05/11/2013 04:20 GMT+7

Thầy đi trả nghĩa giùm trò

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - Khuya, thầy giáo Nguyễn Văn Minh Bằng trở dậy bắt chuyến xe đêm từ huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) về TP.HCM. Đến nơi trời vừa sáng, thầy vẫy xe ôm đến Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Thầy là ông thầy giáo trong bài “Thầy kêu cứu giúp trò” trên báo Tuổi Trẻ, ra ngày 2-9-2013.

Thầy “kêu cứu” cho tròBám trường, bám lớpGắng lên những tân sinh viên nghèo

Trò đang học nên thầy ngồi ở quán nước trước cổng trường chờ. Học xong, Lê Thành Long ra khoanh tay thưa thầy. “Cái quần mới nhà trường mua cho nè thầy, đôi dép nữa. Trường cũng mua cho ba cái áo đi học” - cậu học trò đen nhẻm khoe. Ông giáo cười trêu lại: “Nãy giờ định hỏi em sao mua dép gì xìtin dữ vậy...”. Long ở với bà ngoại từ nhỏ, làm thuê đủ việc cũng không đủ tiền đi học và thầy Bằng đã gõ cửa khắp nơi tìm hỗ trợ cho học trò.

Hỏi thăm việc học, làm thêm của Long xong, thầy Bằng gọi điện thoại cho ông Dũng (Q.12) và chị Cẩm (chủ một cửa hàng thiết bị máy ở gần trường). Đó là hai trong số nhiều mạnh thường quân chung tay để Long được ngồi trên ghế giảng đường. Nghe thầy Bằng gọi, ông Dũng đang ở Thủ Đức bảo sẽ đến. Chị Cẩm cũng nhờ người coi tiệm để “ra coi thằng nhỏ học hành ra sao”.

Lúc sau, trước cổng trường, một cuộc gặp gỡ ân tình diễn ra. Cậu học trò nghèo hiếu học, ông giáo hết lòng vì học trò cùng hai nhà hảo tâm tay bắt mặt mừng. Thầy Bằng mở lời: “Hôm nay tôi lên đây, trước là để hỏi thăm việc học của trò Long, nhắc nhở em phải cố gắng không được ỷ lại sự giúp đỡ của người khác. Sau là để cảm ơn anh Dũng, chị Cẩm đã giúp học trò của tôi được học đại học. Thiệt tình tình cảm ấy tôi không biết nói gì hơn là thay mặt học trò cảm ơn anh chị”.

Nghe thế, ông Dũng xua tay: “Có gì đâu, ngày xưa tôi khổ hơn vậy nên tôi biết”. Còn chị Cẩm cũng rôm rả nói: “Trời, có gì đâu thầy ơi. Mình thấy cháy thì tạt gáo nước thôi. Nhằm nhò gì. Phải nhiều người cùng tạt thì lửa mới tắt được”. Rồi chị Cẩm kể: “Sáng đó, đọc báo Tuổi Trẻ tôi rất khâm phục nghị lực của Long. Hơn nữa, tôi trân trọng nghĩa cử của thầy đã hết lòng vì học trò. Trước tôi cũng học sư phạm, thấy học trò bỏ học vì nghèo mà không giúp được thì không đành lòng nên phụ thầy một tay...”.

Gặp gỡ mọi người xong, thầy Bằng lại quày quả bắt xe về Vĩnh Long để chuẩn bị cho buổi lên lớp hôm sau.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên