Cuộc tranh luận đông đảo người tham dự, kéo dài, với nhiều góc nhìn và cách lên tiếng và đang "nóng hổi" khi vào chiều 26-9, độc giả có tên T.N.T trực tiếp gửi thư kiến nghị thu hồi hai tập của cuốn sách đến Cục Xuất bản.
Huyền Chip (bìa phải) trả lời phỏng vấn báo chí tại TP,HCM ngày 22-9, trong buổi giới thiệu cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, tập 2 "Đừng chết ở châu Phi!" - Ảnh: Trung Uyên |
Lao động chui, trốn vé: bình thường hay không thể chấp nhận?
Những nghi ngờ về tính chân thực của cuốn sách, băn khoăn về tư tưởng sách... đã xuất hiện trong cộng đồng mạng khi tập 1 của "Xách ba lô lên và đi" - Châu Á là nhà. Đừng khóc! ra mắt và thật sự bùng lên thành làn sóng khi tập 2 "Đừng chết ở châu Phi!" đến với bạn đọc.
Tham gia tranh luận có dân phượt, du học sinh, những người có cơ hội đi qua nhiều nước, học sinh, sinh viên, phụ huynh... Mỗi người một góc nhìn, một quan điểm. Những phản biện về tính chân thực của cuốn sách không chỉ được dựa trên trải nghiệm cá nhân người phản biện mà còn cả những dẫn chứng về luật pháp hay chính những đoạn trong cuốn sách.
Dân phượt cho rằng ăn bờ ngủ bụi, trốn vé, lao động chui để có tiền sống... vốn không có gì lạ khi đi bụi, thậm chí là những "chiêu" vốn được chia sẻ với nhau thường xuyên. Nếu gạt bỏ những nội dung này khỏi cuốn sách thì còn gì là tinh thần đi bụi! Song cũng có ý kiến cho rằng viết những điều này thành sách, phát hành rộng rãi thì khác nào cổ xúy cho lối sống vi phạm pháp luật, bất chấp nguy hiểm cho bản thân?
Trong làn sóng tranh luận này, ý kiến của Rosie Nguyen - blogger đồng thời là "phượt tử" có tiếng, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng bởi những lý giải từ kinh nghiệm đi bụi của mình và cho rằng "những suy luận phản bác Huyền Chip thực sự hết sức buồn cười. Những người nghi ngờ Huyền Chip là những người chưa hiểu gì về cái gọi là đi bụi". Rosie Nguyen cũng giải thích về cách vừa đi bụi vừa làm việc, cách xin visa không khó như nhiều người nghĩ...
Có chăng là hơi cường điệu Một cô gái trẻ có thể xách ba lô và đi ra nước ngoài đã là thành công và đáng ngưỡng mộ (dù là vài nước lân cận)! Một tinh thần cần phải cổ động để có một thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm sẵn sàng vượt đại dương ra biển lớn học hỏi thế giới... Có hay chăng là lời kể hơi cường điệu quá, cần giải thích rõ để làm thêm phần hấp dẫn của câu chuyện. |
Song, bài viết này vẫn không hề làm giảm độ nóng cho đề tài sách của Huyền Chip và càng lên cao trào khi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận được "Thư kiến nghị" dài 21 trang của độc giả T.N.T đề ngày 25-9 với nội dung "đề nghị tạm đình chỉ phát hành để thẩm định lại nội dung và tư tưởng cuốn sách hai tập mang tên Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip".
Trong phản hồi gửi về Tuổi Trẻ Online, độc giả Hung Nguyen cũng viết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thu hồi sách. Sách này nếu xét kỹ lại thì không có tính giáo dục cho xã hội và còn nguy hiểm cho xã hội mà đặc biệt là giới trẻ. Tuổi trẻ phải lo học tập, làm việc để sánh vai với các cường quốc năm châu. Đằng này đi làm những việc không có mục tiêu hay không muốn nói là ăn chơi buông thả, liều mạng".
Không phải ngẫu nhiên mà có những phụ huynh lo lắng con em mình sau khi đọc sách sẽ hăm hở lên đường và lao vào những chốn hiểm nguy xa lạ như Huyền Chip. Tại một trang mạng bán sách có giới thiệu sách của Huyền Chip, hàng trăm bình luận bên dưới bày tỏ sự hâm mộ và mơ ước có thể thực hiện những chuyến đi như thế, cho rằng Huyền Chip là đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam dám nghĩ dám làm...
Hình mẫu tích cực hay gương xấu?
Ranh giới giữa việc bày tỏ chính kiến một cách tôn trọng hay "ném đá" làm tổn thương người khác vốn dĩ khá mong manh. Trang Facebook dulichbalo của Huyền Chip, các diễn đàn về du lịch, Facebook của độc giả T.N.T. - người đã gửi thư kiến nghị thu hồi sách... - là những điểm đến "nóng" của cuộc tranh luận.
"Thớt", "lên thớt", "đóng thớt" đã là những từ quen thuộc trong cộng đồng mạng khi nói về việc mổ xẻ một chủ đề nào đó. Khi mọi việc vẫn còn chưa ngã ngũ vì các cơ quan chức năng vẫn đang xử lý vấn đề xoay quanh cuốn sách, đã có những nhận xét như "Huyền Chip đang bôi bẩn chân dung người Việt", kẻ lừa dối, lừa đảo, bịp bợm... Độc giả T.N.T. cũng bị cho là đố kỵ, bảo thủ... và nhận những nhận xét với lời lẽ thiếu lịch sự sau khi anh kiến nghị thu hồi sách.
Tại Facebook của mình, anh T.N.T. viết: "Nói thật đọc comment của một số bạn, mình thấy các bạn nên dành thời gian đọc các tranh luận, các luận điểm rồi hãy vào phán xét. Chưa đọc kỹ nhưng toàn là các thánh phán đi chụp mũ với cả ngụy biện".
Tác giả Huyền Chip (bìa trái) ký tặng sách tại buổn giới thiệu cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, tập 2 "Đừng chết ở châu Phi!" ở TP.HCM ngày 22-9 - Ảnh: Trung Uyên |
Nhiều người đang đòi hỏi làm rõ tính chân thực của sách - vốn là đặc điểm của nhật ký hành trình. Những điểm trong cuốn sách được cho là thiếu logic, khó xảy ra trong thực tế đang được tranh luận liên tục trong thời gian qua như làm sao xin được visa ở những nước vốn rất khắt khe trong thủ tục này, bị một xe máy chạy gần 100km/g đâm vào chân đến gãy ống đồng nhưng sau đó ba tuần lại đi leo núi, việc kiếm việc làm có thu nhập cao, những vận may liên tiếp xảy đến...
Độc giả Phương Nam viết: "Tôi đang sống ở châu Âu và cũng từng du lịch ở châu Phi, châu Mỹ... Qua những trang báo viết về hiện tượng Huyền Chip, tôi chỉ biết khuyên các bạn trẻ nên đừng quá tin vào những trang sách ấy vì công việc cũng như xin quốc tịch không dể dàng như vậy (dù là những nước kém phát triển). Và những việc làm vé tham quan giả, thẻ nhà báo giả... - điều đó dễ đối với dân bản xứ chứ không dể dàng đối với người nước ngoài".
Bạn đọc Thanh Dung khuyên độc giả cần cẩn trọng: "Một cuốn sách thể loại bút ký nhưng thiếu cái căn bản nhất là tính chân thực. Bạn đọc tuổi teen sẽ ra sao nếu ai cũng sẽ bỏ nhà ra đi theo sự xui dại của tác giả và loại sách đòi hỏi "người thật việc thật" này? Hỡi bạn đọc tuổi teen, hãy cảnh giác!".
Song, cũng có những bạn đọc cho rằng không cần quá quan trọng việc cuốn sách đúng 100% sự thật. Độc giả Tuấn viết: "Sản phẩm trí tuệ này đâu bắt buộc mọi người mua đâu. Thuận mua vừa bán. Người nào thích thì mua về đọc còn ai không thích thì thôi. Sao lại đi bới móc nội dung một cuốn sách, đố kỵ với với những người tài hơn mình?".
Độc giả Bùi Quang Sinh viết: "Rõ ràng cuốn sách đã mang lại tính tích cực trong nếp nghĩ, nếp sống của một số thanh niên ngày nay: năng động hơn, dám nghĩ, dám làm, dám đi để thể hiện mình hơn. Đó chẳng phải đang thúc đẩy ngành du lịch hay sao? Mọi người nói nhiều đến "phượt", "lãng du non nước". Đó phải chăng là hiệu ứng của "Huyền Chip" trong xã hội? Không phải săm soi vào chi tiết của tác phẩm làm gì. Đây không phải là sách khoa học hay luận án tiến sĩ".
Một số diễn biến về sách của Huyền Chip Huyền Chip ra mắt Xách ba lô lên và đi tập 1 Châu Á là nhà. Đừng khóc! vào cuối tháng 9-2012. Một năm sau, vào tháng 9-2013, Huyền Chip ra mắt tập 2 "Đừng chết ở châu Phi!" và có buổi giao lưu, giới thiệu sách tại Hà Nội ngày 19-9, tại TP.HCM ngày 22-9. Không khí các buổi này đều rất căng thẳng vì những thắc mắc của bạn đọc về tính chân thực nội dung sách. Chiều ngày 26-9, ông T.N.T trực tiếp mang thư kiến nghị thu hồi hai tập của cuốn sách Xách ba lô lên và đi đến Cục Xuất bản. Sau đó một ngày, Cục Xuất bản gửi công văn đến NXB Văn học và Quảng Văn Books đề nghị giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đại diện NXB Văn học cho biết sẽ làm việc trực tiếp, cụ thể với Huyền Chip để có lời giải đáp thỏa đáng với độc giả. Sáng 30-9, NXB Văn học làm việc với Quảng Văn Books và tác giả Huyền Chip. Huyền Chip đã gửi đến NXB Văn học bản giải trình cho những vấn đề ông T.N.Tnêu trong thư kiến nghị. |
------------------------------------
* Đọc thêm
"Ai rồi cũng sẽ có những chuyến đi cho riêng mình"Căng thẳng buổi giới thiệu sách của Huyền Chip tại TP.HCMHuyền Chip ra mắt Đừng chết ở châu PhiHuyền Chip: đến 20 quốc gia không chỉ với 700 USDVụ Huyền Chip: Thu hồi một cuốn sách không đơn giản
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận