Phóng to |
Tạo môi trường vui tươi cho bé sẽ giúp bé phát triển tốt hơn (ảnh minh họa) - Ảnh: T.T.D. |
Thật ra, “khủng hoảng tuổi lên 3” là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh cách dạy con, giúp bé hình thành nền tảng nhân cách lành mạnh.
Bé nhận ra chính mình
Cho bé nhiều sự lựa chọn Lờ đi phản ứng của bé, hướng sự chú ý của bé vào việc khác, lôi kéo bé vào hoạt động bé thích... là những cách cha mẹ thường sử dụng để thoát ra khỏi cơn “quậy” của bé. ThS Chung Vĩnh Cao khuyên cha mẹ đừng đặt câu hỏi có/không, và nên cho bé nhiều sự lựa chọn thay vì bị ép làm theo ý của cha mẹ. Việc động viên bé diễn đạt điều mình muốn, tạo môi trường sống vui tươi thoải mái, cho bé đi học mầm non... là những tác động phù hợp trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”. |
Đầu năm 2013, thấy bé Vy đã lớn (34 tháng tuổi) nên vợ chồng Nhung - Kha (Q.10, TP.HCM) định sinh thêm đứa nữa. Chưa kịp “ra tay” thì bỗng dưng bé Vy khó bảo. Bé nhất định không cho mẹ giúp cầm ly uống nước, tắm táp, xếp quần áo... cho bé nữa. Chuẩn bị đi ăn cưới, mẹ chọn đồ nào bé cũng không chịu, cuối cùng bé tự chọn lấy... bộ đồ đầu tiên mẹ chọn. “Ứa gan không chịu nổi!” - chị Nhung hậm hực. Cũng vậy, bé Bún (31 tháng tuổi, Q.2, TP.HCM) giờ không chịu cho ba đẩy trên xe trong siêu thị. Chị Cún có thói quen hôn em khi đi học về, nhưng từ tuần trước Bún không cho chị hôn. Bún đói, mẹ pha sữa đưa cho thì đẩy ra, mẹ đặt bình sữa lên bàn thì cô bé cũng không chịu.
Nhiều cha mẹ tỏ ra rất lo lắng khi con mình bỗng dưng “giở chứng”, thậm chí có bé còn đánh lại cha mẹ, tự đánh mình... Thế nhưng, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết đây là giai đoạn phát triển tự nhiên khi đứa trẻ nhận ra “mình là mình” và muốn thử khả năng ảnh hưởng với thế giới xung quanh.
Theo ThS Chung Vĩnh Cao (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nhu cầu tự lập của bé đang “khủng hoảng” rất mạnh mẽ. Bé không chỉ tự làm những việc nằm trong khả năng (cầm ly uống hay xúc thức ăn...), những việc bé có thể làm nếu được người lớn hỗ trợ (cột dây giày...), thậm chí cả những việc vượt quá khả năng. “Thấy ba sửa xe bé cũng nhào vô đòi làm”, ông Cao nêu ví dụ. Nhu cầu độc lập mạnh mẽ nhưng khả năng còn hạn chế, hơn thế còn bị người lớn ngăn cản (và cả giành làm thay) khiến bé bị ức chế nên có những phản ứng làm người lớn “điên cái đầu”.
Chiều chuộng hay đàn áp?
Khi bé “quậy”, nhiều cha mẹ chọn cách giải quyết nhanh theo một trong hai hướng: hoặc chiều chuộng hoặc đàn áp. Theo ông Cao, chiều chuộng “yêu sách” chỉ khiến cho bé càng lấn tới. Còn đàn áp? Ông Cao biết cách này rất phản giáo dục. Ông phân tích thêm: “Những lúc cha mẹ khủng hoảng tâm lý thì có muốn bị trừng phạt? Dùng bạo lực đàn áp có thể khiến trẻ khủng hoảng hơn do bị ức chế, sau này trở thành người lớn nhu nhược, hoặc sùng bái bạo lực vì coi đó là giải pháp cho mọi vấn đề”.
Bé thường nói “không”, nhưng không phải chống đối mà chỉ là chứng tỏ “mình khác biệt”. Chưa hết, bé còn muốn làm ngược lại, cho nên việc cha mẹ ra lệnh, ép buộc bé có thể gây nguy hiểm cho bé, chẳng hạn khi cha mẹ cấm trẻ tra tay vào nước sôi hay ổ điện. Ông Cao chia sẻ cha mẹ cần nương theo nhu cầu độc lập của bé để tác động giúp bé bước đầu tự lập. Cụ thể là cho bé tự làm những việc trong khả năng, hướng dẫn bé làm những việc cần sự trợ giúp mới làm được, và thử thách bé bằng những việc hơi quá khả năng để bé chinh phục. Ngoài ra, cha mẹ có thể bày trò cho bé sắm vai anh, chị, ông, bà... để bé được thoải mái thể hiện “cái tôi” đang hình thành.
Còn theo ông Khanh, mức độ và cách biểu hiện “khủng hoảng” của bé còn là kết quả/hậu quả của quá trình nuôi dạy trước đây của cha mẹ, nhưng đây cũng là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh và “bày keo khác”. Nếu cha mẹ tác động phù hợp trong giai đoạn “khủng hoảng” đặc biệt này, bé sẽ tự tin vào bản thân và biết quý trọng các giá trị bản thân, hai yếu tố cần thiết làm nền tảng cho sự phát triển nhân cách sau này. Ngược lại, nếu cha mẹ đàn áp hoặc quá chiều chuộng thì khi trẻ lớn hơn sẽ mất tự tin hoặc ích kỷ, chỉ quen đòi hỏi, coi mình như “cái rốn vũ trụ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận