06/06/2010 06:06 GMT+7

Ở hai đầu nỗi nhớ

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Khi vợ có thai hai tháng, người lính ra nhà giàn DK1. Những lời yêu thương mộc mạc của vợ từ đất liền gửi ra làm anh vơi đi nỗi nhớ.

v01nefou.jpgPhóng to
Nguyễn Bá Vinh khoe hình con trai chụp trong điện thoại - Ảnh: My Lăng

Đêm trên biển Tây Nam của Tổ quốc. Trời lấp lánh sao. Ngồi trên boong tàu HQ624, giữa chừng câu chuyện về vợ con nơi hậu phương của Nguyễn Bá Vinh (31 tuổi), tôi hỏi: “Có khi nào anh khắc chữ lên dưa hấu thả vào đất liền tặng chị không?”. Chàng chiến sĩ nhà giàn DK1/2 lặng đi mấy giây rồi mỉm cười, gật đầu. “Có khắc chữ đấy, nhưng không phải là mình mà là vợ”, Vinh hóm hỉnh bảo.

Trái cây có chữ

Chị có thai gần hai tháng thì anh ra nhà giàn DK1. Đó là chuyến đi xa đằng đẵng đầu tiên. Anh trở về thăm vợ sau bảy tháng biền biệt. 15 ngày sau chị trở dạ. Nhìn thằng cu đỏ hỏn nặng tới 4,2kg, anh bật khóc. Hai bên nội ngoại ở xa lại khó khăn, không thể vào chăm con cháu. Chỉ có anh, vợ và thằng cu kháu khỉnh mới chào đời. Thương vợ, thương con, Vinh rớm nước mắt.

Suốt thời gian công tác ở đất liền, Bá Vinh quay cuồng với việc ở cơ quan và hàng trăm việc lặt vặt ở nhà. Anh không cho vợ đụng tay vào việc gì. Ngày nào cũng 5g sáng, Bá Vinh dậy nấu cơm, đi chợ, nấu thức ăn, giặt quần áo và tã lót rồi đi làm. Buổi trưa lật đật về nhà nấu cơm, chăm con và tất tả đến cơ quan. Chiều về lại nấu nướng, giặt giũ, cho con bú sữa, thay tã.

Khi bé Đăng Quang tròn 10 tháng tuổi, anh ra nhà giàn công tác. Cứ hai tháng chị gửi thư và hình của con để anh đỡ nhớ. Anh dán hình con khắp căn phòng nhỏ ở nhà giàn. Quà mỗi chuyến tàu ra, chị gửi cho anh khi mấy trái bưởi, dưa hấu, khi bịch măng cụt... Mỗi chuyến quà là những trái cây được khắc chữ và ráp lại thành những lời yêu thương mộc mạc nhưng làm anh run lên vì hạnh phúc: Nhớ anh nhiều lắm, Em yêu anh, Anh phải ăn nhiều vì mẹ con em nhé...

Đồng cam cộng khổ

Chín năm trước Nguyễn Bá Vinh và Hoàng Thị Danh là công nhân Công ty gỗ Bình Thắng (Bình Dương). Họ ở cùng một dãy phòng trọ. Nhà Danh nghèo. Học xong lớp 12, không có điều kiện thi đại học, Danh vào Bình Dương làm thuê. Làm quần quật cả ngày lại tăng ca đến tối, khuya về cô công nhân quê Nghệ An lặng lẽ lấy sách ra tự ôn bài. Giấc mơ bước chân vào đại học vẫn theo cô từng ngày.

"Có nhiều đêm tôi không ngủ, cứ lặng lẽ nhìn về phía ánh sáng từ phòng người ta"

BÁ VINH kể

Những đêm khuya không ngủ, chàng trai Thanh Hóa luôn thấy ánh đèn sáng hắt ra từ song cửa phòng cô bạn. “Trong lòng tôi dấy lên những cảm xúc rất lạ, vừa thương vừa phục người con gái ấy. Có nhiều đêm tôi không ngủ, cứ lặng lẽ nhìn về phía ánh sáng từ phòng người ta. Lúc bên ấy tắt đèn đi ngủ thì mình mới ngủ được”, Bá Vinh kể.

Họ yêu nhau, lặng lẽ. Ngày Bá Vinh nhận được lệnh gọi nhập ngũ cũng là lúc người yêu thi đậu Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Những lần tình cờ đến thăm, thấy thức ăn cả ngày của Danh chỉ là quả trứng kho nước mắm mặn, Bá Vinh nghẹn lòng.

Nhà Vinh cũng nghèo rớt mồng tơi. Mỗi lần đến thăm người yêu trong túi anh chỉ vẻn vẹn 2.000 đồng đi xe buýt từ quận 4 đến quận 1 (TP.HCM) và ngược về. Không ít lần Bá Vinh phải đi bộ từ quận 1 về quận 4 vì trong túi không có nổi 1.000 đồng.

Những buổi hẹn hò của họ cũng chỉ có chiếc xe đạp với bịch nước đá treo lủng lẳng. Suốt ba năm Bá Vinh học trung học kỹ thuật hải quân, nhiều lần Danh đạp xe từ quận 1 sang quận 4 thăm người yêu. Họ gặp nhau chỉ 15-30 phút ngắn ngủi rồi lại chia tay. Danh vội vã đạp xe sang quận 7 dạy thêm.

Tháng 10-2008. Nhận được 1.500.000 đồng tiền lương đầu tiên, Vinh quyết định nên nghĩa vợ chồng với Danh. Đám cưới giản dị, đơn sơ của chàng trai Thanh Hóa và cô gái Nghệ An rộn tiếng cười và đậm chất lính. Khách của cô dâu chỉ ngồi một bàn. Tất cả các bàn còn lại, khách đều mặc quân phục. Đêm tân hôn, trong căn phòng trọ nhỏ chỉ có chiếc chiếu cũ của chú rể, một cái bếp, một nồi cơm điện mini của cô dâu và một chiếc quạt do người bạn thuê cùng dãy nhà tặng.

Cho con giấc ngủ bình yên

Đôi mắt Vinh rạng ngời hạnh phúc và tự hào khi kể về con trai. Anh bảo: “Thằng bé bụ bẫm lại hiếu động và rất ngoan nên bà con ở xóm trọ cũ thương lắm. Sáng nào vợ mình cũng chở con từ phường 11 sang phường Thắng Nhất (ở thành phố Vũng Tàu - cách 10km - NV) nhờ hàng xóm trông hộ. Ai cũng muốn giữ thằng bé nên mỗi ngày gửi một nhà. Lần về phép đầu tiên, mấy ngày đầu nó chưa chịu theo nhưng sau quấn lấy bố mãi”.

Giọng sôi nổi của Vinh chợt lắng xuống, trầm hơn bởi khoảng lặng khi anh nhìn về phía khơi xa mênh mang trong đêm tối. Vinh bảo: “Tôi rất nhớ khuôn mặt của con trai khi ngủ, vô tư và an lành quá. Tôi nghĩ mình chịu vất vả gian khổ đến mấy cũng được, chỉ cần cho con được giấc ngủ bình yên và vô tư như thế”...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên