01/02/2010 05:30 GMT+7

Không bạo lực là một giá trị sống

HƯƠNG GIANG thực hiện
HƯƠNG GIANG thực hiện

TTCT - Theo thạc sĩ NGUYỄN VÂN ANH - chủ tịch hội đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ & vị thành niên (CSAGA), câu chuyện về anh Trần Lâm đã đặt ra một vấn đề mới nhưng chưa có lời giải đáp cụ thể trong thực trạng bạo hành gia đình ở VN.

LTS: “Câu chuyện cuộc sống” đầu tiên kéo dài năm số báo (Tuổi Trẻ Cuối Tuần) đã ra mắt bạn đọc. Gần 50 phản hồi của độc giả đã chia sẻ, đồng cảm với nhân vật Trần Lâm, nhiều người đã tìm đến và kể với chúng tôi câu chuyện đời của chính mình. Có lá thư viết cho chúng tôi trong hoảng loạn và bế tắc khi hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc sống. Có những ký ức trào ra giấy đầy uất ức hoặc xót xa, cam chịu.

“Câu chuyện cuộc sống” kỳ này xin khép lại câu chuyện của anh Trần Lâm và những trải nghiệm cuộc đời tương tự anh bằng tư vấn của các chuyên gia.

Bà Vân Anh nói:

4zEs0eCR.jpgPhóng to
Thạc sĩ Nguyễn Vân Anh - Ảnh: H.G.

- Thế giới đã có nghiên cứu cho thấy 40% trẻ em trai từng chứng kiến bạo lực sẽ gây bạo lực với người khác, nhưng cũng có người thấu hiểu nỗi đau đó, biết cách chống lại và không bao giờ gây bạo lực với vợ con, người thân. Nhưng ở VN, chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về khía cạnh này. Chẳng hạn, chúng ta sẽ cần phải tìm hiểu cuộc đời của 100 hay 1.000 nam giới gây bạo hành để xem quá khứ họ như thế nào.

Từ đó có thể rút ra kết luận điều gì dẫn đến thói quen bạo hành người thân ngoài các yếu tố văn hóa, gia trưởng. Đâu là các yếu tố gia đình, cá nhân tác động đến tâm lý khiến họ nghĩ rằng việc bạo hành là bình thường. Nói chung chung là do gia trưởng, đạo Khổng tử, chế độ phong kiến để lại... thì không giải quyết được vấn đề gì. Những gì rút ra được từ đời sống cá nhân của những người gây bạo hành rất quan trọng vì có thể tìm ra cách can thiệp từ khi họ còn là những đứa bé.

* Kinh nghiệm của nước ngoài thì như thế nào?

- Ở nước ngoài đã có cách là dạy huấn luyện viên của các đội bóng đá thiếu niên để họ dạy các em không cư xử bạo lực với nhau và với phụ nữ. Chúng ta biết rằng các huấn luyện viên là người có ảnh hưởng vô cùng quan trọng với các em trai trong đội bóng. Các cầu thủ bóng đá cũng có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Vì thế, họ tạo ra nền tảng cách cư xử không dùng bạo lực cho những người có ảnh hưởng rộng. Như thế tốt cho cả việc cư xử với người thân, trong cuộc đời và kể cả trong thể thao.

Không phải ngẫu nhiên người ta nói ngày càng nhiều về chỉ số GDP và chỉ số hạnh phúc. Đôi khi chúng đi ngược nhau. Một nước có thể có GDP cực kỳ cao nhưng chỉ số hạnh phúc của người dân lại thấp. Tôi muốn nói rộng vấn đề ra như vậy vì ở VN chúng ta đang gặp một vấn đề vô cùng trầm trọng là nhiều giá trị tốt đẹp không còn được tôn trọng, dẫn tới các hậu quả như cách cư xử bạo lực, mánh khóe, tiểu xảo với nhau miễn là đạt đích. Chúng ta chỉ quan tâm đến đích mà quên mất quá trình, trong khi thật ra phải quan tâm đến quá trình. Nếu không ý thức và sửa chữa được thì đó là một bi kịch.

* Điều đó liên quan như thế nào đến bạo hành gia đình?

- Đích cuối cùng của ai cũng thế thôi. Đó là “tôi hạnh phúc”. Nếu vì bằng cách đạp một người khác ngã để đạt mục đích trở thành trưởng phòng, tôi sẽ thỏa mãn được một thời gian ngắn. Cảm giác đó không gọi là hạnh phúc, nó sẽ nhanh chóng mất đi. Chính vì thế, cư xử với nhau không dùng bạo lực là một giá trị sống.

* Tình trạng thiếu nghiên cứu, khảo sát, cơ sở dữ liệu... có phải do chúng ta chưa coi trọng vấn đề này?

- Tôi không nghĩ vậy. Vấn đề là chúng ta mới bắt đầu mà thôi. Can thiệp bạo lực ở Âu, Mỹ khác VN. Ở phương Tây, chỉ cần một cú điện thoại là cảnh sát tới tóm người bạo hành đi ngay vì đánh vợ, đánh con tức là đánh công dân. Ở VN thì “vợ là vợ tôi, con là con tôi. Công an xã làm gì được!”. Lệ mạnh hơn luật như thế tạo ra thói quen thiếu tôn ti trật tự, thiếu kỷ luật.

* Bà có suy nghĩ gì khi đọc trường hợp anh Trần Lâm?

- Tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó cũng là ảnh hưởng từ thói quen gia trưởng và quan niệm “người lớn có quyền ra lệnh cho người bé”, “ý kiến của trẻ con không có giá trị gì”. Điều đó cần thay đổi. Vì đó là văn hóa lạc hậu, kìm hãm sự sáng tạo vì trẻ con rất sáng tạo. Người lớn vẫn không coi trẻ em là nhân tố bình đẳng để chia sẻ, trao đổi mà thường áp đặt kinh nghiệm của mình, nhưng kinh nghiêm chưa chắc luôn đúng. Vì thế người lớn phải lắng nghe và hướng dẫn để trẻ con không rơi vào nguy hiểm nhưng không được áp đặt. Đó cũng là nền tảng của dân chủ, tôn trọng, bình đẳng.

Chúng tôi cũng có dự án chống trừng phạt thân thể trẻ em. Qua đó giúp trẻ em hiểu quyền, biết cách thương lượng với cha mẹ và yêu cầu cha mẹ không vi phạm quyền của chúng. Chúng tôi cũng giúp cha mẹ thấy có nhiều cách thay thế cho trừng phạt.

______________

Bạn đọc cần được tư vấn, giải đáp thắc mắc về bạo lực gia đình có thể gọi điện tới Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ & vị thành niên, 04 - 37759339 (miễn phí).

HƯƠNG GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên