Phóng to |
Đây là một trong những chuyện thường gặp của các phụ huynh khi tham gia chuyên đề “Nói sao cho trẻ chịu nghe” do chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ chủ trì tại Nhà Thiếu nhi Q.1 TP.HCM sáng nay 28-8-2011
1.001 kiểu cãi của con
Chị N.P.Lan cho biết thêm đôi khi con trai chị còn hét to rằng: “Ba mẹ đừng nói nữa, con không muốn nghe ai hết, con chỉ muốn sống một mình thôi”.
Chị còn gặp vấn đề khi giao cho con làm việc nhà. Mỗi khi như vậy cháu lại viện cớ đau tay, đau chân, mệt không làm được. Chị nói mọi cách như: “Con làm việc nhà thì mới hiểu được giá trị lao động…”. Cậu bé nhất định không nghe nhưng lại có lúc chạy sang nhà hàng xóm phụ việc nhà một cách rất nhiệt tình.
Còn chị T.T.M.Hoàn (Q.1, TP.HCM) thì băn khoăn không biết phải thuyết phục con trai đang học lớp 11 như thế nào khi cháu nhất định đòi mẹ cho đi xe máy 100cc với lý do: “Con không thích chiếc xe cúp 50, con cảm thấy rất tự ti mỗi khi gửi xe trong trường. Các bạn con đứa nào cũng đi xe phân khối lớn, xe tay ga”. Chị T.T.M.Hoàn thì sợ con đua đòi, đi chơi nhiều nhưng từ chối con thì con phản kháng bằng cách đi nhờ xe bạn chứ nhất định không chịu đi chiếc cúp 50.
Có không ít cha mẹ luôn muốn điều tốt cho con, nhưng nói thì con không chịu nghe mà còn bị con phản kháng, giận dỗi… Và những đứa con cũng cảm thấy khó chịu khi ba mẹ nói sao khó nghe quá!
Bắt sóng cảm xúc của con
Bé Lê Quang (11 tuổi, Q.12, TP.HCM) nói: “Ba con hay ra lệnh như: “Xuống ăn cơm”, “Vô học”, “Đi ngủ”… Con cảm thấy nói như vậy rất nặng nề, không có chút yêu thương gì hết! Con thích cách mẹ nói: "Xuống ăn cơm nè con trai” hơn".
Phóng to |
Tranh cãi với con là vấn đề nhiều phụ huynh đang gặp phải - Ảnh: Nguyễn Thắm |
Những điều bố mẹ cần nhớ khi nói chuyện với con - Nên đi thẳng vào vấn đề chính cần trao đổi với con. Điều này vừa giúp hai bên hiểu ý nhau và giúp trẻ trẻ không cảm thấy mệt mỏi, chán khi nói chuyện với cha mẹ. - Có thể viết những mẩu thư ngắn cho con một cách chân tình để bày tỏ ý của mình. - Nếu gia đình có hai cháu thì cần trao đổi riêng với từng cháu về vấn đề của mỗi cháu để tránh việc anh em mâu thuẫn nhiều hơn (ví dụ: em trai trêu ghẹo anh khi thấy mẹ phê phán anh). Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ |
Nhiều bé muốn nghe ý kiến của ba mẹ, được ba mẹ hỗ trợ nhưng lại gặp tác dụng ngược như trường hợp của em V.B.Long (lớp 8 Trường THCS Kiến Thiết, Q.3, TP.HCM).
Hôm ấy, em bị điểm thấp môn hóa và bị thầy nhắc nhở. Em về kể với mẹ thì bị la: "Sao con lại bị như vậy? Sao con lại không làm được?". Thế là V.B.Long đi thẳng vào phòng đóng cửa lại vì: “Con nói với mẹ là muốn được mẹ tìm cách giúp không bị điểm nhỏ nữa chứ có muốn nghe mẹ la đâu”.
Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Văn phòng Tư vấn tâm lý trẻ) chia sẻ: "Cha mẹ cần xác định vấn đề của con đang cần gì và tìm cách khơi gợi con nói bằng những câu hỏi mở, những câu hỏi thật dễ trả lời với giọng nói thân thiết. Khi đã nghe và hiểu hết vấn đề của trẻ thì cha mẹ cùng con vạch ra những hướng giải quyết. Khi đó cha mẹ đã tạo điều kiện cho con mình làm theo hướng tốt một cách tự nguyện".
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đặt ra những giới hạn, mốc thời gian quy định cho con. Chị Huỳnh Thị Thanh Hằng (Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Con gái tôi năm nay học lớp 6, cháu cứ đòi mua điện thoại di động. Tôi nhẹ nhàng hỏi con sẽ dùng điện thoại trong chuyện gì, có thật sự cần thiết không hay phiền toái vì trường học cấm dùng điện thoại. Tôi ra định mức cho con là khi nào vào cấp III thì mẹ sẽ mua điện thoại cho và con tôi đã vui vẻ đồng ý”.
Điều quan trọng là cha mẹ cần bắt được cảm xúc của con và cùng con gọi đúng tên tâm trạng cảm xúc để cùng con giải quyết mọi việc. Nếu chỉ áp đặt suy nghĩ của mình dành cho con cái thì dễ bị con chống đối. Sẽ càng nguy hiểm hơn khi chuyện chống đối cứ lặp lại nhiều lần khiến tình cảm cha mẹ - con cái ngày càng cách xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận