10/05/2009 04:24 GMT+7

Chúc mừng Ngày của mẹ: Mẹ là duy nhất...

ytt_vt1983@yahoo.com
ytt_vt1983@yahoo.com

TT - Hôm nay là Ngày của mẹ. Tòa soạn xin gửi đến những bài viết xúc động của bạn đọc về mẹ. Dù bà mẹ nào, trong bài viết của những người con, mẹ vẫn là duy nhất, là sự hi sinh cho con vô bờ bến, là sự cho đi không đòi lại bao giờ…

Thiệp điện tử TTO: Ngày của MẹNghe sách nói Dành cho mẹ - Món quà của tình yêu, Mẹ tôi (toàn tập), Mẹ biểu hiện của tình thương, Quê mẹAudio NST: Mẹ là tất cả Nghe xem: Mẹ - Cánh chim cô đơn, Bài ca tặng mẹ, Mẹ của con, Cõng mẹ đi chơi, Ca dao mẹ, Hình bóng mẹ hiền

Quang gánh nuôi con

TT - Nhà tôi ở một xã nhỏ thuộc Vũng Tàu. Trước nhà có cái chòi nhỏ treo vài vỏ xe, ít bánh kẹo để mẹ bán; vắng khách thì mẹ chạy đi làm rẫy cách nhà 5-6 cây số.

rvJjYZFn.jpgPhóng to
Một bà mẹ trẻ kéo tre vượt dốc, trên lưng địu con nhỏ ở Bát Xát, Lào Cai -Ảnh: Na Sơn

Được một thời gian, mẹ chuyển sang muối dưa cà bán ở chợ. Cà dưa mẹ muối theo kiểu miền Trung, người miền Nam không thích ăn, có lúc mẹ phải đổ đi cả hai ba lu dưa cà. Thâm hụt vốn, mẹ quyết định nấu xôi đi bán. Tờ mờ sáng, khi cả nhà còn say giấc, mẹ đã dậy nấu xôi. Nấu xong mẹ chạy vội ra bến ghe chỗ người đi biển sớm để bán. Bán không hết, mẹ chạy vội vào chợ bán tiếp. Hết xôi, mẹ lại quang gánh đi dọc bờ sông nhặt từng cây đước do sóng đánh trôi dạt vào, về nhà phơi làm củi nấu xôi.

Nhà tôi gần đình thần của xã. Gần tết, họ tổ chức lễ hội hát đình, mẹ nấu nồi chè đậu đen bán cho người đi xem hát. Vì không đăng ký chỗ bán nên mỗi lần mẹ vào lễ hội lại bị đuổi ra. Mẹ lại gánh chè đi bán dạo. Mùa tết là mùa gió chướng, nhiều khi gió thổi mạnh quá, đất cát bay đầy vào nồi chè. Ngày đó, cả nhà tôi ăn chè thay cơm…

Pq6pEKM6.jpgPhóng to

Được ít lâu, bán xôi chè cũng chẳng làm cuộc sống gia đình khá hơn, mẹ chuyển sang buôn thịt. Hằng ngày mẹ thức dậy từ 2 giờ sáng, đạp xe đến nơi bán thịt cách nhà 15km, cái lạnh rét của những ngày cuối năm cũng không thể ngăn mẹ đi buôn. Mua thịt về, vì không có sạp, mẹ phải giấu thịt chỗ xe sửa đồng hồ của bố rồi đem từng miếng thịt nhỏ đi bán. Một hôm, có người trong chợ nói mua hai cân thịt, mẹ mừng lắm vì chẳng ai mua một lúc nhiều thế. Khi đưa thịt đến cho gã đàn ông to béo đó, hắn cầm miếng thịt rồi ném thẳng vào mặt mẹ: “Mày cút đi, ở đây có thổ địa rồi, mày còn bán một lần nữa thì đừng trách!”. Mẹ chỉ dám nhặt lại miếng thịt rồi lủi thủi đi về.

Mẹ lại đi bán gạo. Mẹ lên tận Sài Gòn mua gạo, nhiều khi phải ngủ đêm ngoài bến xe vì trễ xe về nhà, lắm lúc còn mất gạo do người chở gạo thuê ăn cắp.

Đến khi tôi lên lớp 7, nhà chuyển nơi khác, mẹ cũng không buôn gạo nữa. Mẹ bán nước mía, bánh mì, cháo vịt, mỗi nghề chỉ được vài hôm vì buôn bán khó khăn…

Mẹ lại quay về nghề cũ, bán dưa cà mắm muối, vài ba cái chổi, mấy cái rổ rá. Sáng mẹ bán ở chợ gần nhà, chiều chạy xe đến những chợ xa nhà hai ba chục cây số. Mẹ xách từng cây chổi, lít nước mắm đi từ đầu chợ đến cuối chợ để bán, đến bảy tám giờ tối mẹ mới về đến nhà.

Từ những đồng tiền kiếm khó nhọc đó, mẹ đã nuôi chúng tôi khôn lớn, được học hành. Với mẹ, thế là ông trời đã đền bù cho mẹ đủ rồi…

_____________________

Mẹ tôi là con gái nông thôn đi dân công hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên Phủ. Xinh xắn, nết na và hiền dịu nên mẹ tôi được chọn vào đoàn văn công ngay sau chiến thắng 7-5 khi vừa tròn 16 tuổi.

Chú Lâm vẫn kể mẹ ru anh em tôi không bằng ca dao mà là bài hát Trước ngày hội bắn.

Ở với cha mẹ chẳng được bao lâu, tôi và em trai phải đi sơ tán khi Mỹ đánh phá miền Bắc. Mẹ tôi tái ngũ với quân hàm thượng sĩ làm lính quân bưu. Những đêm thứ bảy không có mẹ, tôi ra lũy tre đầu làng nhìn về phía Hà Nội mà rưng rưng nước mắt. Tôi vẫn nhớ mãi một đêm mẹ ở lại với chúng tôi nơi sơ tán. Đêm ấy có nguyệt thực. Tôi ngắm trăng thì ít mà nhìn mẹ thì nhiều. Trăng lu mờ chỉ còn thấy mái tóc mẹ dài bay bay, khi trăng sáng lại thấy rõ nét mặt mẹ và tôi nghĩ đến một cô tiên. Mẹ của tôi hiền lắm, rất ít khi đánh hay nặng lời với anh em tôi.

Hè năm 1971, mẹ bị tai nạn trên đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội khi đến cơ quan làm việc. Hai ngày sau mẹ qua đời. Em tôi còn quá nhỏ không đủ hiểu rằng mẹ đã vĩnh viễn không còn ở trên đời này. Tôi khóc hết nước mắt, họng đắng ngét không nói nên lời sau cả hai tuần.

Thế rồi cuộc đời tôi rẽ ngoặt khi ba tôi lấy vợ mới.

Tôi nhớ một hôm ba tôi đi công tác, không có gì ăn tôi phải sang hàng xóm vay gạo và nấu ăn trước cửa nhà... Mọi người trong khu tập thể thương anh em tôi lắm, nhiều người hay giúp đỡ nhưng vẫn ngại bà mẹ kế chửi như hát.

Khi lên đại học, tôi chọn một trường thật xa Hà Nội nhưng có những lúc phải về nhà. Tôi gõ cửa nhà, ba tôi dậy mở cửa. Bà mẹ kế cũng dậy theo nhưng để khóa hòm mì, gạo lại. Sáng ra bà ta dậy đong gạo ra rá và nói trống gạo nấu cơm trưa cho những ai (tất nhiên không có tên tôi). Càng lớn tôi càng hiểu nỗi đau mất mẹ còn có những xót xa, đớn đau không thể nói bằng lời.

Nhớ mẹ, tôi nghĩ mấy câu thơ gửi mẹ, mong là mẹ tôi nghe được dưới suối vàng:

Mẹ ơi! đông đã về rồi / Nhà mình cửa cũ, đầu hồi reo mưa / Ù ù rồng rắn gió lùa / Cành dương sân trước đung đưa dạo đàn / Áo con rách, mẹ ngồi đan / Tóc dài trải suối, bờ vai mẹ gầy / Cơm ngon, mẹ nấu rồi đây / Anh em ăn nhé, nhớ phần cho ba / Đi chơi phải khóa cửa nhà / Học bài xong đã, để ba vui lòng / Gió đông lạnh, mặc gió đông / Con ngồi bên mẹ, hết đông xuân về.

_____________________

Không quên giọt nước mắt

Thời bao cấp, ba mẹ sinh được bảy anh em tôi. Đồng lương công chức không đủ nuôi cả đàn con nên mẹ phải làm thêm nhiều nghề phụ và tăng gia sản xuất trên rẻo đất quanh nhà. Chúng tôi lớn lên theo những bữa cơm khoai sắn, tương cà của mẹ. Năm 1977 tôi vào đại học, mẹ mừng lắm! Khi tiễn tôi vào trường, mẹ cho tôi 10 đồng và một chiếc áo bộ đội may bằng vải Tô Châu còn mới (là quà của ba gửi về từ chiến trường) và mẹ khóc. Tôi hiểu mẹ chỉ có thế, bởi sau tôi còn đàn em sáu đứa nữa.

Những dịp nghỉ hè, tôi về nhà. Bao giờ cũng thế, mẹ làm bữa cơm tươi hơn ngày thường cho cả nhà và để bồi dưỡng cho tôi. Một lần, mẹ kiếm được nắm bột lọc và mấy con tôm, rồi lụi cụi làm mấy cái bánh trong đêm. Tờ mờ sáng mẹ gọi tôi và cậu em trai kế chuẩn bị đi bộ đội dậy, chia cho mỗi đứa ba cái. Tôi và cậu em vô tư ăn những chiếc bánh thật ngon đó. Bất chợt, hai em nhỏ thức dậy, thế là chúng đòi ăn. Mẹ dỗ dành chúng rằng hai anh con sẽ đi xa nhà, không có bánh để ăn, các con ở nhà mẹ sẽ làm cho ăn sau.

Mặc cho mẹ năn nỉ các em tôi vẫn khóc đòi bánh. Lúc ấy mẹ ngồi lặng im và... khóc! Mẹ nói trong tiếng nấc nghẹn: “Các con ơi, mẹ chỉ làm được mấy chiếc bánh đó cho các anh con mai đi xa, rồi mai mẹ lại làm...”. Lúc ấy, cổ tôi nghẹn đắng và những giọt nước mắt cứ thế tuôn ra.

Bây giờ, đã đi qua nhiều dâu bể cuộc đời, sống no ấm đủ đầy... tôi vẫn không thể nào nguôi ngoai khi nhớ về mẹ và những giọt nước mắt của mẹ năm nào!

_____________________

Má hãy nghỉ yên

Má sinh tất cả 11 lần, nhưng chỉ nuôi được 8. Hồi đó ba đi làm ăn xa nhà, có khi cả năm mới về. Để nuôi đàn con nheo nhóc, má phải làm rất nhiều việc. Nghề chính của má là thợ may, ngoài ra còn thêm nhiều nghề tay trái: tráng bánh, chẻ nhang, trồng rau, nuôi gà, vịt... Má vừa ngồi đạp máy may với cái bụng lúp xúp vừa với tay đong đưa cái võng. Đêm đến, lúc nào cũng vậy, mấy đứa nhỏ nhất luôn nằm vây quanh má. Má ngủ chập chờn, chưa bao giờ có được một giấc ngủ ngon đúng nghĩa suốt mấy chục năm liền.

Thời gian trôi qua, chúng tôi lớn khôn rồi lập gia đình riêng. Dù không còn vây quanh má mỗi ngày nữa thì má vẫn quan tâm chăm sóc chúng tôi. Hầu như ngày nào má cũng phải gặp mặt, không thì điện thoại hỏi thăm cuộc sống từng đứa một. Mỗi năm lễ tết, chúng tôi kéo về nhà đầy đủ, má mặc áo dài mới ngồi giữa đám con cháu, dâu rể, mặt rạng ngời hạnh phúc.

Rồi một ngày, má thấy mình không khỏe. Những ngày cuối cùng nằm bệnh viện má vẫn cứ điểm danh tám anh chị em chúng tôi. Dù anh cả giờ đã gần 50, em út cũng hơn 30 rồi. Buổi sáng hôm đó, má còn dặn dò chúng tôi: “Tụi con không được chạy xe nhanh quá, phải cẩn thận giữ gìn sức khỏe, nhất định không có đứa nào bị làm sao thì má mới yên tâm...”. Rồi chiều hôm đó, má hôn mê. Má nằm im lặng, hơi thở ngắt quãng, mắt nhắm nghiền. Giờ thì má hãy ngủ đi. Ngủ thật ngon và đừng lo lắng cho tụi con nữa, má ơi!

Nguồn gốc Ngày của mẹ

Trong lịch sử Hi Lạp cổ đại, Ngày của mẹ được tổ chức vào hội mùa xuân hằng năm. Đây chính là ngày tôn vinh các nữ thần, cũng là ngày người Hi Lạp tưởng nhớ bà Rhea - vợ thần Cronus và là mẹ của nhiều vị thần nước này. Ngày của mẹ ở La Mã cổ đại chính là ngày tưởng nhớ bà chúa Cybele, được tổ chức từ ngày 15 đến 18-3 hằng năm.

sY97NHGf.jpgPhóng to

Mau ăn chóng lớn con nhé -Ảnh: N.S.

Đầu thế kỷ 20, Anna Jarvis, một phụ nữ Mỹ độc thân, đã trở thành người sáng lập Ngày của mẹ mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang chọn. Anna Jarvis đã đấu tranh để có được ngày này xuất phát từ tình yêu thương dành cho người mẹ Anna Marie Reeves. Mẹ của Javis luôn ao ước có một ngày trong năm để tôn vinh những người mẹ dù họ còn sống hay đã khuất bóng, ngày mà mọi người con tri ân công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ.

Sau khi mẹ mất, Javis và những người ủng hộ bà đã viết thư cho các nhân viên cao cấp trong Chính phủ Mỹ vận động sự cho phép chính thức ngày dành cho mẹ. Sự kiên trì của Javis đã mang lại kết quả, năm 1908 Ngày của mẹ được tổ chức đầu tiên ở nhà thờ Grafton, thuộc West Virginia. Năm 1911 Ngày của mẹ được tổ chức ở nhiều bang của Mỹ. Đến ngày 8-5-1914, tổng thống Woodrow Wilson đã chính thức ký sắc lệnh ấn định ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm là Ngày của mẹ - ngày lễ trọng đại của quốc gia.

Ở Việt Nam, khoảng từ năm 2007 đến nay giới trẻ đã bắt đầu có những hoạt động có ý nghĩa trong Ngày của mẹ qua việc dành cho mẹ tình cảm và những món quà tri ân.

ytt_vt1983@yahoo.com
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên