02/05/2014 07:17 GMT+7

Kỳ 1: Đi tìm cái mới

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Vẫn đan xen giữa kiến thức giáo dục quốc phòng, huấn luyện kỹ năng và các hoạt động bổ trợ nhưng tìm ra cái mới đã trở thành yếu tố sống còn để các đơn vị làm “Học kỳ trong quân đội” cạnh tranh với nhau.

Đã sáu năm kể từ khóa huấn luyện “Học kỳ trong quân đội” đầu tiên xuất hiện ở VN vào năm 2008, đến nay dù đã giảm bớt sức hút song đây vẫn là chương trình huấn luyện nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.

Đưa học kỳ trong quân đội vào nề nếp

Y8IT0iRr.jpgPhóng to
Các học viên trong một khóa “Học kỳ trong quân đội” của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - Ảnh: Q.L.

Ngay từ tháng 3, các thông tin về chương trình “Học kỳ trong quân đội” đã được nhiều đơn vị “lên sóng” với đủ kênh thông tin. Và hiện là mùa cao điểm của việc chiêu sinh.

Đổi nội dung, phương thức huấn luyện

Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (Trung ương Đoàn) - đơn vị đầu tiên đưa mô hình “Học kỳ trong quân đội” về VN - cho biết đã phải thay đổi nhiều trong nội dung và phương thức huấn luyện năm nay. Tổng điều phối chương trình huấn luyện kỹ năng hè 2014 của trung tâm Phan Thành Hổ cho biết đơn vị đã khảo sát, tiền trạm để chọn lựa đối tác, đơn vị có thể đáp ứng tốt nhất các điều kiện huấn luyện trong quá trình phối hợp.

Theo anh Hổ, các đơn vị quân đội cùng phối hợp với trung tâm năm nay đều có đầu tư mới cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh để đáp ứng tốt hơn việc ăn ở, sinh hoạt hằng ngày cho các chiến sĩ nhí. “Sẽ vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức liên quan đến giáo dục quốc phòng, rèn luyện kỷ luật quân đội, song các nội dung huấn luyện sẽ hướng học viên đến ba điều: lòng nhân ái, tính tự lập và tinh thần đoàn kết” - anh Hổ thông tin.

Địa chỉ tham khảo

Quý phụ huynh có thể tham khảo thêm thông tin về các hoạt động huấn luyện kỹ năng, chương trình “Học kỳ trong quân đội” dịp hè tại một trong hai đơn vị sau:

- Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).

- Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (cơ sở 1: 1 đường số 3, khu dân cư Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM; cơ sở 2: 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM).

Thống kê đến nay cho thấy có gần 50 tỉnh, thành đoàn đã được chuyển giao và tổ chức các khóa huấn luyện “Học kỳ trong quân đội”.

Ngoài ra, việc chọn cách thức mới để đánh động lòng yêu thương, suy nghĩ về tình cảm gia đình, hạn chế bớt sự bi lụy khi xa nhà... cũng là điều trung tâm quan tâm để hướng chiến sĩ nhí sống mạnh mẽ hơn. “Sau nhiều năm huấn luyện, chúng tôi đảm bảo với phụ huynh là dù rèn luyện, dù kỷ luật nghiêm nhưng chắc chắn không có cảnh con em mình dầm mưa dãi nắng nữa” - anh Hổ cho biết.

Trong khi đó, ngoài đưa học viên vào đơn vị quân đội, năm nay Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM còn có thêm các khóa huấn luyện tập làm chiến sĩ công an nhân dân. Phối hợp cùng Đoàn thanh niên Công an TP.HCM, các khóa học này sẽ tập trung tại trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Công an TP. Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên Nguyễn Quang Cường cho biết ngoài mục tiêu huấn luyện như đã từng làm với các khóa “Học kỳ trong quân đội” thì khóa huấn luyện tập làm chiến sĩ công an sẽ giới thiệu hình ảnh người công an đến học viên như một cách hướng nghiệp cho những bạn muốn trở thành chiến sĩ công an sau này.

Các khóa huấn luyện nói trên sẽ thay cho các khóa huấn luyện làm chiến sĩ hải quân và khóa huấn luyện tại Côn Đảo đơn vị này từng làm các năm qua. “Chúng tôi muốn thay đổi trong kết cấu chương trình năm nay để có sự mới lạ thu hút học viên, nhưng cũng một phần do chi phí một vài chương trình truyền thống các năm qua thu không đủ bù chi vì số học viên không đạt như dự tính” - anh Cường nói.

Cạnh tranh học phí

Dù sẵn sàng móc hầu bao cho “cục cưng” nhưng học phí cũng là một trong những yếu tố quyết định đến việc phụ huynh chọn lựa nơi gửi con tham gia “Học kỳ trong quân đội”. Bà Minh Hương - phụ huynh ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), từng cho con tham gia huấn luyện các năm trước - cho rằng: “Thương hiệu, uy tín của đơn vị huấn luyện chúng tôi biết hết nên sẽ cân nhắc một chút về học phí trước khi quyết định cho con học ở đâu”.

Có lợi thế về địa điểm huấn luyện, nơi ăn ở nên giá học phí của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam có hai mức 3,9 triệu đồng và 4,9 triệu đồng (trừ khóa học tại Côn Đảo do đi dài ngày và về bằng máy bay nên giá 7,9 triệu đồng/học viên). Trong lúc đó Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhờ có sự hậu thuẫn từ Công an TP.HCM nên mức học phí thấp nhất là 3,6 triệu đồng/học viên, khóa cao nhất ở mức 6,1 triệu đồng cho tám ngày huấn luyện.

Các đơn vị cũng có nhiều chính sách miễn giảm cho học viên. Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam Trần Thị Kim Liên cho biết sẽ giảm cho nhóm nhiều học viên cùng đăng ký, anh em cùng tham gia, con em gia đình nghèo, gia đình chính sách, con em cán bộ Đoàn, học viên của trung tâm các năm trước. Trong khi Nhà văn hóa Thanh niên sẽ tiếp tục lớp miễn phí hoàn toàn dành cho 100 học viên. Dự kiến 100 học sinh giỏi vượt khó khối THPT các quận huyện toàn TP sẽ được tham gia khóa miễn phí này, thông qua tuyển chọn của phòng công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT TP.

Ra mắt, nâng chất mô hình huấn luyện

Lần đầu tiên, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam ra mắt khóa học “Học viện mùa hè”. Khóa học hướng đến các gia đình do bận đi làm, không có thời gian chăm sóc con trong thời gian nghỉ hè. Phụ huynh sẽ gửi con em mình (từ lớp 1-8) tại trung tâm (cơ sở Q.Bình Tân, TP.HCM) từ thứ hai đến thứ sáu và đón con vào hai ngày cuối tuần.

Mỗi khóa học diễn ra trong bốn tuần, ngoài ôn tập các môn văn, toán, ngoại ngữ, học viên sẽ được học bơi, chơi thể thao, các môn năng khiếu (đàn, hát, vẽ), học một vài nghề thông dụng (nấu ăn gia đình, sửa chữa điện...) và tham gia các hoạt động từ thiện, ngoại khóa để rèn luyện tinh thần đoàn kết, biết chia sẻ yêu thương với cộng đồng. Học phí một khóa học 5 triệu đồng.

Năm nay, Nhà văn hóa Thanh niên sẽ mở hai lớp bán trú kỹ năng sống dành cho trẻ em (từ 7-10 tuổi) và chỉ nhận tối đa 25 học viên/lớp. Trong thời gian sáu tuần (ba ngày/tuần), học viên được trang bị một số kỹ năng cơ bản cần thiết, chọn một trong các môn thể thao: bơi, bóng rổ, quần vợt, trượt băng để học và tham gia dã ngoại, hoạt động ngoại khóa, tập làm nông dân... Học phí mỗi khóa 5,8 triệu đồng.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên