13/03/2010 02:07 GMT+7

Bà già điên ấy

LÊ QUAN HI (tự Chín Phước - TP.HCM)
LÊ QUAN HI (tự Chín Phước - TP.HCM)

LTS: Đây là tập thứ 19 trích trong 21 tập Chuyện đời tự kể, mỗi tập là một câu chuyện mà tác giả Lê Quan Hi, 80 tuổi, gửi đến tòa soạn. Đây có thể nói là chuyện đời tự kể “đồ sộ” nhất (dài 295 trang giấy viết tay, chưa kể phụ lục) mà tòa soạn nhận được từ trước đến nay.

Chuyện ấy cách nay có trên 57 năm qua rồi, nhưng mình không quên được.

Số là hôm nọ anh Tám Ngởi (tên họ là Phạm Kỳ Ngởi), người bà con của mình, rủ mình chủ nhựt sau đi lên Biên Hòa viếng nhà thương điên.

Vừa nghe thì mình bật cười. Anh Tám Ngởi vốn là thi sĩ, lấy bút hiệu là Khổng Nghi, nói lái lại là khỉ ngông (con khỉ điên). Các bài thơ của anh phần nhiều là những bài “ngông”.

Mình nghĩ rằng con khỉ điên nên thích tìm cảnh điên mà viếng, mà tham quan, nhưng anh nghiêm chỉnh giải thích cho mình rằng: “Nè, em biết không, nơi ấy đâu có dễ vào. Sở dĩ anh được phép là vì anh có chỗ thân thích với bác sĩ giám đốc nên ưu tiên chớ phải chơi đâu”.

Thế là mình đồng ý cùng đi. Đoàn hôm ấy gồm có anh Tám Ngởi, anh Thuyết (một công chức lớn của sở khí tượng), mình và hai chị Sáu Nho, Bảy Anh (là em gái của họa sĩ Diệp Minh Châu).

Bác sĩ giám đốc nhà thương dẫn mọi người vào phòng của ông, chỉ cho xem sơ đồ của nhà thương điên và giải thích từng khu nhà rất chu đáo. Trước khi lên đường tham quan, ông giám đốc dặn: “Các anh chị vào viếng thăm nơi đây xin nhớ rằng bịnh nhơn ở đây rất nhạy cảm, rất đặc biệt vì vậy các anh chị phải cẩn thận, đừng cười nói hay có cử chỉ gì khác thường, dễ kích động đến họ...”.

Chỉ bảo xong, chính ông bác sĩ giám đốc hướng dẫn bọn mình lên đường. Khi đi ngang qua vườn hoa trước phòng giám đốc, mình thấy có một số bịnh nhơn, kẻ ngồi co ro ôm đầu, người thì ngồi nhìn trời nhìn mây, kẻ lang thang nhàn du.

Đặc biệt, có một anh chàng ngồi ven lề đường, hốt cát lên chà xát chùi cái ca bằng nhôm sáng ngời. Khi nhìn thấy bọn mình, anh ta sợ hãi đứng lên, chạy trốn sau gốc cây rồi len lén nhìn theo. Anh ta mặc áo thun ba lỗ mà không mặc quần. Bác sĩ giám đốc dẫn bọn mình viếng từ phòng đọc sách, phòng y tế, nhà ăn, nhà nghỉ của bịnh nhân nhẹ. Còn khi đi gần khu nhà nọ, mình nghe tiếng la hét, tiếng cười, tiếng khóc vang ra... Bác sĩ giám đốc cho biết đó là trại dành cho bệnh nhân nặng, phải nhốt riêng rẽ từng người trong các phòng có song sắt.

Sau cùng, bác sĩ giám đốc dẫn anh chị em chúng tôi đến một căn phòng riêng biệt diện tích khoảng 30m2, trong phòng có một bà cụ tướng người mập mạp, tóc bạc hoa râm, mặc quần đen và áo bà ba bằng nhiều mảnh vải đủ màu sắc kết nối với nhau trông khá đẹp mắt.

Bà cụ đứng nép một bên cửa ra vào, khum người xuống, miệng nói: “Chào bác sĩ và quý khách. Xin mời quý khách vào thăm tệ xá”. Bác sĩ giám đốc nói lời đáp lễ, khi chúng tôi vào phòng rồi thì bà cụ nói: “Xin mời quý khách an tọa” (bà cụ chỉ các ghế đôn mời ngồi). Sau khi hỏi qua sức khỏe của bà cụ, bác sĩ chỉ bàn thờ phía bên trái căn phòng và hỏi: “Thưa bà, bàn thờ đó bà thờ ai vậy?”. Bà cụ trả lời rằng: “Đó là bàn thờ Tổ quốc”.

Trên bàn thờ có đủ cặp chân đèn (bằng gỗ), bát hương, khay có bình trà và bốn cái chung, có bình chưng hoa, có đĩa lớn đặt trên chân gỗ, trên đĩa có một trái đu đủ. Đặc biệt, hai bên bàn thờ ấy lại có hai cành tre cột vào chân bàn thờ. Một trong hai cành tre ấy có dây và cả lưỡi câu, còn cành tre kia thì trên đầu có một cục vải tròn cỡ quả bóng bàn. Bác sĩ giám đốc hỏi bà cụ sao bàn thờ mà lại cột cần câu chi vậy, bà cụ chỉ cành tre có chỉ và lưỡi câu nói: “Đây là cần câu để câu bọn Việt gian, còn cái cần kia (cành tre có quả bóng vải nhỏ) là cần giục để thúc giục mọi người làm cho mau độc lập đất nước”.

Chúng tôi nghe bà cụ nói mà ngạc nhiên, mà khâm phục bà già điên. Chúng tôi đều im lặng, kể cả bác sĩ giám đốc, chắc là trong lòng mọi người đều xao xuyến. Để khơi chuyện tiếp, chị Bảy Anh vuốt ve cái áo của bà cụ và nói: “Bà mặc áo đẹp quá, lần sau khi lên đây thăm bà, cháu sẽ mua hàng vải đẹp biếu bà”. Bà cụ đưa tay lên như cản ngăn và nói: “Đừng, đừng cho bà vì bà còn đủ áo quần để mặc, cháu hãy để cho đồng bào nghèo của mình đi cháu. Đồng bào của mình hãy còn nhiều người nghèo lắm cháu à”.

Nghe bà cụ nói, mình suy ngẫm rằng: “Phải chi những người giàu có, dư ăn dư mặc mà có tấm lòng như bà già điên này thì thế gian này đâu có kẻ đói rách, ăn xin”.

Và tiếp sau đó chị Sáu Nho nhìn lên tấm vải cũng được kết nối bằng nhiều mảnh vải vụn đủ màu sắc và hình dáng vuông tròn, hình tam giác, hình chữ nhật, to nhỏ đủ cỡ. Tấm vải ngũ sắc ấy to cỡ tấm bản đồ lớp học của mình khi xưa treo lên tường. Chị Sáu nói: “Bà có bức tranh này cũng đẹp quá”. Bà cụ nói: “Không phải bức tranh đâu cháu, đó là bản đồ điền địa mà bà vẽ ra để chia đất, chia ruộng cho đồng bào nghèo đó cháu”.

Ngẫm lại, thế gian này có được mấy bà già điên như thế?

Chúc mừng bạn đọc

Chuyện đời tự kể Ngoại hứa của bạn đọc Trần Thị Liễu (Tuổi Trẻ 6-3-2010) đã được ban tổ chức chuyên mục chọn trao phần thưởng khích lệ trị giá 1 triệu đồng.

Đây là phần thưởng trong đợt cuối cùng (đợt 6, các bài đã đăng trong tháng 1, 2 và 3-2010).

Mời họp mặt Chuyện đời tự kể 2009

Thân mời tất cả bạn đọc yêu mến chuyên mục Chuyện đời tự kể đến tham dự cuộc họp mặt thân mật được tổ chức từ 8g30-11g thứ bảy 20-3 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Đặc biệt, tại cuộc họp mặt sẽ có ba giải thưởng được công bố và trao tặng ba tác giả có bài viết kể câu chuyện đặc biệt nhất, câu chuyện xúc động nhất và câu chuyện nghị lực nhất.

Chuyên mục Chuyện đời tự kể 2009 nhận được tổng cộng 957 bài tham dự (tính tới cuối tháng 2-2010), số bài đã đăng là 58 bài, kể cả trên TTO.

LÊ QUAN HI (tự Chín Phước - TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên