văn”, phải không cô Tú?

PHAN THỊ MỴ (Khánh Hòa)

- Hoàn toàn đồng ý với bạn. Một mẩu trích rất ngắn chưa tới hai dòng mà có đến ba “hạt sạn”, thật là khó xơi!

rQKqcx5p.jpg

Tuổi Trẻ Cười số 503 ra ngày 15/7/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

CÔ TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên