26/08/2013 11:00 GMT+7

Học khá thời phổ thông là điều may

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TT - Được nhận vào chương trình thạc sĩ hai năm tại đại học Harvard (Hoa Kỳ) năm 2008, anh Huỳnh Thế Du (sinh 1973) sau đó trở thành hiện tượng tại đây khi hoàn thành luận án tiến sĩ chỉ trong 15 tháng!

kTjlqNPZ.jpgPhóng to
Anh Huỳnh Thế Du - Ảnh: Công Nhật

Tuy vậy, người con của vùng đất Tây Sơn, Bình Định tự nhận: “Tôi là sản phẩm thuần túy của giáo dục Việt và không có thành tích nổi trội suốt thời phổ thông, ĐH tại VN”.

* Du học vào độ tuổi 35 có là sự lựa chọn khó khăn khi lúc đó anh đã lập gia đình và có sự hài lòng nhất định trong sự nghiệp?

- Nói đến lựa chọn nghĩa là phải từ bỏ một điều gì đó. Nguyên tắc lựa chọn hay thay đổi của tôi rất đơn giản, tôi chỉ chọn điều mình tin sẽ tốt về lâu dài cho bản thân, chứ không phải vì bức bối với cái cũ hay tuân theo một sự áp đặt, lợi ích trước mắt nào. Do vậy, cho đến giờ chưa có lựa chọn nào khiến tôi mất ngủ.

Trong quá khứ, tôi từng từ chối vị trí giám đốc của một ngân hàng để làm giảng viên bởi tôi tin mình phù hợp, đam mê việc giảng dạy và nghiên cứu hơn, và tôi chưa từng hối tiếc về sự lựa chọn trên dù biết cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực ngân hàng cao hơn.

Bên cạnh đó trong cuộc sống, tôi thường phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi, vấn đề mà bản thân khó tự tìm ra câu trả lời. Tôi cũng không ngừng thắc mắc thế giới ngoài kia đang vận hành ra sao. Cứ như vậy, tôi biết mình phải tiếp tục học, và trở lại giảng đường là điều cần thiết.

* Có một kết quả học tập rất ấn tượng tại ĐH Harvard nhưng anh lại có quá khứ không đến từ trường chuyên, lớp chọn...

- Suốt thời phổ thông tôi chỉ học trường huyện, trường làng và thường thuộc nhóm học khá chứ không nằm tốp đầu. Nhưng nhìn lại, tôi cho rằng đó là điều may mắn.

Nhược điểm lớn nhất của kiểu giáo dục thuần Việt là luôn uốn nắn người trẻ phải biết vâng lời, làm theo mà không quan tâm đến tư duy độc lập và phát triển khả năng sáng tạo, phán đoán vấn đề của mỗi cá nhân. Những thành phần ưu tú trong trường học VN thường được lưu ý và gọt giũa điều trên nhiều nhất. Vì không quá nổi bật trong lớp, lại không phải học sinh chuyên nên tôi ít bị mọi người để ý, không bị kỳ vọng quá mức. Từ đó tôi có không gian riêng để tự do phát triển theo hướng phù hợp nhất.

Quan điểm của tôi là không chỉ trích vì mỗi mô hình giáo dục đều có mặt ưu và khuyết. Chỉ có điều việc gò bó tư duy độc lập ở người trẻ sẽ dễ dẫn đến nhiều vấn đề, đơn cử văn hóa “đổ thừa” sau này.

Ở nước ngoài, tư duy là điều rất được trân trọng. Một người từng không thuộc tốp đầu ở VN như tôi vẫn đạt được kết quả như hôm nay, nếu những người ở nhóm đầu sớm được nuôi dưỡng tư duy độc lập thì bức tranh giáo dục Việt có thể đã rất khác.

* Có mâu thuẫn không khi anh chia sẻ nhiều về những lần thi rớt nhưng lại cho rằng bản thân chưa từng trải qua thất bại nào đáng kể?

- Tôi luôn tư duy theo hướng “nửa ly nước đầy”, vì thế thường chỉ thấy những điều lạc quan sau mỗi thử thách gặp phải. Tôi từng thất bại trong lần đầu nộp đơn xin học bổng thạc sĩ Fulbright cũng như lần nộp hồ sơ xin nghiên cứu tiến sĩ tại ĐH Harvard.

Ngẫm lại, tôi thấy nếu được nhận ngay từ đầu thì bản thân đã không có cơ hội nhìn lại mình để tìm ra điểm yếu cần khắc phục. Sau một năm nỗ lực đầu tư thêm vốn tiếng Anh, kiến thức thì năm 2008 tôi đã được ĐH Harvard nhận vào. Nếu được học bổng ngay từ năm đầu thì tôi đã khó thể được học ở ngôi trường danh giá này.

Tương tự, khi bị đánh rớt trong lần đầu nộp hồ sơ vào chương trình tiến sĩ của Trường Kiến trúc Harvard, tôi có thêm thời gian quay về nước để tìm hiểu sâu hơn về đề tài ấp ủ của mình. Nếu thành công ngay từ lần đầu nộp đơn, có lẽ tôi đã không thể bảo vệ luận án tiến sĩ sau ba học kỳ.

* Để hòa nhập tốt với xã hội hiện đại, theo anh, giới trẻ Việt cần lưu ý những gì?

- Tài sản lớn nhất của người trẻ là thời gian và bầu nhiệt huyết. Ở họ chưa có gì để đắn đo hay mất mát, vì vậy cần hết mình với những gì bản thân cho rằng đam mê và có ý nghĩa nhất, hạn chế vụ lợi cá nhân.

Mơ ước chinh phục được ngôi trường danh giá nhất thế giới đã cháy trong tôi hơn 20 năm, điều này tưởng chừng bất khả thi khi tôi chỉ xuất thân từ trường làng, thậm chí chỉ tốt nghiệp loại trung bình khá ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Tuy vậy nhờ đam mê, nhẫn nại và niềm tin mà tôi đã làm được điều này.

Nhưng tham vọng làm được điều lớn lao không đồng nghĩa phủ nhận giá trị của những điều nhỏ nhặt. Tôi thấy không ít bạn trẻ thường nghĩ mình cao hơn những điều bản thân đang thật sự có. Đơn cử việc khi đi thực tập, thậm chí khi mới đi làm, một số bạn coi nhẹ, bức xúc việc bị giao phải pha trà, rót nước... mà không biết rằng mình có thể học được nhiều điều từ đó. Thú thật, nhờ không nề hà chuyện lớn nhỏ từ thời còn là một nhân viên bình thường ở Bình Định mà tôi đã tích lũy được các kỹ năng, giá trị sống nhất định cho những thành công sau này.

* Chọn con đường trở về nước làm việc, anh có băn khoăn nhiều nhất là khi hiện được xem là công dân toàn cầu và có cơ hội làm việc ở nhiều nơi khác?

- Hiện tôi vẫn ở lại ĐH Harvard thêm một năm để làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) nhưng sau đó tôi sẽ trở về VN. Luận văn và nghiên cứu của tôi là về phát triển đô thị ở TP.HCM nên việc trở về không có gì khiến bản thân băn khoăn.

Tôi sẽ trở lại Trường Fulbright và tiếp tục nghiên cứu những điều còn dang dở. Được sống cùng đam mê thì chẳng bao giờ là thiệt.

Làm cầu nối du học sinh

Bên cạnh những hoạt động học thuật tại ĐH Harvard, Huỳnh Thế Du còn tham gia nghiên cứu và làm giảng viên ở một trường chính sách công, anh cũng là một gương mặt quen thuộc trong các diễn đàn đối thoại chính sách ở VN.

Trong thời gian ở Mỹ, Du cũng hòa mình với nhiều hoạt động của du học sinh Việt. Du là chủ tịch Hội Thanh niên - sinh viên VN vùng Boston mở rộng nhiệm kỳ đầu tiên (2012-2013), tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng du học sinh Việt trong khu vực. Song song đó, Du đã cùng các du học sinh Việt nỗ lực lập mạng lưới kết nối để cho ra mắt Hội Thanh niên - sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 1-6-2013 (cổng thông tin: www.sinhvienusa.org). Ngày 24 và 25-8, lần đầu tiên du học sinh Việt trên khắp đất Mỹ có dịp cùng hội ngộ và giao lưu với nhau qua chương trình Vòng tay nước Mỹ - Boston hội ngộ 2013.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên