29/10/2005 05:24 GMT+7

Ly hôn - nỗi đau của ai?

TỐ OANH - THI NGÔN
TỐ OANH - THI NGÔN

TT - Năm 1991 cả nước có 22.000 vụ ly hôn, năm 1998 tăng gấp đôi với 44.000 vụ và năm 2002 là trên 56.000 vụ. Năm 2005, ước đoán số gia đình ly hôn sẽ tăng thêm trên 10.000 vụ.

hLvlKGSS.jpgPhóng to

“Mối quan hệ sau ly hôn hiện nay ở VN khác hẳn với phương Tây: hầu hết vợ chồng VN khi chia tay thường là “không đội trời chung” và con cái coi như cũng… chia tay luôn với bố hoặc mẹ”. Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, (Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Nói nôm na, ở các thành phố lớn cứ ba cặp đăng ký kết hôn thì có một cặp ra tòa ly hôn, trong đó gia đình trẻ chiếm hơn phân nửa và hầu hết đều đã có con.

Cột mốc bi kịch tuổi ấu thơ

Vốn là học sinh giỏi nhiều năm liền, chỉ trong vài tháng sau khi ba mẹ ly hôn, sức học của T.T.K.H. (14 tuổi, Q.1, TP.HCM) giảm sút nhanh chóng, trong khi những trang nhật ký đầy nước mắt lại dày lên: “Ngày 18-9-2005: vậy là ba đã chính thức dọn khỏi nhà một tuần rồi. Mẹ thì ngày nào cũng đến tận khuya mới về. Ghét nhất là mỗi buổi sáng mở mắt dậy khi phải đối diện với thực tế ấy. Ước gì có thể biến mất trên cõi đời này...”.

Sự phản kháng của con cái hầu hết là tiêu cực: có bạn trở nên trầm uất, sống lặng lẽ khép kín; có bạn như N.A.T.V. (16 tuổi) ngày ba mẹ ra tòa ly hôn cũng là ngày V. được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì uống thuốc tự tử. Lá thư để lại vỏn vẹn vài dòng: “Con cần cả ba và mẹ. Nếu ba mẹ ly hôn con sẽ chết!”.

Số liệu nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong năm 2004 cho thấy: 16/20 ca tự tử trẻ em (14-17 tuổi) có nguyên nhân từ gia đình. “Gia đình xung đột, cãi vã và đặc biệt cha mẹ ly hôn đều khiến trẻ tuyệt vọng, đau khổ muốn tìm đến cái chết” - bác sĩ khoa tâm lý Thái Thanh Thủy, chủ nhiệm đề tài, cho biết.

Các bác sĩ khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 cũng cho biết thêm: đa số bệnh nhi đang điều trị tâm lý tại đây đều có nỗi đau gia đình. Các em thường không tập trung, chán học, ói khi ăn, tim đập nhanh, ngộp thở, ngất xỉu, nhức đầu, đau bụng... “Ngay trẻ dưới 3 tuổi cũng có cảm nhận về sự ly tán dẫn đến những rối loạn về giấc ngủ, ăn uống, hành vi...” - bác sĩ Phạm Ngọc Thanh khẳng định.

Một số liệu khác: hơn 30% trẻ em lang thang đường phố ở TP.HCM thuộc gia đình ly hôn, không trọn vẹn - là kết quả khảo sát của đề tài luận án thạc sĩ xã hội học của chuyên viên Thạch Thị Yến (Trung tâm Tư vấn trẻ em thuộc Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em TP.HCM).

Giáo dục viên Đỗ Thị Bạch Phát, chủ nhiệm mái ấm Tre Xanh (Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM), cho biết thêm: “Vào mái ấm nhiều em một mực nói ba mẹ chết hết rồi.

Phải mất một thời gian dài tìm hiểu (vài tháng đến một, hai năm tùy trẻ) mới vỡ lẽ các em bỏ nhà đi vì không chịu nổi sự cô đơn trong gia đình”. Khi được trắc nghiệm về cột mốc bi kịch nhất trong đời, N.V. B. (16 tuổi - mái ấm Gò Vấp, TP.HCM) đã ghi vào chỗ tận cùng của hình tháp hai chữ “ly dị”.

Trả thù và... hụt hẫng

“Hiếu, đi về!” - chị Huệ xộc thẳng vào nhà làm cu Hiếu đang cười giỡn với bà nội chợt khóc òa. “15 phút nữa cha nó về tới. Con ráng chờ chút cho cha con nó gặp mặt...” - bà nội giọng run run khẩn khoản.

Sự việc cứ lặp đi lặp lại như vậy đã hơn một năm kể từ ngày Huệ - Kiên chính thức ly dị. Tòa giải quyết chị nuôi con, anh chu cấp. Cuối tuần chị Huệ cho bên nội đón cu Hiếu về đúng ba tiếng đồng hồ là phải “trả”.

Kiên dù bận rộn, đi công tác suốt cũng tranh thủ ba giờ “vàng ngọc” này để được gặp, thủ thỉ với con trai cưng. Vậy mà... với chị Huệ “trễ 5 phút cũng không được”. Người đàn ông cao to, đẹp trai, từ trên xe hớt hải ào vào nhà, mắt dáo dác, miệng gọi tên con.

Nhiều vợ chồng trẻ ly hôn chỉ sau một vài năm hoặc vài tháng chung sống, dù không hề có sự chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống sau ly hôn. Cô nhân viên bán hàng T. K.C. kể: “Bước ra khỏi tòa, mình thấy sự hụt hẫng khủng khiếp”.

Một thời gian dài, người chồng của K.C. cũng rơi vào trạng thái trầm cảm, anh tâm sự: “Tôi thấy mình vẫn còn cần đến tình cảm ấm áp của vợ con...”. Cô phóng viên V.T. cũng mất đi tính cách sôi động nhí nhảnh ngày nào: “Mình thấy cô đơn và chán đàn ông kinh khủng”.

Đồng thời do chưa đủ thời gian tích lũy, tài sản chung rất ít ỏi, sau ly hôn chẳng những tổn thất về mặt tinh thần, nhiều bạn trẻ còn rơi vào cuộc sống khó khăn về kinh tế. B.L.S. (26 tuổi, Q.12, TP.HCM) cho biết: “Tôi rời tổ ấm của mình với một ít đồ cá nhân và vỏn vẹn 50.000 đồng trong túi. Cô ấy cũng chẳng khá gì hơn vì chúng tôi làm ngày nào chi hết ngày ấy”.

Còn bạn M.H. (32 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) ẵm con chưa đầy một tuổi rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng. H. tâm sự: “Tài sản chung cũng chẳng có gì đáng giá. Mình về ở tạm nhà mẹ ruột để làm lại từ đầu”.

Soi vào góc khuất: Bóng ma

Tôi sinh ra và lớn lên trong bầu không khí ngột ngạt của gia đình. Ba má tôi thường xuyên cãi nhau khi cuộc sống gia đình bữa đói bữa no. Ba tôi đi làm về thì đi nhậu, mỗi lần đi nhậu về ba má lại cãi nhau, đập phá đồ đạc trong nhà, có khi còn đánh nhau nữa.

Mỗi lần như thế trái tim bé nhỏ của mấy chị em tôi như thót lại, sợ hãi trước những trận cãi vã, những trận đòn roi của ba má giáng xuống đầu chị em tôi. Tan cuộc, mấy chị em lại nơm nớp lo sợ không biết lúc nào xảy ra “trận” mới.

Từ nhỏ tôi đã cố gắng học hành để thoát khỏi cuộc sống đó. Tôi luôn sống trầm lặng, khép kín nội tâm không thổ lộ cho bất cứ ai dù thân thiết nhất.

Là sinh viên năm 3 tôi vẫn không có một mảnh tình vắt vai, tụi bạn làm mai làm mối tôi cũng chẳng lấy làm hứng thú cho những mối quan hệ ấy. Tôi cứ sợ yêu một ai đó, sợ tình yêu tan vỡ, sợ phải sống cảnh gia đình như ba má tôi.

Bây giờ tôi đã ngoài 30, sự nghiệp cũng tạm gọi là thành đạt. Nhưng tôi không cảm thấy vui, luôn có cảm giác cô đơn trống vắng, dù mỗi lần thoáng nghĩ hay có ai có ý nói chuyện chồng con là tôi lại sợ.

TỐ OANH - THI NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên