10/09/2005 17:28 GMT+7

Bùng cháy trái tim - khát vọng VN!

* TS VŨ MINH KHƯƠNG (ĐH Harvard, Mỹ)
* TS VŨ MINH KHƯƠNG (ĐH Harvard, Mỹ)

TT - Không thể nói khác được điểm chung tuyệt đẹp đó của hàng ngàn ý kiến gửi về diễn đàn “Tuổi 20 của chúng ta” trong 52 ngày qua. Tin tưởng và hy vọng; trăn trở và bức xúc; chia sẻ và giải pháp; cống hiến và đòi hỏi... Mỗi ngày, mỗi giờ diễn đàn đã thật sự là điểm hội tụ của bao nhiêu trái tim - khát vọng Việt “mãi mãi tuổi 20”...

I1d6F5qy.jpgPhóng to
TS Vũ Minh Khương

Từ giọt nước mắt xúc động chảy trên dòng chữ run rẩy chia sẻ của hàng trăm ông bà cụ 60, 70 tuổi đến trang thư nắn nót tuổi học trò; từ cô bé làm thuê 15 tuổi đến những vị giáo sư, tiến sĩ; và hàng trăm trái tim Việt xa quê ở các nước...

Diễn đàn tạm khép lại cho những ước mơ - khát vọng - hành động cụ thể của mọi người Việt, trẻ cũng như già kết thành một khối mở ra; đồng hành với cuộc hành trình vượt thoát tụt hậu, khó nghèo của đất nước, dân tộc hôm nay, ngày mai...

Quả cảm nắm bắt cơ hội

Mỗi quốc gia có ba nguồn lực chủ đạo có thể huy động cho công cuộc phát triển: Thứ nhất, đó là nguồn lực vật chất, bao gồm tiền của, tài nguyên thiên nhiên và vị thế địa lý. Thứ hai, đó là nguồn lực con người, bao gồm sức lao động, tính siêng năng, trình độ giáo dục và khả năng sáng tạo. Thứ ba, đó là nguồn lực xã hội, có cội nguồn từ nền đạo lý xã hội, ý chí dân tộc, nhiệt huyết của thế hệ trẻ và tinh thần đoàn kết toàn dân.

Thế nhưng, rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, chỉ chú trọng vào khai thác nguồn lực vật chất, trong khi khai thác kém hiệu quả nguồn lực con người và bỏ qua nguồn lực xã hội. Theo cách này, công cuộc phát triển tuy có thể đạt được ít nhiều tiến bộ về kinh tế nhưng các kết quả thường thấp xa so với tiềm năng và không bền vững; trong khi đó, đất nước phải trả giá đắt vì tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, nguồn lực con người bị thất tán, đạo lý xã hội bị sa sút, ý chí dân tộc bị xói mòn.

Muốn bùng cháy lên mạnh mẽ

Có một chút gì đó như xót xa khi nghe những câu hỏi tại sao, những suy nghĩ về nghịch lý mà TS Vũ Minh Khương khơi ra: dân tộc giàu nhân văn, yêu cái đẹp - tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy cao; dân tộc trọng tín nghĩa, khẳng khái, chân chính - tỉ lệ tham nhũng cao nhất nhì Đông Á...

Xót xa để chợt muốn bùng cháy lên mạnh mẽ, chợt có ý muốn tìm về nguồn cội để xác tín lại tinh thần, hoài bão, khát vọng của cả một dân tộc đồng tâm những năm xưa đương đầu cùng gian khó, tên bay đạn lạc!

Trong khi đó, một số ít quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đã coi huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là ý chí dân tộc và nhiệt huyết của tuổi trẻ, là bước đi nền tảng cho khai thác nguồn lực vật chất và nguồn lực con người. Kết quả là các quốc gia này đều đã làm nên những kỳ tích phát triển chỉ trong vòng không đầy bốn thập kỷ.

Công cuộc phát triển kinh tế của nước ta kể từ khi khởi đầu sự nghiệp đổi mới tuy đã đạt những kết quả bước đầu, nhưng cho tới nay dường như vẫn dựa quá nhiều vào nguồn lực vật chất và còn xem nhẹ nguồn lực xã hội. Nguy cơ lặp lại sai lầm của Philippines và Indonesia là không nhỏ.

Do vậy, khơi dậy và khai thác mạnh mẽ nguồn lực xã hội của dân tộc ta, từ ý chí dân tộc đến nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ đạo lý xã hội đến đoàn kết toàn dân, đang trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Đây là bước đi quan trọng, có tính đột phá nhằm mở ra cục diện phát triển cao hơn cho sự nghiệp đổi mới.

Theo hướng đi này, “Diễn đàn tuổi 20” đã làm rung động tâm thức của thế hệ trẻ và khơi dậy sự cao thượng và ý thức trách nhiệm với vận mệnh dân tộc của các thế hệ đi trước.

Giống như thế hệ trẻ của những dân tộc đã làm nên kỳ tích phát triển, các bạn hãy ước mơ những điều mà lẽ thường cho là không thực tế, hãy kỳ vọng những điều mà lẽ thường cho là không thể xảy ra, hãy quả cảm nắm bắt những cơ hội mà lẽ thường cho là quá rủi ro, hãy dấn thân chấp nhận những trách nhiệm mà lẽ thường cho là quá nặng nề.

THANH HÀ ghi

Đừng chờ đợi nữa!

V2kZhUcr.jpgPhóng to
Th.S Nguyễn Thị Oanh
Từ Diễn đàn tuổi 20, một chủ đề trở đi trở lại là hoài bão to lớn của bạn trẻ để góp phần xây dựng đất nước, nhưng song song đó lại là mối lo âu về những lực cản to lớn không kém đang chờ đợi họ.

Vấn đề này không mới nhưng chưa được giải quyết rốt ráo nên cứ trở đi trở lại. Bao giờ nó chưa được đem ra mổ xẻ một cách thẳng thắn và khoa học để có một chính sách thỏa đáng về nguồn nhân lực thì đất nước khó tiến xa hơn nữa. Vì con người là yếu tố then chốt.

Cần phân tích kỹ không chỉ các yếu tố về kinh tế, tổ chức mà cả về khía cạnh tâm lý, văn hóa xã hội. Quan trọng nhất là tầm nhìn của người có trách nhiệm vì có người nói “phải là siêu nhân tài mới biết sử dụng nhân tài”.

Hạnh phúc

Trong đêm tốiMột ngọn nếnlung linh...lung linh...nhỏ giọt hình hàirồi lịm tắt...Không làm nên bình minhnhưng rất thành thậtcháy đến tận cùng trái tim.

Nghĩ về anhNghĩ về emNghĩ về những người yêu nhau trên trái đấtPhải chăng em ơi, hạnh phúc vẫn là điều có thậtkhi ngọn nến cháy hết mình!

Một ngọn nến không làm nên bình minhNhưng nếu trăm ngàn ngọn nến lung linh?

Tuổi trẻ thời nào cũng có nhiều hoài bão, nếu không được tạo điều kiện để trở thành hiện thực thì dẫn tới những ức chế, thất vọng, cay cú, bi quan... Như một bạn trẻ nói: nó có thể đưa người ta tới... bàn nhậu. Đây là trách nhiệm to lớn của thế hệ trước: dọn đường cho thế hệ sau. Chúng tôi sẽ có tội với lịch sử và trở thành lực cản cho phát triển nếu không làm tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên các bạn cũng không nên bó tay ngồi chờ sự “ban phát” cơ hội mà phải tự thân vận động, đấu tranh vì lợi ích chung.

Đất nước đã có nhiều thay đổi và giờ đây không nhất thiết phải làm cho cơ quan nhà nước mới là đóng góp, mà bằng chứng là các nhà doanh nghiệp trẻ và sắp tới là những người làm chủ số 1 mà một số bạn đang vươn tới.

Nếu các bạn xác tín rằng đất nước đang cần thì cứ thử. Mọi quá trình đổi mới xã hội đều phải trải qua những bước thăm dò gian khổ. Có một điều đáng mừng là nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, sẽ là người đi đầu hưởng ứng vì chính họ là người nhận thức rất sớm những hoạt động có ích cho họ. Cũng nên nhớ rằng mọi cái mới đều ít nhiều là sự “đe dọa” cho cái cũ.

Thời nào cũng cần những anh Thạc, chị Trâm và sự dũng cảm của họ. Có điều thời chiến, thế hệ trước nhận ra kẻ thù dễ dàng và cương quyết đấu tranh để bảo vệ sự sống của nhân dân và của chính mình. Thời nay kẻ thù vừa giấu mặt vừa mơn trớn chúng ta để chúng ta xem nó là bạn. Kẻ thù dễ nhận ra là sự nghèo đói, dốt nát, tụt hậu. Khó nhận ra là tiền, quyền, sự yên thân và dễ dãi. Kẻ thù lớn nhất ẩn mình bên trong mỗi chúng ta là sự sợ hãi, ngại khó...

Ta không sợ cái chết vì bom đạn như anh Thạc, chị Trâm nhưng ta sợ mất quyền lợi, mất việc làm, sợ khó khăn gian khổ, sợ bị “đì”, sợ u đầu sứt trán. Làm anh hùng ngày nay không phải dễ. Không chỉ cần hi sinh mà còn phải dám chiến đấu không chỉ với bản thân mà cả với những lực cản trên con đường đi tới của các bạn vì lợi ích chung của dân tộc, đất nước. Và hãy liên kết thành một sức mạnh chung vì thế hệ mai sau. Vài chục năm nữa, thế hệ sau sẽ tôn vinh các bạn như anh Thạc, chị Trâm thời đổi mới.

Hãy hành động, hãy bứt phá như anh Khương. Đừng chờ đợi nữa.

Sự sốt ruột cần thiết và lành mạnh

Fg0ZyHfd.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyên Ngọc
Trên diễn đàn, tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của một người ký tên rất vắn tắt “Vũ”, kèm theo một địa chỉ email cũng thật ngắn gọn, cứ như anh ấy đang rất vội. Anh ấy viết: “Chúng tôi đã quá sốt ruột, vì chẳng mấy chốc 30 năm nữa lại sẽ trôi qua”. Có lẽ đó cũng là cảm giác chung của rất nhiều người trong chúng ta những ngày này, dù đã có nói hay chưa nói ra.

Tại sao anh Vũ viết “vì chẳng mấy chốc 30 năm nữa lại sẽ trôi qua”? Ấy là vì anh ấy, cũng như tất cả chúng ta, trong những ngày này đều đang nghĩ về 30 năm vừa đi qua, và tự thấy không bằng lòng về khoảng thời gian không ngờ đã trôi qua nhanh đến vậy. Trong 30 năm đó chúng ta đã làm được những gì? Chúng ta đã làm được khá nhiều, đã đạt được nhiều điều tốt đẹp.

Nhưng chúng ta cũng đã phạm phải nhiều sai lầm không đáng có, hoàn toàn không nên và có thể không phải có, gây nên những tổn thất không nhỏ và rốt cuộc đã quá chậm trễ, đến mức giữa chúng ta và ngay những người láng giềng của chúng ta, mà quả thật ngày trước chúng ta không thật sự nể trọng lắm, khoảng cách bây giờ cứ đang ngày càng doãng rộng ra theo hướng bất lợi cho chúng ta chứ không phải thu hẹp lại, mặc dù chúng ta có tiến lên kha khá nếu đem so với chính mình (để mà tự bằng lòng!).

Chúng tôi đã quá sốt ruột...

Rời VN sang Mỹ du học, điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được đó chính là trăn trở của người dân một nước nghèo nàn và lạc hậu.

(…) Có thể nhiều bạn sẽ nói môi trường là do chính chúng ta tạo ra. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì để đất nước phát triển nhanh, chúng ta cần có cả một môi trường chính sách lớn, có tầm quốc gia để đưa cả đất nước đi lên.

Chúng tôi đã quá sốt ruột, vì chẳng mấy chốc mà 30 năm nữa sẽ lại trôi qua. Chúng tôi lại sẽ có tội với thế hệ con cháu mình khi để chúng bước ra thế giới với những mặc cảm tương tự những gì mà thế hệ cha anh chúng là chúng tôi đã trải qua hôm nay.

Tôi muốn cảm ơn anh Vũ. Anh đã nói đúng: chúng ta đã quá sốt ruột! Chúng ta cần rất sốt ruột! Và vèo một cái 30 năm nữa lại sẽ trôi qua như chơi nếu chúng ta cứ nhẩn nha như thế này! Nguy cơ lớn nhất lúc này chính là đang nằm ở tất cả chúng ta, và đương nhiên nhất là ở những người có trách nhiệm chủ chốt đối với đất nước, nếu không có được cái cảm giác “quá sốt ruột” đó.

Đọc nhật ký Thùy Trâm, cũng như khi nhớ về những người bạn tôi đã hi sinh trong chiến tranh như những người anh hùng (riêng tôi, tôi đặc biệt thường nhớ và nghĩ về một người bạn từng cùng nhau lên đường vào chiến trường ngày ấy: Nguyễn Thi), tôi thường vẩn vơ nghĩ: nếu Thùy Trâm còn sống đến bây giờ, nếu một người như chị, hay như Nguyễn Thi, còn sống đến bây giờ, thì chị, hay anh, sẽ nghĩ gì, sẽ nói gì hôm nay?

Đặc điểm lớn nhất, sâu nhất ở Thùy Trâm là một lòng yêu nước mãnh liệt vô cùng, một trách nhiệm đến cùng với vận mệnh của đất nước và của từng người dân, và một sự trung thực cũng đến cùng như vậy đối với mọi người và trước hết đối với chính mình.

Con người ấy có đòi hỏi rất cao về đạo đức đối với chính mình, nên cũng đòi hỏi rất cao ở mọi người, nhất là những người có trách nhiệm lớn với sự nghiệp chung. Một con người như vậy, tôi tin, nếu còn sống đến bây giờ hẳn cũng sẽ có cảm giác và cũng sẽ nói đúng như anh bạn ký tên là Vũ đã nghĩ và nói: chúng tôi đã quá sốt ruột!

Vũ Minh Khương nhận ra một thời cơ được tích lũy sau bao nhiêu năm trằn trọc. Vì sao anh nhận ra thời cơ? Tôi cho rằng chính vì anh có lòng tự trọng dân tộc lớn, anh nung nấu sự “rất sốt ruột” ấy, nó giục anh chăm chú theo dõi mọi động thái của tình hình, khát khao, hi vọng, và khi thoáng thấy có dấu hiệu mới thì liền lên tiếng đòi hỏi ráo riết và khẩn thiết.

Tuổi Trẻ đã gọi cuộc trao đổi sôi nổi trên mặt báo này là “Diễn đàn tuổi 20 của chúng ta”. Tôi muốn hiểu như vậy không có nghĩa trên diễn đàn này chỉ có vấn đề của những người đang tuổi 20. Không, đây là biểu hiện khát vọng của những người tuổi 20 hôm nay đối với tiền đồ của dân tộc, và do đó cũng là đòi hỏi khẩn thiết của họ, tự đòi hỏi nghiêm trang ở chính mình và đồng thời cũng đòi hỏi khẩn thiết và nghiêm trang như vậy với những người đang gánh những trọng trách chung của đất nước.

9-2005

0nSCMIAp.jpgPhóng to
Các bạn trẻ chia sẻ ước mơ tuổi 20 của mình trong đêm hội "Ngọn lửa tuổi trẻ" (báo Tuổi Trẻ và VTV tổ chức) - Ảnh: T.T.D.
* Tính đến hết ngày 9-9-2005, diễn đàn “Tuổi 20 của chúng ta” nhận được hơn 1.100 thư, email (hơn 600 email và hơn 500 thư viết tay)... tham gia. Đồng thời là hơn 8.000 điều ước, chia sẻ của tuổi 20 trên “Bức tường tuổi 20, tôi ước…”, bàn tay chia sẻ trong đêm hội “Ngọn lửa tuổi trẻ” (báo Tuổi Trẻ và Đài truyền hình VN phối hợp tổ chức tại công viên 30-4, TP.HCM).

* Hơn 1.100 thư, email tham gia, về tuổi, phân bố rất đều từ 15 đến hơn 70 tuổi (nhỏ nhất là một HS lớp 3 và lớn nhất gần 80 tuổi).

* Về công việc, nghề nghiệp, thành phần, SVHS (trong nước và du HS) khoảng 34%; trí thức, người có công ăn việc làm ổn định: 30%; bạn trẻ nông thôn, thanh niên bình thường: 10%; bậc phụ huynh, giáo viên (tức phát biểu theo ý nghĩa giáo dục con em): 10%; nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội: 5%; bạn trẻ nhập cư không phải là SVHS: 3-4%; bạn trẻ VN ở nước ngoài: 3%; y, bác sĩ: 1%; bạn trẻ lỡ lầm (nghiện hút, trường trại…): 1%; bộ đội, công an, hải quan, chiến sĩ Mùa hè xanh...: 3%.

Nội dung tham gia diễn đàn:

* Xúc động mãnh liệt, tự hào về thế hệ tuổi 20 hào hùng ngày ấy: hơn 40%.

* Nhìn lại bản thân mình, thế hệ mình để tự đòi hỏi sống tốt đẹp hơn; sống có ước mơ, khát vọng hơn - đồng hành với ước mơ, khát vọng thoát nghèo của đất nước: hơn 30%.

* Bức xúc trước thực trạng một bộ phận tuổi 20 hôm nay sa vào hưởng thụ, tệ nạn: 10%.

* Đòi hỏi môi trường, cơ chế, điều kiện cho tuổi 20 hôm nay phát huy: 10%.

* Phê phán một số người tuổi 20 hào hùng ngày ấy nhưng hủ hóa hôm nay; đòi hỏi những người thế hệ anh Thạc, chị Trâm còn sống hôm nay vẫn phải là những tấm gương: khoảng 1-2%; than thở, bi quan về mình, về thế hệ tuổi 20 hiện nay: 1%...

Diễn đàn đã đăng tải (đến số báo hôm nay) gần 90 ý kiến, 11 tin, 4/14 ca khúc, 5/45 bài thơ, hai ghi chép giao lưu trực tuyến (trên Tuổi Trẻ Online); bốn ghi nhận sinh hoạt của giới trẻ quanh diễn đàn; năm ý kiến phát biểu (của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Bí thư Trung ương Đoàn Lê Mạnh Hùng, Bí thư Trung ương Đoàn Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trần Trọng Tuấn).

* TS VŨ MINH KHƯƠNG (ĐH Harvard, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên